Doanh nghiệp xanh sẽ cho ra thị trường những sản phẩm xanh

Với ý thức trách nhiệm về sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội, nhiều doanh nghiệp đã và đang quan tâm hơn đến các “sản phẩm xanh” trong hoạt động nghiên cứu và phát triển để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm vừa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa thân thiện với môi trường. Theo các doanh nghiệp việc đầu tư cho “sản phẩm xanh” tuy tốn kém nhưng nó sẽ mang lại nhiều lợi thế trong tương lai.
Doanh nghiệp xanh sẽ cho ra thị trường những sản phẩm xanh

Với ý thức trách nhiệm về sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội, nhiều doanh nghiệp đã và đang quan tâm hơn đến các “sản phẩm xanh” trong hoạt động nghiên cứu và phát triển để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm vừa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa thân thiện với môi trường. Theo các doanh nghiệp việc đầu tư cho “sản phẩm xanh” tuy tốn kém nhưng nó sẽ mang lại nhiều lợi thế trong tương lai.

Trách nhiệm của một doanh nghiệp xanh

Ông Phạm Minh Dương, Giám đốc Nhà máy Sữa Sài Gòn tâm sự, phát triển xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công ty hiện nay. Để làm được điều này công ty đã và đang áp dụng nhiều giải pháp quan trọng trong đó có việc kiểm soát nghiêm ngặt nguồn nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Dương, nguyên liệu đầu vào của công ty được nhập từ các nước có nguồn nguyên liệu sữa tốt nhất thế giới như New Zealand, Úc, Mỹ… Trước khi đưa vào sản xuất, nguồn nguyên liệu này được trải qua một hệ thống kiểm tra đặc biệt khắt khe, đảm bảo các chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh đều phải đạt yêu cầu mới được đưa vào sản xuất và được đánh giá định kỳ. Ngoài ra, ở mỗi khâu, công đoạn sau luôn có trách nhiệm kiểm tra chất lượng công đoạn trước theo qui trình của hệ thống quản lý chất lượng HACCP Quốc tế. Nhờ cách làm này mà mỗi sản phẩm sữa được xuất xưởng đều đảm bảo sự an toàn với người sử dụng. Không những thế, công ty còn có những quy định chặt chẽ trong khâu phân phối chẳng hạn như thực hiện định kỳ đánh giá chất lượng xe, kiểm soát tình trạng xe vận chuyển tại nhà máy.

Bên cạnh đó, để sữa đạt chất lượng, bò của hộ nông dân còn phải được nuôi dưỡng đúng kỹ thuật như khẩu phần đầy đủ, cho ăn đúng phương pháp, sức khỏe tốt. Chuồng trại sạch sẽ thoáng mát và áp dụng đúng kỹ thuật khai thác sữa. Vinamilk đã áp dụng hệ thống thang điểm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và tổ chức kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ giúp các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi và khai thác sữa.

Dây truyền sản xuất sữa tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)

Dây truyền sản xuất sữa tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)

Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Văn Út, Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket cũng cho biết, để có được những sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, tất cả sản phẩm của Colusa-Miliket đều được sản xuất trên dây chuyền khép kín với hệ thống kiểm nghiệm vi sinh hóa lý đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực thẩm ở mức độ tốt nhất. Xác định chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu, từ năm 2001 công ty đã xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn và thực hiện làm việc theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Thực hiện các chương trình đầu tư mạnh cho sản xuất, hiện nay công ty đã nhập khẩu dây chuyền máy mới hiện đại theo công nghệ Nhật Bản với công suất 500.000 gói mì/ca. Cùng với hệ thống phòng thí nghiệm, phòng kiểm nghiệm hiện đại công ty đã sản xuất ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm.

Tiêu dùng xanh chọn doanh nghiệp xanh

Ông Hà Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường nhìn nhận, khi được chứng nhận là doanh nghiệp xanh, các doanh nghiệp sẽ có nhận thức tốt hơn trong việc sản xuất, kinh doanh của mình. Từ đó, họ sẽ cho ra thị trường những sản phẩm an toàn và chất lượng. Một trong những thuận lợi mà các doanh nghiệp triển khai sản xuất các sản phẩm xanh chính là được người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu tin tưởng hơn. Khi doanh nghiệp cam kết sản xuất sản phẩm xanh cũng có nghĩa là tăng cơ hội cạnh tranh so với sản phẩm khác khi xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Điều, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Tân Bình cũng nhận xét, đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thường gặp nhiều áp lực về vốn, nguồn nhân lực và công nghệ. Những áp lực này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, một khi xu hướng tiêu dùng của con người thay đổi thì các doanh nghiệp cũng phải thay đổi nhận thức của mình. Nếu người tiêu dùng chuyển sang xu hướng sử dụng sản phẩm xanh thì nhất định các nhà sản xuất phải có sự chuyển đổi cho phù hợp nếu muốn tồn tại và phát triển. Tuy chi phí đầu tư cao, rủi ro lớn, song nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ được xu thế phát triển và hiệu quả của các dự án phát triển bền vững.

Có thể nhận thấy rằng, hiện doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm xanh, thân thiện môi trường chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ rất ít tham gia mà nguyên nhân chính là sản xuất xanh sẽ làm giảm đi một phần lợi nhuận. Đặc biệt trong tình hình hiện nay việc tăng chi phí trong quá trình sản xuất khiến các doanh nghiệp ngao ngán. Nhưng doanh số luôn tăng của các sản phẩm xanh trong các Chiến dịch tiêu dùng xanh những năm qua đã khẳng định tầm quan trọng và sức tiêu thụ của thị trường về các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Vì thế, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên đón đầu xu hướng này qua việcnên đầu tư phát triển một cách bền vững, tăng ý thức về trách nhiệm với cộng đồng.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục