Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã để lại nhiều điều đáng suy nghĩ về hoạt động của các doanh nghiệp (DN) dân doanh hiện nay.
Điểm đáng chú ý trong đó là sự lo ngại cạnh tranh không công bằng của khối DN dân doanh. Việc sử dụng lại và cải thiện chỉ số thành phần là “Cạnh tranh bình đẳng” sau khi đã loại bỏ năm 2009 được nhóm nghiên cứu đánh giá là “thay đổi quan trọng nhất cho đến nay trong PCI”. Lý giải cho sự trở lại của chỉ số này, theo nhóm nghiên cứu PCI, vào thời điểm năm 2009, DN nhà nước (DNNN) do địa phương quản lý không còn vai trò áp đảo trong môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Năm 2013, 31% DN cho biết việc các DNNN được ưu ái trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, tín dụng và mua sắm công là một trở ngại lớn cho hoạt động của họ.
DN tham gia khảo sát PCI cũng nhắc nhiều đến hai hình thức ưu đãi tương tự. Đó là ưu đãi dành cho các DN tiền thân là DNNN và các DN thân hữu, với tỷ lệ đồng ý là 35%. Thứ hai, 32% DN tin rằng lãnh đạo tỉnh ưu tiên thu hút DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn là phát triển DN tư nhân trong tỉnh. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, cảm nhận này là phổ biến hơn, đặc biệt tại Tuyên Quang (49%), Nam Định (46%), Hà Nam (44%). Tại Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng cũng có đến 40% DN phàn nàn về DN FDI được ưu ái. Bảng xếp hạng chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” cũng chỉ ra, các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL như Kiên Giang và Cần Thơ tạo dựng được “sân chơi” bình đẳng nhất, trong khi các DN dân doanh tại Hà Tĩnh phải vật lộn với nhiều khó khăn nhất. Bình Dương, Lào Cai - hai ngôi sao và là quán quân PCI một thời đang rơi vào các vị trí sa sút so với chính họ (lần lượt vị trí 30 và 17). Điều đáng lo ngại là khi nhìn vào đồ thị hình sao các chỉ số thành phần PCI của 63 địa phương, điểm số của chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” đa số đều thấp. Có lẽ, cũng vì những ưu ái dành cho DNNN và DN FDI mà DN nhận định tính tiên phong của lãnh đạo tỉnh và thái độ của họ đối với khu vực tư nhân suy giảm liên tục kể từ năm 2007.
DN dân doanh ở Việt Nam hầu hết đều có quy mô nhỏ, họ cảm nhận rõ nhất các cơ quan quản lý nhà nước có tạo thuận lợi cho họ trong hoạt động hay không. Tình trạng phân biệt đối xử của chính quyền địa phương cũng đáng lo ngại vì có thể chèn lấn sự phát triển của khu vực DN dân doanh. Điều này thấy ở thực tế là khối DN FDI, DNNN thường có tiếng nói mạnh mẽ hơn với các cấp chính quyền so với DN tư nhân. Và họ còn phải đối mặt với sự nhũng nhiễu khá phổ biến của cơ quan nhà nước (theo khảo sát PCI, 41% DN dân doanh Việt Nam đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN khá phổ biến”).
Kể từ năm 2000 đã có trên 350.000 DN tư nhân đăng ký và hoạt động. Theo điều tra DN của Tổng cục Thống kê, 66% DN có quy mô từ 10 lao động trở xuống. DN ít hơn 20 lao động chiếm đến 82%. Các DN nhỏ hoạt động dàn trải trên địa bàn cả nước, khó tiếp cận và hạn chế về trình độ công nghệ. Tuy quy mô nhỏ, nhưng cộng đồng DN tư nhân đang gia tăng cả về số lượng và tầm ảnh hưởng đối với nền kinh tế, song, họ vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức trong các đối thoại chính sách do không có nguồn lực và ảnh hưởng lớn như các DNNN hay các tập đoàn đa quốc gia tiếng tăm. Chính vì vậy, sự hỗ trợ công bằng cùng việc tiếp nhận ý kiến của DN dân doanh cho chính sách đóng vai trò hết sức quan trọng bởi chính họ tạo ra sự năng động, việc làm, nguồn thu và đổi mới sáng tạo để đưa đất nước phát triển hơn.
NGỌC QUANG