Đêm, khi TP bắt đầu chìm vào giấc ngủ, chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh, TPHCM) lại bừng sáng mở ra một thế giới khác: biển người, biển hàng chợ đêm. Thế giới mà lỡ một ai đó vô tình đặt chân đến sẽ không khỏi chạnh lòng bởi những người nặng gánh mưu sinh.
Vào đời sớm
Một chiếc xe ba gác chạy vụt qua, trên đó chở năm, sáu lao động, một đứa trẻ còn kịp đưa ánh mắt nhìn chúng tôi trước khi chiếc xe hòa vào dòng người nhộn nhịp trong chợ. Chợ Bình Điền chia thành nhiều khu vực: rau củ, trái cây, hải sản, giết mổ gia súc gia cầm và khu nước đá. Càng về khuya, chợ càng ồn ào. Tiếng xe, tiếng người, tiếng nước, tiếng va đập của các thùng hàng… tất cả mớ âm thanh hỗn độn đó tạo nên một không khí nhộn nhịp, sục sôi.
Khu chợ cá Bình Điền ồn ào người mua, kẻ bán, nước tanh ngập khắp chợ, cá nhảy ì xèo ra khỏi các thùng hàng. Một vài đứa trẻ nhanh chân chạy đến lượm bỏ vào túi ni lông của mình mặc cho tiếng chửi rủa của chủ hàng vang lên sau lưng.
Để hiểu hơn về công việc hôi cá, tôi theo chân em Vương Tấn Hoàng đi khắp các ngóc ngách của chợ. Hoàng là cậu bé dân tộc Khmer đen nhẻm quê Trà Vinh. Năm nay em mới 13 tuổi và đã đi mót cá ở chợ được gần hai năm nay. “Năm em học lớp 5, ba mất vì bị ung thư gan, nhà không có ruộng đất gì nên em nghỉ học theo mẹ lên TP. Hồi đầu em đi bán vé số ở vòng xoay An Lạc, sau chuyển lên bán đêm ở chợ Bình Điền. Mấy chú xe ôm thấy vậy kêu em đổi nghề, đi mót cá kiếm được nhiều tiền hơn. Mẹ cứ bệnh hoài, làm việc này mới có tiền mua thuốc cho mẹ”, Hoàng kể về những ngày đầu ở chợ.
Theo Hoàng đi khắp chợ, chúng tôi được em giới thiệu với những người bạn nhỏ của mình. Đó là hai chị em bé Liên và nhóc Tuấn. Khi tôi hỏi các em họ tên đầy đủ là gì, bao nhiêu tuổi, hai chị em Liên nhìn nhau cười và lắc đầu bảo không biết. “Mẹ không nói họ cho em biết, em chỉ biết mình tên Liên và nhóc em tên Tuấn thôi. Em cũng không nhớ tuổi đâu”, Liên nói lí nhí trong miệng. Tuy vậy, nhìn qua tôi cũng đoán được hai nhóc ấy chừng 9 - 11 tuổi. Cứ thế, từ 12 giờ đến sáng hôm sau, các em rảo quanh khắp chợ lượm tất cả những gì rơi vãi từ lươn, cá kèo, tôm, mực, cá lóc, ếch… mỗi đêm kiếm được 100.000 - 180.000 đồng.
Đang nói chuyện với Hoàng và hai chị em Liên thì có một nhóm 5 - 6 em khác cũng làm nghề mót cá đi qua. Mấy em đang cầm trên tay một con cá tra chừng 3,5 kg, có em cầm một con cua thật to… nói cười về chiến lợi phẩm của mình. Hoàng bỏ nhỏ vào tai tôi: “Mấy thứ đó không phải mót được đâu ạ. Mỗi đêm bọn nó “hôi cá” kiếm được 300.000 - 400.000 đồng một đứa lận. Có bữa em nghe nó nói với nhau không làm vậy sao có tiền chơi game”.
Chúng tôi trố mắt ngạc nhiên vì thông tin em nói và hỏi ngược lại Hoàng rằng đã bao giờ, em cũng “hôi cá” như mấy bạn kia chưa? Hoàng đáp rằng em chưa lấy trộm cá như vậy nhưng có mấy lần, nhóm kia ăn trộm bị tóm, Hoàng lượm cá gần đó cũng bị bắt chung về phòng bảo vệ. “Mấy người chủ cá họ la tụi em thôi, còn mấy chú bảo vệ đánh dữ lắm. Bữa trước bị bắt chung, em bị tát từ trên đầu xuống, đau lắm. Họ còn lấy đuôi của cá đuối đánh bọn em nữa. Cuối cùng, cá em mót được cả đêm đều phải bỏ lại…”, Hoàng kể.
Trong lúc đi cùng với chúng tôi, Hoàng chỉ lượm những con cá rớt thật xa thùng hàng. Đi được vài bước, mấy con cá trê lớn trong thùng nhảy vọt ra ngoài, em nhanh tay bắt chúng và bỏ lại vào thùng trước khi chủ vựa buông lời mắng nhiếc. Chỉ khi nhìn thấy cá nằm yên trong thùng mới biết rằng mình nghĩ sai đứa nhỏ tội nghiệp. Nhiều người thấy thương, họ hay cho Hoàng mấy con cá nhỏ và ếch.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào làm nghề này cũng được như vậy. Anh Nguyễn Thanh Lâm, chủ cửa hàng ếch, chỉ tay về phía mấy đứa nhỏ đang chực chờ lượm cá và nói: “Mấy đứa này có vài đứa ngoan, còn lại hư lắm. Tụi hay ăn cắp, ăn trộm cá của mấy phu vác hàng… bị đánh, bị tát hoài đó chứ”.
| |
Nữ cửu vạn
Xen giữa những đôi vai trần lực lưỡng của cánh đàn ông là đôi vai nhỏ bé của cánh nữ cửu vạn. Đêm nào cũng vậy, hàng trăm chị em các xóm trọ gần chợ đầu mối, xóm lao động nghèo mọi ngả đổ về đây. Họ lao vào làm công việc nặng nề mà đáng ra là việc của đàn ông.
