Theo số liệu thống kê của Quỹ châu Á tại Việt Nam, thiên tai đã và đang gây ra nhiều tổn thất cho Việt Nam, ước tính hàng năm gây thiệt hại 1,5% GDP.
Cụ thể, khoảng 70% dân số, 85% doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt thiên tai như bão, lũ, ngập lụt… (trong đó khoảng 5% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoàn toàn). Thống kê tại 3 tỉnh miền Trung của Quỹ châu Á cho thấy, có tới 85% DN bị bão tấn công, 45% bị lũ lụt, 12% bị lốc xoáy trong năm 2012. 60% DN đã bị thiệt hại, trong đó 5% DN bị thiệt hại rất nặng nề, 30% ở mức nặng nề. Chủ yếu bị thiệt hại về nhà xưởng, thiết bị và hàng hóa.
Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam vẫn còn thờ ơ, chưa có sự quan tâm đến việc lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, giảm thiểu tác động của thiên tai và hậu quả là DN phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế, chuỗi giá trị.
Để hạn chế tình trạng này, một số ý kiến cho rằng, Nhà nước nên rà soát và điều chỉnh các quy chuẩn về xây dựng các công trình cho phù hợp với điều kiện thiên tai ngày càng tăng cả về tần suất và cường độ. Có biện pháp chế tài đối với những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ bảo hiểm rủi ro thiên tai cho những DN nào tuân thủ đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn xây dựng, phòng tránh thiên tai và có kế hoạch phòng tránh rủi ro thiên tai lồng ghép trong kế hoạch hàng năm của DN. Bản thân các DN cần có sự chủ động, quan tâm và nhất trí cao từ cấp lãnh đạo về việc lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai; phân bổ nguồn lực, kinh phí, thời gian cho kế hoạch phòng chống rủi ro thiên tai.
MINH HẢI