Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 diễn ra khi năm 2013 chỉ còn đúng 1 tuần nữa là khép lại.
Đánh giá về kết quả năm 2013, Chính phủ thừa nhận một số chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 không đạt được. Kinh tế vĩ mô phục hồi nhưng chưa vững chắc. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng triển khai chậm và gặp nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút và chưa có nhiều cải thiện. Tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN chậm. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI... Những khó khăn, yếu kém đó của năm 2013 tiếp tục vắt sang năm 2014, khiến cho nhiệm vụ năm mới đứng trước nhiều thách thức.
Không né tránh, Chính phủ đã thừa nhận, những yếu kém đó chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan trong nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả và chậm được đổi mới.
Công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành ở một số nơi vẫn còn yếu và chưa thực sự linh hoạt; hiệu quả trong phối hợp ở một số cơ quan chưa đạt hiệu quả cao. Đây cũng là điều nổi lên trong trăn trở của các địa phương khi bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2014. Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng phục hồi tăng trưởng kinh tế chưa như mong đợi, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Yếu kém kéo dài còn do chậm đổi mới kinh tế, trong đó có thể chế. Chậm cải cách thủ tục hành chính. Nhiều chính sách đưa ra không sát với thực tiễn. Bởi vậy, dù thống nhất các giải pháp của Chính phủ đề ra trong năm 2014 nhưng Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ cần xác định đâu là ưu tiên trọng tâm, đâu là dài hạn, ngắn hạn để điều hành hợp lý. Đây cũng là ý kiến của nhiều địa phương khác khi cho rằng, giải pháp trong năm 2014 phải xác định những ưu tiên, trọng điểm để từ đó có những đột phá.
Các địa phương khác cũng cho rằng, cùng với việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng cũng phải chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu, tức là phải đẩy mạnh cải cách kinh tế, mà một trong cái gốc của cải cách kinh tế là phải cải cách thể chế. Tuy nói phân cấp, giao quyền tự chủ cho địa phương nhưng vẫn phải “trình lên trình xuống” lòng vòng; hoặc giao cho địa phương giải quyết nhưng lại không rõ cơ chế khiến các địa phương hết sức khó làm. Đó là lý do mà hầu hết các địa phương đều đề xuất Chính phủ cần cải thiện tình trạng này, phải tin cấp dưới nhiều hơn. Vì chỉ có thể cái cách thể chế, phân cấp mạnh mẽ, rành mạch thì mới tạo điều kiện cho cơ sở, cho các địa phương chủ động sáng tạo và tạo ra những đột phá.
Có thể thấy rằng, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2014 là rất nặng nề. Trước khi Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2014 với các ngành, địa phương, Quốc hội đã bàn thảo rất kỹ đến những đầu việc đặt ra cho Chính phủ trong năm tới. Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra cũng nhận được sự đồng tình của hầu hết các tỉnh thành. Nhưng vấn đề cần nhất hiện nay chính là xác định cho được những ưu tiên, trọng điểm mang tính đột phá trong năm 2014. Nếu không xác định được điều đó, các nhóm giải pháp cũng sẽ chỉ lặp đi lặp lại qua các năm và hiệu quả thực thi thì không cao. Khi đã có trong tay những điểm cần đột phá, mà như các địa phương đều chung đề nghị là đột phá về thể chế, phân cấp, cải thiện hạ tầng... cộng với sự vào cuộc chủ động, sáng tạo của các ngành, địa phương thì không khó để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững theo các mục tiêu đã đề ra.
LÂM NGUYÊN