LTS: Ngay sau khi Báo SGGP số ra ngày 4-10 đăng bài viết: Giá vé máy bay tăng: Quay lại thời … “độc quyền”, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc và các chuyên gia. Để rộng đường dư luận, Báo SGGP đăng tải ý kiến sau đây.
Đọc báo SGGP số ra ngày 4-10 với bài viết: Giá vé máy bay tăng: Quay lại thời … “độc quyền”, tôi hết sức tâm đắc với những nghĩ suy và chia sẻ của tác giả bài báo với số đông khách hàng hiện nay khi có nhu cầu đi lại bằng phương tiện hàng không.
Một lý lẽ mà lãnh đạo ngành hàng không đưa ra để lý giải việc cần phải tăng giá vé là “tăng giá trần lên mức 1,5 lần thì các hãng hàng không mới có thể đảm bảo hoạt động trong bối cảnh chi phí đầu vào đang tăng mạnh hiện nay”. Giống sự kiện “cãi nhau” cách đây không lâu giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “dọa” Bộ Tài chính nếu giảm giá xăng dầu thì “hệ thống phân phối sẽ vỡ”, hình như lần này lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA) cũng đang định “dọa” nhà nước và hàng triệu khách hàng của mình?
Xin trích một nguồn thông tin đáng tin cậy từ một website: Theo Cục Hàng không Việt Nam, số lượng hành khách trong năm ngoái đã tăng 20% so với năm 2009 và đây là kết quả của các mức giá thấp hơn và khai thác được nhiều đường bay. Riêng VNA đã đạt doanh thu 36.000 tỷ đồng (1,8 tỷ USD) và lợi nhuận đạt 350 tỷ đồng (17,5 triệu USD) trong năm ngoái. Xét về thị phần đường bay nội địa, VNA chiếm khoảng 70%, phần còn lại thuộc về vài hãng nhỏ lẻ khác.
Nguyên nhân kiến nghị tăng trần giá vé được VNA và các hãng hàng không đưa ra là do chi phí đầu vào tăng cao. Theo con số được VNA công bố, trong 6 tháng đầu năm 2011, chi phí nhiên liệu của hãng này đã “đội” lên trên 1.500 tỷ đồng so với mức đưa ra trong kế hoạch đầu năm. Về cơ bản, giá vé máy bay sẽ được tính toán dựa trên chi phí bình quân của doanh nghiệp cộng với một mức lãi nhất định. Nhưng thực sự họ đang lãi hay lỗ, nhà nước và cả hành khách đi máy bay đều đang tù mù, cũng giống như chuyện vừa rồi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hay ngành điện dựa vào “an ninh năng lượng” để đòi tăng giá, hiệp hội lúa gạo nhân danh “an ninh lương thực” để giảm giá mua gạo của nông dân… Cuối cùng, giống nhau một điều: mỗi lần muốn tăng giá, họ lại lên tiếng than lỗ, dù mới giữa tháng 4 năm nay, giá vé máy bay đã được nhà nước cho phép tăng 20%. Làm sao để người dân - khách hàng biết các hãng hàng không đang lỗ và chấp nhận mức giá vé mới? Không có sự lựa chọn nào khác là các hãng phải minh bạch hóa chi phí qua các kênh kiểm soát của nhà nước. Điều này cũng tương tự như việc Bộ Tài chính tung các đoàn kiểm tra về các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để làm rõ việc các doanh nghiệp này lãi hay lỗ.
Dư luận phản ứng trước việc một năm tăng 2 lần mức giá vé máy bay là có hợp lý khi cả nước đang gồng mình để chống lạm phát? Nếu trần giá mới được áp dụng thì giá vé máy bay nội địa sẽ tăng cao, mức tăng sẽ tương ứng với mức tăng trần từ 50%. Khi đó, giá vé khứ hồi chặng TPHCM - Hà Nội sẽ có mức gần 8 triệu đồng. Cao nhất là chặng Hà Nội - Phú Quốc với giá khứ hồi gần 9 triệu đồng. Giá vé máy bay tăng, nhà nước phải chi tiêu nhiều hơn cho các đoàn công tác, hội họp.
Giá vé máy bay tăng, ngành du lịch đứng trước mối đe dọa mất khách hàng, mất tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Rồi nhiều hành khách sẽ phải chuyển sang đi bằng phương tiện đường sắt và giá vé tàu hỏa khó có thể không tăng. Một cán bộ có trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết ngành “đang tính toán, xây dựng khung giá mới” khi có thông tin tăng giá vé máy bay… Hệ lụy dắt dây!
Bài viết Giá vé máy bay tăng: Quay lại thời … “độc quyền” trên báo SGGP đã đăng đúng vào thời điểm nhạy cảm: các hãng hàng không đang xây dựng mức giá vé mới để trình cơ quan chức năng xem xét, quyết định và sẽ áp dụng vào tháng 11 sắp tới - thời điểm cuối năm cận tết! Liệu có nên tăng giá vé vào thời điểm này và việc tăng giá vé có hợp lý trên cơ sở minh bạch các chi phí…?
Song Lê (Quận 3 TPHCM)
- Giá vé máy bay tăng - Quay lại thời... “độc quyền”?