Trở lại Làng đại học Thủ Đức đón và giao lưu với các bạn tân sinh viên mới đây, tôi vô cùng ngạc nhiên trước con đường dựng những bức tượng danh nhân văn hóa Việt Nam. Đây có lẽ là con đường đầu tiên ở nước ta vinh danh cùng lúc nhiều nhân vật có đóng góp quan trọng cho lịch sử phát triển văn hóa, khoa học của dân tộc. Càng ý nghĩa hơn khi con đường này nằm tại một trung tâm giáo dục đào tạo lớn là Đại học Quốc gia TPHCM.
Từ ngã ba Trường Đại học Quốc tế đến ngã tư Trung tâm Giáo dục quốc phòng của làng đại học, hai bên con đường lớn mát mẻ trữ tình đã đặt khoảng hơn 10 bức tượng cao thấp đối diện nhau. Mỗi bức tượng có thần thái riêng, kiểu dáng riêng của nhân vật, dù chưa có biển đề nhưng bất cứ người Việt Nam nào hoặc những người nước ngoài am hiểu lịch sử dòng giống Lạc Hồng cũng đều có thể dễ dàng nhận ra những Nguyễn Trãi, Lê Văn Hưu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh… Một không gian văn hóa giản dị, sang trọng và ấm áp.
Tượng nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu
Được biết, các bức tượng danh nhân văn hóa mới được dựng mẫu gần đây, làm từ vật liệu composite, chưa có chân đế, đang trong thời kỳ lấy ý kiến phản hồi của cán bộ giảng viên, sinh viên, các nhà chuyên môn mỹ thuật lẫn người dân quan tâm. Sau khi có kết luận và quyết định chính thức, ban tổ chức mới cho tạc dựng các bức tượng bằng đá granite cùng bảng thuyết trình về cuộc đời và sự nghiệp của từng nhân vật. Đây là ý tưởng và đề án độc đáo về văn hóa, giáo dục, thẩm mỹ đáng hoan nghênh.
Tượng nhà thơ Hồ Xuân Hương
Lịch sử Việt Nam gắn liền với những cuộc chiến tranh giữ nước. Vai trò của các nhà chính trị, quân sự thường nổi bật hơn các nhà sáng tạo văn học nghệ thuật, khoa học xã hội nhân văn. Dù nhiều vị vua quan, tướng lĩnh, chí sĩ cũng đồng thời là những nhà văn, nhà thơ nhưng tác phẩm của họ chủ yếu như phương tiện phục vụ kịp thời cho sự nghiệp đấu tranh, chứ họ ít có thời gian tập trung cho công việc sáng tác, nghiên cứu chuyên nghiệp. Trong khi đó vai trò của văn hóa, khoa học đối với lịch sử xây dựng, phát triển đất nước là hết sức quan trọng. Càng quan trọng hơn ở thời đại ngày nay, thước đo sức mạnh của một đất nước là kinh tế, văn hóa và khoa học, bên cạnh sự ổn định về chính trị cùng những lĩnh vực khác.
Ngoài những danh nhân mang tầm quốc gia và quốc tế thì hầu như ở địa phương nào trên đất nước ta cũng sản sinh hoặc gắn liền sự nghiệp của những nhân vật có đóng góp đáng trân trọng về văn hóa, khoa học nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Chẳng hạn như Hà Tĩnh, bên cạnh đại thi hào Nguyễn Du, đất văn vật này xưa nay còn sản sinh các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học và sử học tiêu biểu như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Hoàng Ngọc Phách, Xuân Diệu, Hoàng Xuân Hãn, Lê Khả Kế; rồi họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, danh y Lê Hữu Trác, nhà chế tạo vũ khí Cao Thắng, nhà dân tộc học Từ Chi, nhà vật lý nguyên tử Nguyễn Đình Tứ, nghệ sĩ Đào Mộng Long… Mỗi lần đứng bên bờ sông Lam, tôi ước gì có một con đường hoặc vườn tượng tập trung hình ảnh những nhân vật đáng lưu danh hậu thế này.
Tương tự, khi về miền Tây Nam bộ với thành phố Bến Tre bên sông Hàm Luông, thành phố Mỹ Tho và thành phố Vĩnh Long bên sông Tiền hoặc ngược lên thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang bên bờ sông Hậu, tôi cũng thầm ước có những con đường hoặc khu vườn tượng nhìn ra dòng sông mênh mông lộng gió, hiện lên hình ảnh những nhân vật văn hóa, khoa học gắn bó với vùng đất Chín Rồng như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, Nguyễn Thông, Trương Tấn Bửu, Sương Nguyệt Anh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Hưởng, Lương Đình Của, Trương Vĩnh Ký, Trương Duy Toản, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Ca Lê Thỉnh, Phi Vân, Lê Anh Xuân, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Hoàng Hiệp, Viễn Phương, Diệp Minh Châu, Nguyễn Hải, Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu, Phùng Há, Út Trà Ôn… Có người sinh trưởng nơi đây, có người từ nơi khác đến mưu sinh lập nghiệp nhưng cuộc đời và sự nghiệp của họ đã để lại dấu ấn ở miền sông nước Cửu Long. Và cả miền Đông Nam bộ cũng vậy, những nhà văn, nhà thơ như Trịnh Hoài Đức, Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc, Xuân Miễn, Hoàng Văn Bổn hay nghệ sĩ Bắc Sơn - tác giả Còn thương rau đắng mọc sau hè cũng xứng đáng được ghi nhớ. Một con đường hay vườn tượng văn hóa bên bờ sông Đồng Nai của thành phố Biên Hòa sẽ tôn vinh thêm vẻ đẹp nơi đây chứ không phải chuyện lấp sông cho nước lũ tràn ngập thành phố…
Gần đây, dư luận bức xúc về những đề án xây dựng tượng đài, văn miếu ở một số địa phương với kinh phí lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Việc xây dựng di tích, tượng đài theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là cần thiết nhưng không nên quá hoành tráng, tốn kém diện tích đất đai và tiền bạc, trong khi đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn rất khó khăn, nhiều nơi chưa có cầu bắc qua sông, chưa có bệnh xá, con em thiếu trường học. Để ghi nhớ công lao của người đi trước và giáo dục thế hệ sau, mỗi địa phương nên chỉ dành một không gian tập trung xây dựng con đường hoặc vườn tượng nhiều nhân vật như Đại học Quốc gia TPHCM đang thực hiện. Đó không chỉ là con đường tôn vinh văn hóa, có ý nghĩa giáo dục mà còn là không gian thẩm mỹ, làm đẹp cảnh quan và thu hút du khách bốn phương.
PHAN HOÀNG