Ngày 1-5, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức cho đoàn đại biểu Quốc tế đi tham quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Trung tâm Bảo trợ xã hội Thiên Phước 1, TPHCM.
Đoàn đại biểu hơn 40 người đến từ nhiều quốc gia như Nga, Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Anh, Hungary, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Cuba…, là khách mời tham dự lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa tổ chức tại TPHCM.
Tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chứng kiến sự thay đổi lớn lao của TPHCM sau giải phóng, Tiến sĩ Déri Miklós, nguyên thành viên Đoàn Ủy ban Giám sát quốc tế thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam, đã không nén nổi niềm xúc động: “Việt Nam - chúng tôi ở bên cạnh các bạn”. Tiến sĩ Déri Miklós cho biết, ông đã đến Việt Nam từ năm 1973, thấy kênh Nhiêu Lộc rất nhỏ, bẩn, cá không sống nổi. Tuy nhiên sau 42 năm quay lại Việt Nam, ông đã thấy sự thay đổi lớn lao, kênh đã xanh trong, cá bơi lội, cây xanh tỏa mát. Trước đây, khi qua Sài Gòn, khách sạn Caravelle đang là khách sạn đẹp nhất, sang trọng và lớn nhất nhưng nay TPHCM đã mọc nhiều tòa nhà cao tầng, khách sạn, cao ốc hiện đại. Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đang phát triển mạnh mẽ từng ngày. Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) được khởi động từ năm 2002 với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Đến năm 2012, dự án đã hoàn thành, hồi sinh dòng kênh hơn 20 năm “chết” chìm trong rác; giúp 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt, góp phần chỉnh trang đô thị.
Sau kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoàn đã đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội Thiên Phước 1 tại huyện Củ Chi do linh mục Phan Khắc Từ lập ra. Hiện nay hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội của linh mục Phan Khắc Từ đang nhận nuôi 130 em khuyết tật, trong đó có nhiều em bị nhiễm chất độc da cam.
Tại đây, bà Sandra Scagliotti, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Việt Nam, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Vùng Piemonte tâm sự: Từ lúc trẻ, bà đã nghiên cứu lịch sử, văn học Việt Nam, hiểu và yêu truyền thống văn hóa Việt Nam; xem Việt Nam là tình yêu của đời mình. Tinh thần đấu tranh anh dũng và nhân đạo của dân tộc Việt Nam là điều khiến bà tin yêu và gắn bó với Việt Nam. Bản thân bà cũng đã nhiều lần đến Việt Nam nên thấy rõ sự phát triển hàng ngày của Việt Nam, nhất là TPHCM.
NGỌC MINH