Năm 2011, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều áp lực bởi những biến động về tài chính, chính trị, xã hội chung trên thế giới. Trong giai đoạn khó khăn, đã xuất hiện không ít những doanh nhân có cách nghĩ, cách làm mới, đang nỗ lực hết mình, động viên nhau khai thác tối đa những lợi thế để tiếp tục phát triển.
Không chờ... “sung rụng”!
“Đã là doanh nhân thì không thể ngồi chờ phép màu” - đây là quan điểm của ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành phải dừng các dự án đầu tư hoặc thu hẹp sản xuất, DN của ông Cao Tiến Vị cũng không tránh khỏi những khó khăn dồn dập trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vừa tự lo vốn cho sản xuất, cho đầu tư, vừa tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược dài hạn, bằng mọi cách phải tiếp tục đầu tư lại Nhà máy Mỹ Xuân 2. “Bĩ cực” rồi cũng “thái lai”, vận may đã đến với anh.
Tháng 4-2011 vừa qua, công ty đã ký hợp tác đầu tư chiến lược với Công ty Daio Paper Corporation (Daio) và Quỹ Đầu tư BridgeHead (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ). Hai nhà đầu tư này hiện nắm giữ trên 38% cổ phần của công ty. Đây được xem là thương vụ đầu tư chiến lược, có chiều sâu nhất trong ngành giấy Việt Nam.
Dù phải cạnh tranh “vỡ mặt” với sản phẩm cùng loại đến từ nhiều nước trên thị trường, song phương châm đặt ra của VinatexMart là vẫn kinh doanh 100% hàng may mặc sản xuất trong nước. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng Giám đốc VinatexMart đã truyền tâm huyết đó đến với từng cán bộ, nhân viên. Không chỉ nhận hàng từ các đơn vị sản xuất trong nước để kinh doanh, bà Hương tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của từng vùng miền khác nhau, từ đó tư vấn lại cho nhà sản xuất định hướng sản xuất nhằm khai thác sức mua còn quá lớn tại thị trường nội địa.
Theo bà Hương, tiêu thụ hàng may mặc trong hệ thống VinatexMart tăng 30%/năm, nếu nhà sản xuất chú trọng theo kịp trào lưu thời trang, song song với việc thúc đẩy quảng bá sản phẩm và thương hiệu, thì tăng trưởng thị trường hàng may mặc trong nước có thể tăng từ 50% - 60%/năm.
Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến cũng nhận thấy trong thời kỳ khó khăn, càng phải làm cho người tiêu dùng đặt niềm tin vào hàng Việt Nam. Ông liên kết với những đối tác trong nước có khả năng sản xuất phụ kiện nhằm tiết giảm chi phí nhập nguyên liệu để bù vào giá thành sản phẩm. Điều này có thể lý giải, những năm trước vào mùa tựu trường, các loại cặp sách, ba lô chủ yếu là hàng Trung Quốc nhưng năm nay những sản phẩm của các DN trong nước sản xuất mang thương hiệu như Miti, Hami, Mr.Vui,... đã chiếm tới 80% thị trường, mẫu mã rất đa dạng, giá thành phải chăng.
Không chỉ vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, năm 2011 đã có hàng loạt DN mạnh dạn ra nước ngoài để tìm lối ra cho sản phẩm, mời gọi các đối tác đầu tư để ổn định sản xuất. Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phong, bỏ chi phí khá cao đi hội chợ ở Anh và Hàn Quốc với kỳ vọng có khách hàng nước ngoài tiêu thụ bột trộn sẵn Mikko. Kết quả Đại Phong nhận ngay hợp đồng xuất khẩu 8 tấn bột Mikko sang Anh vào tháng 4. Hiện công ty cũng đang đàm phán các hợp đồng với đối tác để chuẩn bị xuất lô hàng đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc.
Thúc đẩy tiềm lực trong nước
Cả năm nay, ông Trịnh Công Phát, Giám đốc Công ty cổ phần Sơn Phát (Phú Quốc, Kiên Giang) đã lặn lội ra Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Gia Lai… kêu gọi người dân khai thác trái sim rừng. Đây là nguồn nguyên liệu để sản xuất rượu sim, có giá trị kinh tế cao nhưng lâu nay vẫn bị bỏ phí ở các cánh rừng. Để làm được việc này, ông Phát phối hợp với các địa phương vừa tổ chức khai thác, vừa bảo tồn rừng để mang lại thu nhập lâu dài cho người dân vùng sâu, vùng xa. Với nguyên liệu khai thác ngày càng nhiều, công ty đã mở thêm xưởng thứ hai sản xuất rượu sim, công suất 500.000 lít/năm, nâng tổng sản lượng rượu sim cung cấp cho thị trường lên 700.000 lít/năm.
Doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty TNHH Lan Việt chuyên sản xuất và xuất khẩu túi xách, ví, khăn… làm từ tơ lụa trong nước. Nắm bắt nhu cầu người nước ngoài đang có xu hướng sử dụng những sản phẩm thân thiện môi trường, trong khi Việt Nam có nhiều làng nghề tơ lụa nổi tiếng, Ngọc Lan quyết định sử dụng nguồn nguyên liệu này để làm ra những sản phẩm độc đáo, tạo đầu ra để làng nghề không mai một.
Với khả năng thiết kế sáng tạo (vừa đạt danh hiệu “Doanh nhân thiết kế trẻ quốc tế năm 2011”), Ngọc Lan đang gầy dựng thương hiệu LanV tại thị trường nội địa. Sản phẩm LanV không chỉ nhắm vào khách du lịch, mà từng bước làm cho chính người Việt Nam phải yêu thích và sử dụng những mặt hàng thủ công, thay cho hàng hiệu. Ngọc Lan ví đây là cuộc “vượt núi” của mình, nhưng nếu thành công, Lan góp một phần nhỏ bé vào bảo tồn và thúc đẩy làng nghề tơ lụa phát triển.
Sống chết vì người dân làng nghề thủ công phải kể đến ông Lê Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Mây tre gỗ Nam Phước và ông Nguyễn Trường Thiên, Giám đốc Công ty Mây tre lá Âu Cơ ở Quảng Nam. Dù phải chạy vạy vốn liếng hết sức vất vả, nhưng 2 doanh nhân này luôn cật lực đi lo nguyên liệu về cho người dân của gần 60 làng chuyên làm hàng mây tre ở Quảng Nam có việc làm, thu nhập đều đặn từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Hảo thổ lộ, đơn hàng tăng vừa mừng vừa lo vì phải có vốn mua nguyên liệu. Nhà cửa, đất đai thế chấp hết để vay vốn, nhưng ông vui vì làng nghề phát triển. Ông cho biết thị trường xuất khẩu hàng mây tre vẫn rất tốt trong nhiều năm tới. Ông mong chính quyền cùng ông giúp dân trồng song mây để tạo nguồn nguyên liệu lâu dài, càng làm tăng thu nhập cho người dân làng nghề trong tương lai.
Trong biển sóng doanh nhân Việt, chúng tôi đã gặp rất nhiều những gương mặt đang nỗ lực hết mình để vượt mọi khó khăn thử thách. Những việc họ đang làm, không chỉ đơn thuần là lo làm giàu, mà hơn thế, họ vượt lên chính mình, làm giàu cho đất nước và những người lao động mà họ thương yêu, gắn mình với con đường phát triển của đất nước.
Thúy Hải – Nguyễn Vân