Doanh nghiệp TPHCM bước vào năm mới: Cần thêm sự hỗ trợ

Tập trung cho những ngành kinh doanh “sở trường”, tìm thị trường mới, từng bước gom lại những lĩnh vực kinh doanh “tay trái” là một trong những động thái đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm vượt qua khó khăn…
Doanh nghiệp TPHCM bước vào năm mới: Cần thêm sự hỗ trợ

Tập trung cho những ngành kinh doanh “sở trường”, tìm thị trường mới, từng bước gom lại những lĩnh vực kinh doanh “tay trái” là một trong những động thái đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm vượt qua khó khăn…

  • Tập trung cho sở trường

Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) là một trong những doanh nghiệp lớn của TPHCM với khá nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau như vận tải, bến bãi, cảng biển, cảng sông, xây dựng giao thông và đặc biệt sản xuất xe buýt, xe chuyên dùng cho nhu cầu trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nói về hướng đi trong năm 2013 và các năm tiếp theo nhằm thoát khỏi khó khăn chung hiện nay đồng thời tạo đà phát triển mới, ông Nguyễn Hồng Anh, Tổng Giám đốc Samco, chia sẻ: “Samco sẽ từng bước sắp xếp lại hoạt động theo hướng khai thác tốt hơn sở trường của đơn vị. Dự kiến từ nay đến năm 2020 Samco sẽ thoái 100% vốn đối với 8 doanh nghiệp trực thuộc, thoái 50% vốn đối với 6 doanh nghiệp và cổ phần hóa 2 doanh nghiệp trực thuộc khác. Trong thời gian từ 2015-2020, bản thân Samco cũng sẽ tiến hành cổ phần hóa”.

Theo ông Nguyễn Hồng Anh, 2 lĩnh vực sở trường mà Samco sẽ đầu tư và tập trung phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới là cơ khí giao thông mà cụ thể là sản xuất xe buýt, các loại xe chuyên dùng và đầu tư xây dựng bến bãi vận tải, phát triển xe buýt, xe liên tỉnh. Thời gian qua, bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, trung bình năm nào Samco cũng sản xuất và tiêu thụ khoảng 400-500 xe buýt và xe chuyên dùng.

Thương hiệu Samco đã là một trong những thương hiệu có uy tín trong sản xuất xe buýt của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng nên tập trung cho ngành nghề kinh doanh này là điều tất yếu. “Hơn nữa, Samco đã được UBND TPHCM hỗ trợ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Phú để tập trung cho sản xuất xe buýt và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ khác… Do đó, đây còn là trách nhiệm của Samco đối với việc phát triển công nghiệp của thành phố”, ông Nguyễn Hồng Anh nói.

Tàu chở dầu vào sửa chữa tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Tàu chở dầu vào sửa chữa tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Một đơn vị khác, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn cũng đang cố gắng vượt qua khó khăn. Giám đốc công ty, ông Thái Văn Hùng cho biết, đơn vị tiến hành sàng lọc và chỉ để lại những cán bộ và công nhân giỏi nghề nhất. Từ khoảng 1.000 cán bộ, công nhân viên hiện Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn chỉ giữ lại 500 người. Bộ máy tinh gọn đồng thời với những nỗ lực mạnh mẽ trong tìm kiếm khách hàng trong lĩnh vực đóng tàu… năm qua đơn vị đã cơ bản không còn lỗ.

“Trong năm mới Quý Tỵ, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn sẽ mở rộng liên doanh với nước ngoài: đóng mới và sửa chữa tàu thủy các loại. Nếu mọi việc thành công, công ty sẽ có bước phát triển mới”, ông Thái Văn Hùng cho hay.

  • Nỗ lực cứu mình...

Đó là nhận xét của ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, khi nói về những nỗ lực thoát ra khỏi khủng hoảng của các doanh nghiệp TPHCM. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, đa số doanh nghiệp đã ý thức được rằng: mình phải tự cứu mình. Tất nhiên, tùy từng doanh nghiệp sẽ có những cách rất khác nhau… Có doanh nghiệp tìm cách chuyển đổi thị trường, tìm thị trường ở những khu vực mới song cũng có doanh nghiệp tìm cách khai thác sâu hơn thị trường trong nước.

Đối với nhiều doanh nghiệp nhà nước, công tác tinh gọn bộ máy, tập trung đầu tư vào các ngành thuộc về thế mạnh… là phương cách chủ yếu để thoát khó. Riêng với doanh nghiệp tư nhân, đó là sự đa dạng hóa sản xuất, nghiên cứu sản xuất ra nhiều sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng của thị trường.

Tự vật lộn để vượt qua khó khăn song điều này cũng không có nghĩa doanh nghiệp không cần đến sự hỗ trợ của nhà nước. Ông Phạm Ngọc Hưng cho hay, nhiều doanh nghiệp đang đề nghị được giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường, phí bảo trì đường bộ… Đề nghị nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký đầu tư và có quy định rõ ràng về việc bảo hộ tên thương mại, thủ tục thành lập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục giải thể doanh nghiệp… Nhà nước nên ban hành chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp phụ trợ, hạn chế tối đa dùng biện pháp hành chính can thiệp quá sâu, quá lâu vào nền kinh tế, đang hoạt động theo quy luật kinh tế thị trường đã được nhà nước định hướng, đặc biệt là sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về mặt cơ chế - chính sách…

Nếu có được sự phối hợp mạnh mẽ, ăn ý giữa doanh nghiệp và nhà nước thì cuộc giải thoát khỏi khủng hoảng mới thành công được. Không chỉ ông Phạm Ngọc Hưng mà nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp đã khẳng định như thế. 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục