Cách đây 35 năm, Việt Nam đã từng có một đặc khu: đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. 12 năm sau (năm 1991) đặc khu này lại được thiết lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dường như không có một tài liệu nào phân tích thấu đáo về việc quãng thời gian làm “đặc khu” đã để lại những dấu ấn gì cho địa phương này. Cho đến nay, như chính Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam chưa có một đặc khu kinh tế (ĐKKT) nào đúng nghĩa.
Giờ đây, chúng ta lại tiếp tục bàn đến việc xây dựng ĐKKT. Giải thích về sự khác biệt giữa mô hình khu kinh tế (KKT) và ĐKKT, nguồn tin từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho hay, nếu như các KKT chỉ thu hút đầu tư bằng các chính sách ưu đãi về kinh tế thì với đặc khu sẽ có những cải cách rất mạnh về thể chế. Theo TS Trần Đình Thiên, những thể chế dành cho ĐKKT phải thuộc loại “tốt nhất ở tầm thế giới” mới hy vọng thu hút được những nhà đầu tư lớn nhất, sở hữu công nghệ và kỹ năng quản trị, điều hành tốt nhất, đồng thời có quan hệ tốt với các nhà đầu tư thứ cấp khác để thu hút đầu tư. Đây cũng là quan điểm của GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới. GS Võ Đại Lược còn nói rõ, phải “kéo” cho bằng được các nhà đầu tư trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới.
TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Lâu nay, chúng ta xây dựng KKT theo kiểu xây dựng một ngoại lệ trong cái thông thường. Tức là trong một thể chế thông thường như hiện nay, chúng ta đưa vào đó những ưu tiên, ưu đãi mang tính chất ngoại lệ, nhưng không vượt qua cái thông thường. Bây giờ, phải xây dựng một thể chế mới, đặc biệt, vượt khỏi cái thông thường... Vấn đề là thể chế đặc biệt đó sẽ như thế nào để có thể thu hút được những nhà đầu tư như mong muốn; trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng” hơn, mọi nguồn lực gần như được tự do lưu chuyển toàn cầu? Đành rằng người đi sau không phải bao giờ cũng thua thiệt, nhưng nhận diện được những “lợi thế đi sau” của mình và biến nó thành hiệu quả cụ thể rõ ràng là thách thức không nhỏ.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2014 đã quy định Quốc hội có thẩm quyền thành lập các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt. Luật về ĐKKT cũng đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII, mở đường cho việc xây dựng một mô hình kinh tế mà nhiều nước đã triển khai nhiều thập kỷ trước. Luật này và những đề án thành lập các ĐKKT sẽ “vẽ” ra con đường tiến tới xây dựng các đặc khu khác (và chắc chắn phải khác) với con đường mà một số quốc gia khác đã đi như thế nào?
Theo thông tin từ Vụ Quản lý KKT (Bộ KH-ĐT), hiện đã có những đề xuất về việc thành lập 3 ĐKKT, hành chính ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, là Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc. Trong đó, đề án thành lập và phát triển ĐKKT Vân Đồn đang được xem xét, thẩm định. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mặc dù đang “ngây ngất” với mô hình ĐKKT Vân Đồn (như cách nói vui của TS Trần Đình Thiên), song bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh cũng phải thừa nhận quá trình xây dựng đề án thành lập phát triển ĐKKT Vân Đồn như là “dò đá sang sông”.
Trong một động thái khác, một thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về phát triển KKT, khu công nghiệp vừa được Văn phòng Chính phủ công bố. Theo đó, các KKT, khu công nghiệp đã có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhưng cần rà soát, điều chỉnh, bởi bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của KKT, khu công nghiệp bộc lộ không ít hạn chế: tỷ lệ lấp đầy còn thấp so với yêu cầu; điều kiện thu hút doanh nghiệp có nơi còn dễ dãi, chưa chú trọng vấn đề công nghệ, bảo vệ môi trường, nhà ở cho công nhân; mô hình quản lý chưa nhất quán và hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo…
Hy vọng là việc “dò đá” được tiến hành thận trọng và hiệu quả, vừa lường được đá mới vừa tránh được những tảng đá cũ.
ANH THƯ