Đổi cách nghĩ, có đổi cách làm?

Dù đã có 2 HLV nội liên tiếp thất bại khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia cách đây không lâu nhưng khi VFF ký hợp đồng với HLV Nguyễn Hữu Thắng, dư luận nhìn chung đón nhận với một sự kỳ vọng. Đấy là một điểm đáng mừng bởi hiếm khi một quyết định của những người điều hành bóng đá lại có sự đồng thuận cao như vậy.

Một chi tiết khác là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về thể thao đã được thể hiện rõ nét trong việc chọn ông Nguyễn Hữu Thắng. Đầu tiên, đó là chủ trương sử dụng HLV nội, kế đến là quan điểm về mặt lối chơi của các đội tuyển trong tương lai. Hai yếu tố này đều được Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng chỉ đạo trong đại hội thường niên của VFF vào cuối năm 2015. Sự kiện tuyển chọn HLV trưởng đội tuyển quốc gia là lần đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại, người ta mới thấy “bóng dáng” của tổng cục dù ở nhiệm kỳ trước của VFF (khóa 6), đã có hẳn một phó tổng cục trưởng biệt phái sang làm phó chủ tịch chuyên môn VFF.

“Trên dưới đồng lòng”, đó là điểm sáng và được hy vọng sẽ tạo ra một “kỷ nguyên mới cho bóng đá Việt Nam”. Chọn HLV nội và tin vào người trẻ, đó chắc chắn là một hướng đi đúng, một cách nghĩ dài hạn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, người ta đang chờ đợi Tổng cục TDTT cũng như VFF thay đổi luôn cách làm.

Đầu tiên, đó là cách đặt mục tiêu thành tích. Hợp đồng với các HLV trong nhiều năm trở lại đây đều chỉ tối đa 2 năm. Với khoảng thời gian ngắn như vậy, đương nhiên là luôn có chỉ tiêu thành tích đi kèm bởi không có HLV nào lại chú trọng công tác xây dựng lực lượng, trẻ hóa đội tuyển hay tập trung cho việc định hình lối chơi khi không có đủ thời gian. Ví dụ như trường hợp HLV Nguyễn Hữu Thắng nhận nhiệm vụ đưa 2 đội tuyển quốc gia và U.23 vào chung kết AFF Cup 2016 và SEA Games 2017, trong khi chuyên gia người Nhật Tohiya Miura trước đó không phải chịu áp lực này. Trong bóng đá và thể thao đỉnh cao, có những yếu tố không thể “đốt giai đoạn”, đặc biệt là về mặt con người.

Kế đến, cả Tổng cục lẫn VFF cần thay đổi cách giám sát, hỗ trợ cho công việc của HLV. Đây không phải là chuyện can thiệp vào chuyên môn mà cần theo dõi và đầu tư cho các kế hoạch tập luyện. Không thể có một trình độ chơi bóng vượt bậc nếu các đội tuyển thi đấu theo kiểu manh mún, cả năm tập trung 1 - 2 lần với thời gian dài và thi đấu các trận giao hữu vô bổ. Giao toàn quyền cho HLV trưởng là một chuyện nhưng đánh giá hiệu quả công việc thì lại nên làm, tránh tình trạng HLV phải “vừa bế em, vừa xay lúa”.

Nói cách khác, tín nhiệm HLV nội chỉ là sự khởi đầu, chiến lược phát triển các đội tuyển và nâng cao trình độ của các HLV nội mới là yếu tố quan trọng để thay đổi chất lượng thi đấu của các đội tuyển quốc gia. Không thể cứ đợi HLV Nguyễn Hữu Thắng phải đạt được thành tích nào đó thì mới hoàn toàn tin tưởng mà bản thân VFF hay cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục TDTT phải cho những thay đổi trong cách làm của mình mà việc quan trọng nhất vẫn là có một vị trí Giám đốc kỹ thuật hoặc hội đồng chuyên môn có trình độ cao nhằm xây dựng các đội tuyển một cách ổn định trước khi nghĩ đến chuyện “đặt cược” thành tích thi đấu vào tay các HLV dù là nội hay ngoại.

ĐĂNG  LINH

Tin cùng chuyên mục