Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - Tăng tốc về đích

Vượt khó
Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - Tăng tốc về đích

Bất chấp tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn ăn nên làm ra, nỗ lực tăng tốc về đích năm 2011 với những con số ấn tượng. Bên cạnh đó, các tín hiệu lạc quan của thị trường đang khởi sắc trở lại, mở ra nhiều triển vọng trong năm 2012.

In ấn bao bì tại Công ty Liksin. Ảnh: Cao Thăng

In ấn bao bì tại Công ty Liksin. Ảnh: Cao Thăng

Vượt khó

Trong những ngày này, không khí làm việc tại các phân xưởng thuộc Khu liên hợp sản xuất Liksin tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An của Tổng Công ty Giấy Liksin đang vận hành tối đa công suất nhằm đẩy nhanh các đơn hàng, sớm hoàn thành kế hoạch năm. Tổng giám đốc Tổng Công ty Giấy Liksin Lê Đăng Quang phấn khởi cho biết, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, việc sản xuất kinh doanh của toàn đơn vị được nâng lên rõ rệt.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2011 của Liksin ước đạt 253,5 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ năm 2010; doanh thu sản xuất đạt 848,5 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ năm. Thu nhập người lao động đạt 83,8 triệu đồng/người/năm, tăng 13% so với năm trước.

Để đạt được kết quả đó, đơn vị đã đưa ra mục tiêu hành động, trước hết phải đạt sản lượng kế hoạch sản xuất kinh doanh mà Hội đồng thành viên đã thông qua, giữ vững định hướng thị trường và ổn định, chăm lo tốt cho người lao động. Làm tốt công tác tư tưởng, phổ biến, quán triệt đến các đơn vị phụ thuộc về tình hình kinh tế khó khăn của cả nước cũng như của đơn vị nhằm tạo sự thống nhất trong toàn tổng công ty về nhận thức. Từ đó, CBCNV nhận thức đúng, hiểu rõ, tham gia tích cực, thiết thực, tạo sự đồng thuận cao về định hướng của công ty.

Về tổ chức sản xuất, tăng thời gian huy động máy móc, thiết bị so với năm 2010. Các đơn vị có chương trình hành động nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tăng cường tiếp thị, tăng nguồn hàng sản xuất để đảm bảo đủ nguồn hàng. Tập trung quản lý, kiểm soát, phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận để tích cực thu hồi công nợ và kiểm soát hàng tồn kho nhằm giảm bớt khó khăn về vốn.

Tương tự, ông Bùi Quang Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cơ khí và xây lắp công nghiệp (Imeco) cho biết, dự báo kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị năm 2011 ước đạt trên 16% với doanh thu trên 153 tỷ đồng so với năm 2010. Trong đó, xuất khẩu vượt 173%.

Đáng chú ý, riêng giá trị sản xuất lĩnh vực cơ khí như cấu kiện công trình xây dựng, thép, giấy… chiếm trên 151% tổng doanh thu của đơn vị, đạt hơn 116% kế hoạch và lợi nhuận tăng hơn 103% so với năm trước. “Từ tháng 6-2011 đến nay, có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đàm phán hợp đồng. Tính đến thời điểm này, Imeco đã ký hàng loạt đơn hàng với khách hàng ở một số nước châu Âu, đủ để sản xuất đến hết quý 2-2012. Các khách hàng đều đồng ý tạm ứng tiền trước sau khi ký hợp đồng nên chúng tôi đỡ lo về tài chính”, ông Hải cho biết.

Sẵn sàng tăng tốc

Theo ông Bùi Quang Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Imeco, với kinh nghiệm của một doanh nghiệp lâu năm trong ngành cơ khí, kinh tế một số nước đã bắt đầu có tín hiệu hồi phục. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tăng cường tiếp thị, rà soát, nối lại đàm phán với các đối tác cũ; đồng thời tăng cường thị trường mới để chớp lấy cơ hội.

Đồng quan điểm này, ông Lê Đăng Quang, Tổng giám đốc Liksin cho rằng, khi ngành giấy phục hồi, đặc biệt là giấy phục vụ các ngành thực phẩm, dược… đồng nghĩa với việc nhu cầu mua sắm của người dân trên thế giới bắt đầu xu hướng tăng cầu trở lại. “Ngay từ tháng 4-2011 đến nay, nhu cầu đặt hàng của khách hàng trong nước có hàng xuất khẩu cũng như nước ngoài tăng lên đáng kể. Hiện chúng tôi đang đàm phán với nhiều khách hàng để chuẩn bị đơn hàng năm 2012 rất khả quan”, ông Quang nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), diễn biến tình hình kinh tế năm 2011 thật sự khó khăn. Tuy vậy, có nhiều lĩnh vực vẫn có thể tăng trưởng tốt nhờ lợi thế đặc thù, do đó các doanh nghiệp này cần biến thách thực thành cơ hội. Song để doanh nghiệp có thể “khỏe mạnh”, phát triển bền vững, Chính phủ cần triển khai thực hiện nhanh chóng các kịch bản và những nhóm giải pháp đã đưa ra. Các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng cho rằng, một trong những giải pháp trước mắt, Nhà nước cần điều hành linh hoạt vấn đề lãi suất.

Gần đây, việc siết trần lãi suất tiền gửi tối đa 14% nhưng lại buông lỏng lãi suất cho vay ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất không thể tiếp cận vốn, trong khi hàng loạt ngân hàng lại công bố lãi lớn năm 2011 là vô lý. Do đó, để các doanh nghiệp có thể đón đầu cơ hội khi nền kinh tế thế giới chuyển mình khởi sắc, cần có sự điều hành linh hoạt nhưng quyết liệt từ Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ cũng như ưu đãi về miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp kịp thời.

Theo Sở Công thương TPHCM, dự tính cả năm 2011, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 11,8% so với năm 2010, đạt 98% so với kế hoạch. Việc không đạt kế hoạch năm có nguyên nhân do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân hạn chế tiêu dùng, cơ cấu chi tiêu thay đổi nên doanh thu giảm, các doanh nghiệp hạn chế sản xuất, giảm đầu tư. Mặt khác, giá nguyên nhiên vật liệu trong nước cũng như nhập khẩu đang ở mức cao nên giá thành sản phẩm cao, doanh nghiệp khó bán sản phẩm, tồn kho tăng cao khiến doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng.

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục