Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc thăm Báo SGGP - Cơ hội giao lưu văn hóa

Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc thăm Báo SGGP - Cơ hội giao lưu văn hóa

Sáng 4-11, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc 8 ngày tại Việt Nam, đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc do nhà văn Thiết Ngưng, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, làm trưởng đoàn đã đến thăm Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Tiếp thân mật đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc có đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo SGGP; ông Lê Quang Trang, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM; ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn TPHCM. Nhiều vấn đề về tăng cường quan hệ hợp tác, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam - Trung Quốc đã được trao đổi giao lưu trong không khí thân tình.

Ban Biên tập Báo SGGP tặng quà lưu niệm cho nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Ảnh: Cao Minh

Ban Biên tập Báo SGGP tặng quà lưu niệm cho nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Ảnh: Cao Minh

        Thúc đẩy giao lưu văn hóa nghệ thuật

“Hôm qua, đoàn chúng tôi đã có dịp gặp gỡ các bạn Báo SGGP, thế nên hôm nay chúng ta gặp nhau bằng cảm giác gần gũi và thân thiết, chứ không phải là bạn mới nữa”, nhà văn Thiết Ngưng mở đầu rất chân tình. Trong thời hội nhập thế giới, những tiện ích từ internet đã khiến mạng thông tin phát triển nhanh chóng, điều này đã tạo nên một áp lực không nhỏ đối với các ấn bản báo in. Đây cũng là điều mà nhiều đồng nghiệp chúng tôi rất quan tâm. Tôi thật sự khâm phục khi biết rằng, cơ quan ngôn luận của Đảng như Báo SGGP đã sớm thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Các bạn rất năng động và sáng tạo, tôi sẽ chia sẻ điều này với các bạn đồng nghiệp ở Trung Quốc để cùng học tập. Không chỉ có tiếng Việt, các bạn còn có cả báo chí tiếng Anh, tiếng Hoa” - nhà văn Thiết Ngưng chia sẻ thêm…

Văn hóa nghệ thuật, nhất là văn học giữ vai trò như thế nào trong lĩnh vực truyền thông và trong cuộc sống xã hội hiện nay là vấn đề mà các đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc quan tâm. Về vấn đề này, Tổng biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong cho biết, ngoài các mảng thông tin chính trị, kinh tế, thời sự xã hội, mỗi ngày Báo SGGP đều có trang thông tin văn hóa - nghệ thuật, giới thiệu đời sống văn hóa nghệ thuật thế giới trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả, bởi độc giả Việt Nam quan tâm nhiều đến các loại hình nghệ thuật của Trung Quốc, nhất là lĩnh vực văn học và điện ảnh.

Trả lời câu hỏi những vấn đề quan tâm đối với văn học Việt Nam hiện nay, nhà văn Thiết Ngưng chân thành: “Tôi thật sự không có nhiều thông tin về văn học Việt Nam, bởi có quá ít tác phẩm văn học của các bạn được chuyển ngữ và xuất bản tại Trung Quốc. Đó cũng chính là lý do mà chúng tôi đến thăm Việt Nam lần này. Sau lần giao lưu này, tôi mong thời gian tới sẽ có nhiều tác phẩm văn học Việt được chuyển ngữ và giới thiệu với độc giả Trung Quốc. Trước hết, tôi hy vọng các nhà văn trẻ hai nước sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Trên chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Việt Nam, tôi có tranh thủ đọc một tờ báo để tìm hiểu thêm về đất nước, văn hóa, phong tục tập quán của các bạn, tôi rất ấn tượng”.

        Người viết cũng nhiều khó khăn

Là Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc với công việc sự vụ chiếm phần lớn thời gian, thế nên viết văn với nhà văn Thiết Ngưng là tùy vào tâm trạng. “Khi viết tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Viết một tác phẩm thì dễ nhưng để có một tác phẩm hài lòng là điều rất khó. Tác phẩm sau thiếu ấn tượng, mờ nhạt hơn tác phẩm trước là áp lực thứ hai” - nhà văn chia sẻ.

Thiết Ngưng là một trong những nhà văn tên tuổi trên văn đàn Trung Quốc. Sinh ra tại Bắc Kinh, tuy nhiên học xong trung học, cô gái trẻ Thiết Ngưng về “cắm rễ” ở nông thôn Hà Bắc. Năm đó, tác phẩm Chiếc liềm biết bay được chọn in trong văn tập dành cho thiếu nhi của NXB Bắc Kinh - đã được coi là truyện đầu tay của nhà văn. Năm 1979, Thiết Ngưng về làm biên tập viên tiểu thuyết tại Tạp chí văn học Hoa Sơn. Năm 1982, bà in truyện ngắn Ôi, hương tuyết! và tác phẩm này lập tức gây tiếng vang lớn. Năm 1984, Thiết Ngưng tiếp tục ra mắt truyện ngắn Đề tài chuyện tháng sáu gây chú ý và được chuyển thể thành phim truyền hình. Năm 1985, một bộ phim nhựa mang tên Thiếu nữ áo đỏ được chuyển thể từ tiểu thuyết Chiếc áo đỏ không cúc của bà. Bộ phim này đã giành giải Phim truyện hay nhất trong năm ở cả giải Trăm hoa và Kim kê. Năm 1984, Thiết Ngưng chuyển về làm nhà văn chuyên nghiệp tại Hội Nhà văn Hà Bắc, sau đó bà được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong trao tặng quà lưu niệm cho nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Ảnh: Cao Minh

Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong trao tặng quà lưu niệm cho nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Ảnh: Cao Minh

Năm 1986 và 1988, bà lần lượt in 2 bộ tiểu thuyết Mạch kiết đóa và Miên hoa đóa - đánh dấu thời kỳ sáng tác mới của Thiết Ngưng. Năm 1988, bà còn in cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên Cửa hoa hồng thay đổi hẳn phong cách và chủ đề. Các tác phẩm thời kỳ mới sáng tác của Thiết Ngưng phần lớn miêu tả câu chuyện, con người của tầng lớp bình dân. Bà tập trung miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật, chạy theo lý tưởng, mâu thuẫn và đau khổ, với ngôn ngữ uyển chuyển, mới mẻ. Đặc biệt, tác phẩm Người đàn bà tắm xuất bản năm 2000 miêu tả số phận và sự trưởng thành về thế giới tinh thần của một phụ nữ, được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt khiến tên tuổi Thiết Ngưng vượt lên tầm quốc tế. Một số tác phẩm đã được dịch ra các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga, Tây Ban Nha, Áo, Đan Mạch, Na Uy và Việt Nam.

Ngày 12-11-2006, tại Đại hội lần thứ 7 Hội Nhà văn Trung Quốc, Thiết Ngưng được bầu làm chủ tịch hội, kế nhiệm nhà văn Ba Kim (đã mất ngày 17-10-2005). Như vậy bà là chủ tịch hội thứ ba trong lịch sử Hội Nhà văn Trung Quốc kể từ khi thành lập vào năm 1949, sau Mao Thuẫn và Ba Kim. Các tác phẩm khác của Thiết Ngưng có thể kể đến: Con đường làng dẫn tôi về nhà, Vĩnh viễn là bao lâu, Thành phố không mưa…

MINH AN

Tin cùng chuyên mục