Trải qua cơn “bão” khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) đã chuyển hướng đầu tư bằng nghề khác, có thể không đem lại siêu lợi nhuận nhưng sống được…
Đầu tư đa ngành
Là doanh nghiệp kinh doanh BĐS có tiếng của TPHCM nhưng cuối năm ngoái, Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt bất ngờ khi dồn lực xây dựng cầu đường. Theo đó, dự án cây cầu Mỹ Lợi nằm trên quốc lộ 50 nối liền 2 tỉnh Long An và Tiền Giang do liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt và Công ty cổ phần Bê tông 620 Long An thực hiện. Dự án có chiều dài toàn tuyến 2.691m, trong đó phần cầu dài 1.416m, tổng mức đầu tư 1.313 tỷ đồng, theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), thời gian thi công dự kiến 18 tháng. Giới BĐS đồn đoán, việc xây dựng cây cầu này của Công ty Phát Đạt có khả năng nhắm đến khách hàng là các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ hưu trí có nguồn tiền rất dồi dào, sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, nguồn thu ổn định lâu dài.
Trước đây có Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai “khua chiêng gõ mõ” khi chuyển hướng làm nông nghiệp, nhưng nay lại có một số doanh nghiệp khác tham gia, như Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (TDH)! Điều này khá bất ngờ bởi từ khi khởi thủy tới giờ, công ty này chưa bao giờ bước chân ra khỏi BĐS, lĩnh vực này gắn liền với sự thăng trầm của công ty từ nhà nước rồi sang cổ phần. Mọi thứ xuất phát từ khó khăn của BĐS buộc TDH phải rút gọn lại bộ máy, tìm kiếm lĩnh vực mới để giải quyết bài toán sống còn.
Tiềm năng ngành nông nghiệp
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Phó tổng giám đốc TDH, cho biết: “Khởi đầu từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chúng tôi nhận thấy đầu tư vào nông nghiệp có lời, đồng tiền quay vòng nhanh nên bắt tay thực hiện”. Thế là cuối tháng 10 năm ngoái, Công ty cổ phần Thuduc House Wood Trading ra đời với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, trong đó TDH chiếm tỷ lệ 50%, ngành nghề chính là bán buôn gỗ cây, gỗ chế biến; bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu, gạo, thực phẩm; khai thác gỗ. Qua 3 tháng hoạt động, doanh thu xuất khẩu trên 100 tỷ đồng, chủ yếu là sắn lát và trái cây vào các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đầu tư cho nông nghiệp, ông Bảo Hoàng cho biết, hiện nay công ty có được vùng nguyên liệu 300ha ở Bình Thuận để trồng bắp, trên 100ha đã trồng khoảng 1,5 tháng. Tất cả việc trồng, thu hoạch đều sử dụng máy móc. Tiếp đó, công ty cũng liên kết với các tỉnh miền Trung để tìm kiếm trồng rừng cũng như khai thác các loại gỗ như keo lá tràm… Tham vọng lớn, nhưng trước mắt theo ông Bảo Hoàng, lĩnh vực nông nghiệp sẽ chiếm doanh thu khoảng 30% của TDH!
Như vậy, sự chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp sắp tới có thể trở thành làn sóng vì trước đây chưa lâu, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền cũng góp 51% vốn để thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Ascentro. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 50 tỷ đồng này sẽ hoạt động trong lĩnh vực buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu, bao gồm cả thức ăn gia súc, thủy sản... hoặc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng cũng thông báo bổ sung thêm lĩnh vực nông nghiệp vào ngành nghề kinh doanh, và biết đâu các doanh nghiệp BĐS sẽ tạo nên sức bật mới cho ngành nông nghiệp của nước ta.
LƯƠNG THIỆN