Độc quyền và tính chuyên nghiệp

Có một công ty truyền thông đã nhiều lần đề nghị với hơn 20 liên đoàn thể thao của Việt Nam bán lại thương quyền các giải đấu trong vòng 20 năm, trong đó đáng chú ý có giải bóng đá V-League, giải điền kinh, bóng chuyền, đua xe đạp... Chuyện này được Tổng cục TDTT ủng hộ việc các liên đoàn bán bản quyền truyền hình để có thêm nguồn thu tài chính. Còn đối với người hâm mộ, chuyện có bản quyền truyền hình đồng nghĩa với cơ hội được xem các giải thể thao, ngoài bóng đá, sẽ rộng mở hơn. Đơn giản, khi có bản quyền truyền hình, đương nhiên các trận đấu sẽ được ghi hình, phần còn lại là sẽ phát trên sóng của đài nào mà thôi.

Thế nhưng, vụ việc kênh truyền hình K+ độc quyền một loạt các giải bóng đá quốc tế hấp dẫn nhất hành tinh đang tạo ra một tiền lệ không nhận được sự đồng thuận của xã hội. Tính chất độc quyền, trong trường hợp này lại có tác dụng ngược khi nhiều kênh truyền hình không thỏa thuận được với K+ và người hâm mộ đương nhiên bị thiệt thòi đầu tiên. Bản quyền truyền hình là xu thế tất yếu. Nó là nguồn thu chính của hoạt động thi đấu và kinh doanh trong thể thao. Tuy nhiên, không phải những gì đang diễn ra trên thế giới lại phù hợp với Việt Nam.

Bóng đá và một số môn thể thao được ưa chuộng tại Việt Nam đang được chuyên nghiệp hóa nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp. Tuy vậy, sự đầu tư của các doanh nghiệp hiện nay chỉ mới dừng lại ở góc độ quảng bá thương hiệu, hoàn toàn không nghĩ đến doanh thu chứ đừng nói gì đến vấn đề lợi nhuận. Nguồn tiền (nếu có) từ bản quyền truyền hình trên thực tế rất nhỏ, không làm cho các chủ doanh nghiệp quan tâm đặc biệt, ngay nguồn thu từ việc bán vé vốn gần gũi nhất cũng chỉ là con số 0. Mục tiêu duy nhất của các doanh nghiệp là được quảng bá hình ảnh trên truyền hình đại chúng, càng nhiều đài, nhiều kênh càng tốt. Thậm chí, nhiều đội bóng đá hay các giải bóng chuyền, quần vợt còn phải trả tiền cho đài truyền hình để được xuất hiện càng nhiều càng tốt.

Bên cạnh đó, các kênh truyền hình tại Việt Nam dù là kênh tuyên truyền hay xã hội hóa cũng đặt mục tiêu phục vụ công chúng lên hàng đầu bởi hạ tầng, cơ sở vật chất vốn được Nhà nước đầu tư sẵn. Nếu có công ty nào đó sở hữu độc quyền bản quyền truyền hình, nhưng không chịu chia sẻ miễn phí cho các đài đại chúng thì kết cục vẫn là người xem bị thiệt thòi. Dư luận không đồng ý cách độc quyền của kênh K+ cũng xuất phát từ việc Đài Truyền hình Việt Nam có đến hơn 50% sở hữu. Như vậy, trong trường hợp này, đã có bản quyền cụ thể rồi mà vẫn chưa nhận được sự ủng hộ thì việc các liên đoàn thể thao ngại ngần với đề nghị về bản quyền kéo đài 20 năm của công ty kia cũng là điều dễ hiểu. Họ khó mà đồng ý nếu chưa có sự chấp thuận của các đội bóng, CLB cũng như yêu cầu quảng bá thể thao để phục vụ người dân trong thời điểm hiện tại.

Nói cho cùng, bản quyền truyền hình thể thao chỉ có thể trở thành hiện thực nếu nền thể thao Việt Nam thật sự chuyên nghiệp, thật sự tạo ra các sản phẩm cụ thể để bán và tất nhiên, phải có người muốn mua trước đã.

V. TÂM

Tin cùng chuyên mục