Gần 600.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại nước ta đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đang gây ra những tác hại nghiêm trọng đến chất lượng môi trường. Vậy làm cách nào để giúp các doanh nghiệp này phát triển ổn định nhưng không gây hại cho môi trường?
Tổn thất kép vì gây ô nhiễm…
Đại diện Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (TN-MT), Bộ TN-MT cho biết, nguyên nhân gây ra những tác hại nghiêm trọng cho môi trường từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là do sử dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến sử dụng lãng phí tài nguyên, nguyên nhiên liệu; khó có khả năng cải thiện công nghệ do vốn đầu tư nhỏ; bị hạn chế tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển xanh… Đồng thuận với quan điểm này, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM khẳng định, với chỉ số 1% doanh nghiệp đang sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại và còn lại là sở hữu công nghệ lạc hậu thì khó tránh khỏi không gây ô nhiễm môi trường. Chưa cần phải tính đến việc doanh nghiệp có đầu tư hệ thống xử lý nước thải hay không, chỉ cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch lãng phí cũng gây ra mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN-MT, cho biết thêm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu không muốn nói là dạng doanh nghiệp kinh doanh hộ gia đình. Họ thường tận dụng mặt bằng nhà ở để sản xuất. Do đó, họ không có diện tích cần và đủ để có thể xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường. Đó cũng là thực tế lý giải tại sao khi kiểm tra các đơn vị này thì các cơ quan chức năng cũng chỉ biết phạt và họ cũng chỉ có cách là đóng phạt hoặc đóng cửa sản xuất nếu không đủ tiền đóng phạt.
Sản xuất gây ô nhiễm, doanh nghiệp không chỉ thiệt hại do chi phí sản xuất ra sản phẩm lớn mà theo xu thế phát triển hiện nay, họ còn có nguy cơ mất thị phần do bị từ chối tiêu thụ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhận thức về môi trường ngày càng phát triển, các đối tác và người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường. Các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên của các doanh nghiệp sản xuất đang dần bị người tiêu dùng lên án. Mặt khác, thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đang kéo theo thực tế giá tài nguyên ngày càng tăng cao, hiệu quả công việc thấp hơn trong những khu vực bị ô nhiễm, cuối cùng là kéo theo những ảnh hưởng rất sát sườn đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lợi ích từ phát triển xanh
Trên thực tế, việc đổi mới tư duy cũng như hoạt động sản xuất theo hướng xanh hóa đã và đang tạo ra nhiều lợi nhuận kép cho doanh nghiệp. Điển hình Công ty Dệt Sài Gòn, đầu tư hơn 20,7 triệu đồng để cải tạo quy trình sản xuất. Kết quả đã tiết kiệm 233 triệu đồng/năm nhờ giảm 8% tỷ lệ sản phẩm phải xử lý lại, 63% nguyên liệu (thuốc nhuộm), 13% lượng điện tiêu thụ và 8% nhiên liệu hóa thạch. Tương tự, các công ty như Dệt Nam Định, Nhất Trí, Trung Thư… cũng tiết giảm từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm từ khi ứng dụng giải pháp tiên tiến cải tạo quy trình, công nghệ sản xuất. Không chỉ được lợi về kinh tế, hình ảnh doanh nghiệp xanh còn tạo lợi thế cho họ khi đi vào thị trường quốc tế.
Đại diện Viện Chiến lược TN-MT cho biết, hiệu quả kép từ phát triển xanh là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, phổ biến rộng được những mô hình trên, doanh nghiệp cần cải thiện tư duy xem thách thức môi trường là trở ngại, là thêm chi phí. Và quan trọng hơn, cải thiện tư duy không nhận thấy các hoạt động thân thiện môi trường có thể nâng cao năng lượng cạnh tranh, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Về phía cơ quan chức năng cần khắc phục thực trạng các chính sách, quy định về môi trường, chương trình hỗ trợ không tác động được đến các doanh nghiệp; chính sách quá cứng nhắc và thiếu tính linh hoạt gây khó cho doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận và có nhu cầu được hỗ trợ. Không chỉ vậy, sự liên thông và đồng bộ giữa các bộ luật cũng rất quan trọng. Trên thực tế, hiện đang có sự bất cập giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Doanh nghiệp. Theo Luật Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp thuộc những ngành nghề nhạy cảm với môi trường thì không được cấp phép đầu tư trong khu dân cư. Thế nhưng, theo Luật Doanh nghiệp, việc cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp lại không có quy định này. Do vậy mà các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường vẫn mọc lên như nấm tại hầu hết khu dân cư, bất chấp giải pháp di dời của các tỉnh, thành phố đang thực hiện, gây lãng phí cho xã hội cũng như chính doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh, để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện chất lượng sản xuất của mình theo hướng xanh hơn, sạch hơn, nhà nước cần phải làm tốt hơn công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng. Theo đó, thiết lập những khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoàn thiện hạ tầng tiếp nhận, xử lý và thiết lập biểu phí xử lý chất thải, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp di dời vào những khu này. Vấn đề nữa là nhà nước cần xây dựng và mở rộng thị trường xanh trong nước và quốc tế; xây dựng chiến lược và cạnh tranh bằng những hoạt động môi trường của doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp tự chuyển đổi theo hướng có lợi hơn cho môi trường và xã hội.
MINH XUÂN