Doanh nghiệp tư nhân vẫn đang thua thiệt ​

 Theo điều tra do VCCI tiến hành, trong 10 doanh nghiệp hoạt động hiện nay, có đến 6 doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức và Việt Nam vẫn chưa đạt chất lượng trong cải thiện môi trường kinh doanh khi chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn cao, đứng thứ 123 trên thế giới.
Giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM Ảnh: CAO THĂNG

Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018, tổ chức tại Hà Nội ngày 19-6, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, Nghị quyết 19/2017 đặt ra mục tiêu tham vọng là các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt trung bình ASEAN 4, Việt Nam cũng ghi dấu ấn khi môi trường kinh doanh được cải thiện 14 bậc trong đánh giá của thế giới.

“Tuy nhiên, ở một số phương diện, Việt Nam vẫn chưa đạt được yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh khi chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn cao, đứng thứ 123 trên thế giới. Việt Nam vẫn chưa có các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để họ bước vào thị trường thuận lợi hơn", ông Tuấn nhìn nhận và khuyến nghị, để thuận lợi hoá cho doanh nghiệp, các cải cách của Chính phủ cần tiếp cận theo hướng đa ngành, bãi bỏ mạnh mẽ các thủ tục gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

"Tôi tham gia hội nghị ở Luông Pha Băng (Lào), đại biểu Singapore trình bày ấn tượng về khởi sự kinh doanh của nước này, tại đó doanh nghiệp không cần biết đến cơ quan nào cấp phép, tất cả đều thực hiện qua mạng theo luật lệ chung, minh bạch và dễ thực hiện", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, vẫn theo ông Đậu Anh Tuấn, tại Việt Nam hiện nay ngay cả đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin vào cấp phép, khai thuế... cũng đang “nửa vời”. Một số thủ tục thì phải gặp gỡ công chức nhà nước, tòa án, thẩm phán mới thu thập được thông tin. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt làm ăn có lãi còn thấp, tỷ trọng doanh nghiệp trong nước đóng góp vào xuất khẩu đang giảm. Có nghịch lý là có nhiều điều kiện kinh doanh doanh nghiệp tư nhân trong nước phải thực hiện còn cao, bất bình đẳng hơn so với doanh nghiệp FDI. Ví dụ như thủ tục đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, FDI hoạt động theo Nghị định 73, doanh nghiệp trong nước hoạt động theo Nghị định 46, với yêu cầu khắt khe hơn. Hay doanh nghiệp FDI chỉ cần có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng để kinh doanh nhưng doanh nghiệp trong nước phải có vốn 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp Việt Nam phải có diện tích tối thiểu 5ha, nhưng doanh nghiệp FDI thì không cần. Doanh nghiệp FDI được thuê trụ sở, doanh nghiệp tư nhân phải xây trụ sở...

Dẫn số liệu từ chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, ông Tuấn cho biết, tổng thuế mà khu vực tư nhân đang đóng góp lớn hơn nhiều FDI. 43,82% doanh nghiệp FDI chỉ đóng 25,28%.

“Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Việt đang yếu nhưng phải đóng thuế nhiều hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước cần quan tâm hơn, hưởng ưu đãi tốt hơn, đây mới là nền tảng và là trụ cột cho bất kỳ nền kinh tế nào. Chủ trương của chính phủ giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng những dự thảo chính sách nhiều chính sách gần đây đề xuất chủ yếu là tăng thu", chuyên gia này thẳng thắn bình luận.
Bên cạnh đó, tiền lương tối thiểu tăng, đóng góp bảo hiểm xã hội cũng tăng; BOT là vấn đề gây bức xúc; phí logistics vẫn là gánh nặng cho DN và cho nền kinh tế xuất nhập khẩu như Việt Nam. Gần đây, trần khung thuế bảo vệ môi trường tăng gấp đôi; phí hạ tầng cảng biển tiếp tục đặt ra tạo chi phí cho doanh nghiệp…
 

Tin cùng chuyên mục