CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo Kết luận số 264 ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị khóa X. Qua 9 năm thực hiện, CVĐ đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt, đồng thời góp phần quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam có động lực phát triển sản xuất kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Với một lực lượng gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ), doanh nghiệp Việt Nam là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp trên 60% vào GDP; có những doanh nghiệp lớn trở thành biểu tượng và niềm tự hào cho quốc gia và cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu khẳng định thương hiệu, uy tín trong nước và mang thương hiệu Việt đến với thế giới.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện nghiên cứu Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương, 92% người tiêu dùng được hỏi đều bày tỏ sự quan tâm tới CVĐ, trong khi 63% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt và 54% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình sử dụng hàng Việt Nam. Số liệu này được thực hiện từ cuối năm 2014 và đến nay hiệu quả CVĐ này được đánh giá là cao hơn.
Hiện nay, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường và trong đó có trên 90% hàng hóa được sản xuất trong nước. Tại các Trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỉ lệ hàng hóa thương hiệu Việt luôn đảm bảo đạt trên 70%.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết là các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các mặt hàng nhập khẩu có thuế suất xuống còn 0%-5%. Việc Việt Nam cùng các nước ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hướng đến một nền kinh tế mở, thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia, cũng là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt. Nếu không có sản phẩm tốt, doanhh nghiệp Việt dễ mất vị thế ngay tại "sân nhà".
Ban chỉ đạo CVĐ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn các Hiệp định Thương mại tự do khu vực và quốc tế có hiệu lực sâu. Trong xu hướng hội nhập sâu, rộng, mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ gia tăng do việc mở cửa thị trường thực hiện các cam kết WTO và các hiệp định FTA khác. Hàng hóa của các nước trong khu vực và thế giới sẽ ngày càng gia tăng sự hiện diện ở thị trường Việt Nam. Đặc biệt, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ sẽ ngày càng tăng với sự hiện diện lớn hơn của các nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… điều đó sẽ tác động đến sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam, làm ảnh hưởng và sẽ thay đổi việc ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam của người tiêu dùng đã được hình thành trong những năm qua. Thực tế đặt ra yêu cầu làm thế nào để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục đạt hiệu quả, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.
Ban chỉ đạo CVĐ cũng lưu ý, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung vào nội dung gì để tiếp tục tạo động lực cho doanh nghiệp, thu hút nhân dân tiếp tục quan tâm và sử dụng hàng Việt Nam. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh trong quản lý Nhà nước đối với thị trường hội nhập; khắc phục tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Mặt khác, các doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần hành động quyết liệt để đứng vững trong thị trường hội nhập và đáp lại niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.