Cô Nguyễn Thị Năm (56 tuổi, quê Tiền Giang) đã làm phu vác 13 năm. Hồi trước cô làm 5 năm bên chợ cá xóm Củi, rồi khi chợ giải tỏa sang Bình Điền, cô cũng dọn về theo. Tiền trọ mỗi tháng đã 900.000 đồng chưa kể điện nước, trừ đi chi phí ăn ở sinh hoạt mỗi tháng cũng không còn được bao nhiêu, cô chỉ vừa đủ sống qua ngày. Cô Năm cũng như các nữ cửu vạn khác có thu nhập dựa trên số hàng mà họ kéo được mỗi đêm, kiếm được bao nhiêu tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người, ít thì 50.000 - 70.000 đồng, nhiều lắm cũng chỉ có 150.000 - 200.000 đồng.
Cô Năm đi làm nhưng lúc nào cũng phập phồng lo lắng cho đứa em bị bệnh tâm thần nằm một mình ở phòng trọ. Cô tâm sự về số phận nghiệt ngã của mình: “13 năm trước, nếu chồng cô không mất đi vì bệnh gan, bên nhà chồng dưới quê không tranh giành nhà cửa đất đai, chắc cô cũng không ở đây làm việc này. Ba mẹ cũng mất, để lại đứa em bị bệnh tâm thần. Hồi đó, cô chẳng biết đi đâu khi không còn chốn nương thân. Rồi hai chị em dắt díu nhau lên Sài Gòn, sau đó dạt vào chợ đầu mối làm. Ráng thức đêm thức hôm, hai chị em cũng sống được đến bây giờ”.
“Đàn ông làm cửu vạn đã khổ, phụ nữ còn khổ hơn nhiều do sức khỏe yếu hơn trong khi công việc nặng nhọc không kém, phải thức đêm. Nhưng không có nghề gì khác thì phải làm, mấy cô cũng chịu khó lắm. Giao hàng cho họ tôi cũng an tâm nhiều, mối quen mà”, anh Nguyễn Thanh Lâm, chủ cửa hàng ếch, chỉ về phía cô Năm và các chị khuân vác, nói.
Nối nghiệp
Một điều đáng lưu tâm ở chợ Bình Điền là có rất nhiều gia đình cửu vạn, nghề nối nghề, nghiệp nối nghiệp. Như gia đình chú Lương Văn Biết (48 tuổi), cô Lâm Thị Tiếp (47 tuổi) và con gái Lương Thị Thu Thúy (22 tuổi) đều làm khuân vác trong chợ cá. Cả nhà thuê một căn phòng trọ gần chợ để thuận tiện đi làm. Thu Thúy tâm sự: “Ở quê làm ruộng bị thất bát, ba mẹ và em không chịu nổi phải lên đây nhờ người kiếm việc. Giờ ba mẹ đang kéo hàng, ngoài công việc làm phu vác này thì em cũng chẳng biết làm gì cả”.
Em Đặng Thị Ngọc Hân, năm nay mới 16 tuổi nhưng đã theo bà ngoại Huỳnh Thị Nga (60 tuổi) đi làm nghề bốc xếp được 2 năm tại Hợp tác xã Đoàn Kết. Không chỉ có hai bà cháu mà các dì, các mợ Nguyễn Thị Hồng Thắm, Nguyễn Thị Cẩm Nguyên, Nguyễn Thị Mến… của Hân cũng làm nghề này trong chợ. Cả gia đình 7 người cùng thuê một phòng trọ nhỏ với giá hơn 1 triệu đồng/tháng tại ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.
Hân cho biết, mỗi đêm em phải thuê chiếc xe đẩy với giá 17.000 đồng và đẩy được khoảng 30 cuốc, mỗi cuốc khách cho 5.000 - 7.000 đồng, có khi được 10.000 đồng. “Em không đi học và thấy quen với nghề này, đây là việc có giờ giấc khá tự do, thoải mái. Có khi cũng buồn khi nhìn mấy bạn cùng lứa đi học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình em phải ráng làm với ngoại và mấy dì kiếm tiền gửi về cho ba mẹ dưới quê”, Hân kể.
Đỗ Văn Thuận (21 tuổi) và cha mẹ là ông Đỗ Văn Hiệp (50 tuổi), bà Lê Thị Tẻ (44 tuổi) cũng cùng làm bốc vác ở chợ. Quê ở Tiền Giang, vì nghèo quá, mười mấy năm trước vợ chồng ông Hiệp lên Sài Gòn làm bốc vác nuôi mấy anh em Thuận. Hai năm trước, Thuận đã khăn gói lên đây theo nghề khuân vác của ba mẹ. Khi hỏi Thuận có ý định tìm nghề khác hay học thêm gì đó hay không, Thuận chỉ cười và nói đã quen và sẽ theo luôn nghề.
| |
QUANG KHOA - ĐOÀN MINH - VÕ THẮM