(SGGP).- Chiều 21-11, trao đổi với PV Báo SGGP sau chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Ấn Độ (kéo dài từ ngày 13 đến 19-11, Báo SGGP đã thông tin), Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết: Chuyến đi đã gặt hái nhiều thành quả, mở ra mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa TPHCM và Cộng hòa Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ và cá nhân bà Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã dành cho VN nói chung, TPHCM nói riêng những tình cảm tốt đẹp với sự đón tiếp đoàn trọng thị, chu đáo. Bên cạnh các cuộc tiếp kiến và gặp gỡ với tổng thống, các bộ trưởng Ấn Độ vào những ngày đầu tiên của chuyến đi, đoàn đã đến thăm và làm việc với hàng chục tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn của Ấn Độ để tìm hiểu và thiết lập các mối quan hệ về kinh tế, thương mại.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã gặp gỡ Bộ trưởng Quốc vụ - Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Phụ trách Ấn kiều, Bộ trưởng Quốc vụ - Bộ Nội vụ; gặp gỡ các tập đoàn kinh tế lớn của Ấn Độ do Liên hiệp Các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ - FICCI và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ - CII tổ chức.
Đoàn cũng đến thăm và làm việc với bà Preneet Kaur, Bộ trưởng Quốc vụ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, làm việc với ông Mohd Tasleem, Giám đốc khu vực Công ty Giáo dục quốc tế NIIT; gặp gỡ ông Shri Suresh K.Goel, Tổng giám đốc Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ kiêm chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Đảng Quốc Đại.
Trong chuyến công tác Ấn Độ, đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với nhiều tổ chức kinh tế - xã hội ở thành phố Mumbai, một trong những trung tâm kinh tế - thương mại - xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ; thăm hãng sản xuất phim Whistling Woods International (khu phim trường Bolywood lớn nhất Ấn Độ - nơi đây không chỉ sản xuất phim mà còn đào tạo đạo diễn, diễn viên, các chuyên gia sản xuất phim ảnh); các doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn - Việt (ra đời trên cơ sở biên bản ghi nhớ ký về hợp tác thương mại ký giữa Phòng Thương nhân Ấn Độ - Mumbai và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - VCCI năm 1989).
Trong nhiều doanh nghiệp lớn của Ấn Độ mà đoàn gặp gỡ làm việc có ông Sajan Poovayya, Chủ tịch phụ trách Liên hiệp Các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ - FICCI của Hội đồng bang Karnatake và TP Bangalore. FICCI được xem là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ được thành lập năm 1927 cũng là tổ chức lâu đời và lớn nhất của các doanh nghiệp Ấn Độ.
Đoàn cũng thăm chi nhánh Bệnh viện Apollo ở Bangalore (bệnh viện hiện đại thuộc Tập đoàn Apollo, một tập đoàn kinh doanh đa ngành về y tế đứng hàng đầu Ấn Độ và đứng thứ 3 trên thế giới); thăm xưởng sản xuất và làm việc với ông Srinivasan, Tổng Giám đốc TVS Mô tô, một tập đoàn đứng thứ 3 của Ấn Độ và thứ 7 của thế giới chuyên sản xuất xe máy được tiêu thụ mạnh tại Ấn Độ hiện nay.
Đặc biệt, tại Bangalore, đoàn đã thăm và làm việc với lãnh đạo tập đoàn công nghệ Infosys (thành lập năm 1981). Trụ sở đặt tại Bangalore, Infosys đã trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin với doanh thu 6,5 tỷ USD vào năm 2010. Lĩnh vực hoạt động Infosys rất rộng bao gồm tư vấn kinh doanh và công nghệ, phát triển phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin.
Infosys đã thành công trong việc phát triển mô hình phân phối toàn cầu về gia công và rất chú trọng đến các khu vực có nguồn nhân công kỹ thuật cao, phát triển năng động về kinh tế và ít rủi ro nhất. Infosys đã đặt 63 văn phòng và trung tâm nghiên cứu tại Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Anh, Canada và Nhật Bản với hơn 122.000 nhân viên.
“Ấn Độ mong muốn giữa 2 nước sớm mở đường bay thẳng từ TPHCM đến New Delhi - Bangalore - Bombay để thúc đẩy các quan hệ hợp tác phát triển mới”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nói.
V.Anh