Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đặt ra mục tiêu trở thành đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 - 2014, việc thực hiện kế hoạch chiến lược khoa học - công nghệ (KH-CN) chỉ ra nhiều hạn chế ở cả ba phương diện tài chính, cơ chế và nhân lực. Nhiều đại biểu nhận định như thế tại Hội thảo Chiến lược KH-CN ĐHQG TPHCM, phát triển nghiên cứu đỉnh cao và phục vụ cộng đồng, diễn ra ngày 8-1.
PGS-TS Nguyễn Thanh Nam, quyền Trưởng ban KH-CN ĐHQG TPHCM cho biết, để đáp ứng mục tiêu đặt ra, trường đã hình thành một hệ thống 60 phòng thí nghiệm (PTN) phục vụ nghiên cứu khoa học. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2014, ĐHQG TPHCM đầu tư 25 PTN với tổng kinh phí 532 tỷ đồng; công bố 1.277 bài báo quốc tế, tăng gần 1,6 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Trong số đó, có từ 60% - 70% là số bài ISI, giúp gia tăng chỉ số ảnh hưởng trung bình từ 1,62 lên 2,43 năm 2014. Ngoài nghiên cứu đỉnh cao, ĐHQG TPHCM cũng đặt trọng tâm hướng các nghiên cứu để phục vụ cuộc sống, cộng đồng. Đặc biệt, theo yêu cầu của TPHCM, hiện đơn vị đang tập trung giải quyết ba bài toán lớn gồm: Giảm ùn tắc giao thông, chống ngập nước đô thị và phát triển công nghệ vi mạch.
Riêng trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ĐHQG TPHCM đồng chủ trì chương trình KH-CN quốc gia phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ, với nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới phải có ít nhất 30% số nghiên cứu được đưa vào ứng dụng…
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec (Nhật Bản) trong khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Lê Quang Minh, Viện trưởng Viện Quản trị đại học, thừa nhận, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm lực. Việc hoạch định chiến lược phát triển KH-CN đang rất lờ mờ. Kinh phí phân bổ cho KH-CN ít nhưng đầu tư dàn trải. Lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, vốn là xương sống của cả nền công nghiệp, chỉ nhận mức phân bổ hơn 50 tỷ đồng trong 5 năm; ngành xã hội nhân văn còn khiêm tốn hơn...
TS Dương Như Hùng, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, cho rằng: “Chọn sai chiến lược phát triển sẽ khiến chúng ta tốn kinh phí gấp 4 lần bình thường”. Khi áp dụng cách quản lý một trường nghiên cứu cho một trường giảng dạy thì chúng ta kỳ vọng giảng viên sẽ làm nghiên cứu đỉnh cao, nhưng họ khó hoặc không thể thực hiện được. Kết quả là hai bên không hài lòng: trường không nâng cao được uy tín khoa học, giảng viên không phát huy hết sở trường. Về mặt tổng thể xã hội thì đây là sử dụng lãng phí nguồn lực. Đầu tư một trường đại học nghiên cứu là chiến lược đúng đắn. Nhưng phải xác định đó là chiến lược đầu tư dài hạn, liên tục và tốn kém”.
GS-TS Đặng Lương Mô cho rằng, Luật Giáo dục đại học chỉ đặt ra một vài tiêu chí để mở trường đại học. Nhưng nếu đi vào chi tiết, thì ngay trường danh tiếng như Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng không đáp ứng được tiêu chí tỷ lệ thầy/trò. Đảm bảo hoạt động đào tạo đã khó, phát triển nghiên cứu chuyên sâu lại càng khó gấp bội phần. Trước tiên ĐHQG TPHCM cần đánh giá lại mọi nguồn lực, từ cơ sở vật chất đến chất lượng giảng dạy. Nghiên cứu phải trọng tâm, trọng điểm, phục vụ cộng đồng rồi hướng đến nghiên cứu đỉnh cao.
Đồng quan điểm đó, PGS-TS Phan Minh Tân, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT TPHCM, bộc bạch: Chiến lược không chỉ dành cho các cấp lãnh đạo mà thực chất chiến lược chính là sự nghiệp của tập thể đội ngũ cán bộ giảng dạy của nhà trường. Nó thể hiện ngay ở kế hoạch phân bổ các nguồn lực tài chính, nhân lực… một cách hợp lý, đáp ứng các nhu cầu bức thiết nhất.
Tường Hân
|