Brazil

Đổ xô đi đào vàng

Tai họa cho địa phương?
Đổ xô đi đào vàng

Báo giới Brazil đưa tin, ít nhất 3.000 người đã tìm đến thị trấn Apui ở bang Amazonas từ đầu năm 2007, khi những dấu vết của quặng vàng được tìm thấy bên bờ sông Juma cách thị trấn 50 dặm về phía bắc. Họ dựng trại trong rừng Amazon vốn cách  thị trấn khoảng 3 giờ xe hoặc xuồng máy.

Theo lời  Admilson Nogueira, một quan chức địa phương thì số người tìm vàng này đến từ khắp nơi trên đất nước Brazil, có cả tu sĩ, chính khách săn vàng cùng với những người nông dân nghèo. Họ dùng cuốc xẻng đào những hố sâu 2m trên nền đất đỏ cứng.

Ông cũng cho biết trong tháng qua, vài người đã đào được khoảng 500g vàng non, bán được với giá 19.500 reais (tiền Brazil, tương đương 11.686USD), trong khi đó tiền công lao động trong một nông trại chỉ là 350 reais/tháng.

Tai họa cho địa phương?

Đổ xô đi đào vàng ảnh 1

Phu đào vàng ở Serra Pelada

Trong tuần này, dòng người đào vàng tiếp tục đổ đến thị trấn 20.000 dân này, khiến chính quyền địa phương lo ngại bùng nổ nạn phá rừng và bệnh sốt rét.

Một bài bình luận trên báo Diario do Amazonas cảnh  báo “dân du mục đào vàng sẽ để lại một khu vực bị tàn phá về môi trường và xã hội, dòng sông bị ô nhiễm vì thủy ngân sử dụng trong việc phân loại vàng, dẫn đến việc phá rừng và đem đến nguy cơ bùng nổ việc nghiện ma túy và bạo lực đến thị trấn yên bình này”.

Thị trưởng Antonio Roque Longo nói trên một tờ báo, rằng dù “cuộc xâm chiếm” giúp nơi này nhanh chóng phát triển kinh tế, nhưng cũng dẫn đến nạn mại dâm, bạo lực và dịch bệnh: “Khách sạn kín chỗ thì tốt cho chúng tôi, nhưng người dân rất lo sợ”.

Cũng có những nỗi lo sợ “Đất Vàng mới” (El Dorado) lại tạo thêm một “Serra Pelada mới”: như những năm 1980, một mỏ vàng tự nhiên ở bang Para lân cận đã thu hút khoảng 30.000 dân đào vàng đổ xô đến, xảy ra tình trạng tranh giành, bắn giết và cả nạn ép trẻ em bán dâm, nhưng người đào vàng chỉ làm cho những tên “trùm” chóng giàu có…

Vẫn chưa thống nhất cách giải quyết

Một đoàn kiểm tra gồm ngành mỏ và bảo vệ môi trường đã đến Apui  để xác định có nên cấp phép khai thác, hay phải giải tán số người đào vàng. Phía bảo vệ môi trường chủ trương cho phép khai thác nhưng giám sát kỹ, nhưng quyền Thanh tra trưởng Ủy ban bảo vệ môi trường Mario Jorge nói “họ đang tàn phá khu vực, có nguy cơ dòng sông bị ô nhiễm thủy ngân và nếu không kiểm soát được, Apui sẽ từ El Dorado mới trở thành Serra Pelada mới”.

Ông Jorge còn nói đến nguy cơ dân đào vàng bị sốt rét rừng, vì khi nước sông bị ô nhiễm, muỗi mang mầm bệnh sốt rét sẽ mau chóng tấn công người đào vàng. Nhưng có lẽ sẽ không có quyết định cứng rắn nào, vì theo ông  Nogueira của chính quyền địa phương: “Người đào vàng chóng đến rồi chóng đi. Tất cả tùy thuộc họ đào được bao nhiêu vàng”. 

Theo lời thanh tra trưởng của Bộ Mỏ Brazil, ông Walter Arcoverde, do giá vàng thế giới đang tăng trở lại nên dân nghèo trong khu vực lại hy vọng “trúng mánh lớn” và việc đổ xô đào vàng là chuyện tất nhiên.

Diên Hy (theo Guardian)

Những hình ảnh chụp về điều kiện lao động như dành cho nô lệ ở Serra Pelada đã trở nên nổi tiếng thế giới, qua ống kính của nhà nhiếp ảnh Sebastiao Salgado người Brazil. Ông chụp những người đào vàng oằn vai vác những túi đất ra khỏi hầm trong giấc mộng đổi đời. Nay thì hầu hết những mỏ vàng ấy bị bỏ hoang, trở thành những “thị trấn ma giữa rừng già”, người ta chỉ có thể tìm đến bằng máy bay hạng nhẹ hoặc bằng xuồng máy. Một thông tin cho biết hiện có khoảng 500.000 người nghèo vẫn tìm giấc mộng đổi đời ở những mỏ vàng đã cạn kiệt này, chủ yếu là người nghèo ở bang Maranhao miền đông bắc Brazil.

Tin cùng chuyên mục