Dẫn con số thống kê, ngày 23-12, các hãng thông tấn quốc tế loan báo lần đầu tiên trong lịch sử phim Việt, bộ phim Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) lọt vào tốp 100 phim nước ngoài có doanh thu tốt nhất tại Mỹ (xếp thứ 96). Cụ thể, bộ phim với chi phí sản xuất 700.000 USD, đã đạt doanh thu tại Mỹ là 71.000 USD, đứng trên một số siêu phẩm như Người dịch chuyển thời gian của Hàn Quốc và Thần kiếm của Hồng Công.
Trước đó, bộ phim Em là bà nội của anh cũng đã xô đổ kỷ lục phòng vé nội địa với doanh thu trên 100 tỷ đồng, tạo ra cú hích cho các nhà làm phim Việt dấn thân vào một thị trường được lượng giá vài trăm triệu đô. Và tất nhiên đó là tin vui mùa Giáng sinh. Nhưng vui vẫn pha chút ngậm ngùi, như lời hát Bài thánh ca đó còn nhớ không em…, khi bộ phim này ra mắt từ năm trước nữa, về thực chất chỉ là phim Việt hóa từ nguyên gốc phim Hàn. Chuyển thể nhưng có biến tấu và thế cũng là quá mừng.
Còn nhìn tổng thể, tâm trạng chung không chỉ là buồn mà là quá buồn. Dịp năm mới là dịp sôi động nhất, thế nhưng không khí ảm đạm, lạnh lẽo vẫn bao trùm thị trường phim Việt. Một trong những thể loại “hot” nhất là thể loại hài, thì càng ngày càng cười không được, với sự nhàm chán, quanh đi quẩn lại vẫn những đề tài… xưa như trái đất, vẫn vài cây hài giả ngố cố thổi một chút thâm thúy vào câu chuyện vụn vặt, song vẫn gượng ép không nhồi được chất sống có da, có thịt, có hồn.
Chính sự thiếu chuyên nghiệp từ kịch bản đến diễn xuất đã dẫn đến một năm phải nói là thảm họa với làng cười Việt. Đúng là có nguyên nhân khách quan, như bùng phát gameshow, truyền hình thực tế, đĩa lậu…, nhưng cái chính vẫn là thiếu tài năng, thiếu sự sáng tạo cần có với môi trường nghệ thuật. Một số đạo diễn đã vò đầu bứt tai lý giải sự mất mùa “hài tết” là do nhà tài trợ, đơn vị quảng cáo can thiệp quá sâu vào kịch bản, nên đứa con tinh thần của mình nó mới “xộc xệch”, “méo mó” vậy. Cũng có thể họ có lý, khi kinh phí sản xuất phụ thuộc vào nhãn hàng xuất hiện trong phim với cách đặt vấn đề càng phổ biến càng tốt, càng phát tán nhiều càng ít. Với loại hình tài trợ này, tác phẩm hoàn thiện không phải để trình chiếu trên truyền hình chính thống hay phát hành đĩa gốc có tem kiểm định, mà chủ yếu thông qua các kênh diễn đàn mạng xã hội, kênh chia sẻ video cho cộng đồng. Nghĩa là có sức lan tỏa lớn mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào về bản quyền, về tuân thủ các quy định của pháp luật. Đó là sự thiệt thòi với những nhà sản xuất chân chính khi phải tự bỏ vốn làm phim, lo khâu kiểm duyệt, lo quảng cáo chèn trong phim không được vượt quá 7% thời lượng của cả phim, lo quảng bá, lo phát hành…, nói chung là có cả trăm thứ lo không tên. Thế nên, nhiều nghệ sĩ đã tặc lưỡi rằng: thôi thì cứ phải sống chung với sự hoành hành của đĩa lậu bằng “bầu sữa” các nhãn hàng, miễn là khán giả được cười.
Đối với các phim chiếu rạp, năm qua đánh dấu sự tăng vọt về lượng, với trung bình mỗi tuần một phim mới trình chiếu. Song, chất lượng của chúng - cũng phải lắc đầu - nói rằng đang mấp mé lằn ranh thảm họa. Cũng lại chút hài, chút kinh dị, chút võ vẽ, mỗi thứ một chút, chỉ thiếu một chút chất nghệ thuật. Đơn cử, bộ phim Tấm Cám, một bộ phim có doanh thu khá nhất năm qua, nhưng nữ đạo diễn vốn là diễn viên Ngô Thanh Vân phải bật khóc kể lể những bất hòa về tỷ lệ ăn chia trong khâu phát hành, và kêu gọi “người Việt dùng hàng Việt” mua vé ủng hộ phim.
Có thể thấy, khi đã cạn kiệt ý tưởng, nhiều nhà làm phim đành quay lại mô hình Em là bà nội của anh - làm lại các phim ăn khách của nước ngoài, như đạo diễn Hàm Trần làm lại phim Thái Lan ATM - lỗi tình yêu từng gây náo loạn phòng vé xứ sở chùa Vàng với doanh thu 5 triệu USD (tại Việt Nam có tên Bạn gái tôi là sếp); hay nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh mua bản quyền phim điện ảnh Sắc đẹp ngàn cân đình đám của Hàn Quốc để Việt hóa. Dĩ nhiên, trong bối cảnh đội ngũ biên kịch còn mỏng, kịch bản được và hay chưa đáp ứng yêu cầu, thì làm lại các phim là một giải pháp tình thế hữu hiệu. Nhưng về lâu dài, cách làm này như đắp tấm chăn phủ được tay thì mất chân, được chân thì mất đầu. Căn cơ hơn, chiến lược dài hơi hơn vẫn là phải tìm được chất riêng, bản sắc riêng của phim Việt. Không nói đâu xa, năm rồi, qua một số kênh như YouTube, đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của 2 nền điện ảnh Nhật và Nga qua 2 bộ phim hoạt hình: phim Tên bạn của Nhật và Masha và chú gấu của Nga. Không sánh được với các bom tấn Mỹ cả về công nghệ lẫn kinh phí, họ chọn các chủ đề gắn với đời sống hiện đại đậm tính dân tộc.
Phim Tên bạn thu về 200 triệu USD là câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng được bao phủ bởi màn sương giữa mơ và thực, rất Nhật. Còn Masha và chú gấu có 59 tập, mỗi tập chỉ dài 7 phút, đã chinh phục cả thế giới với doanh thu hơn 400 triệu USD, được dịch ra 25 thứ tiếng, thu hút tới 1,7 tỷ lượt người xem trên YouTube. Đây là phim rất Nga, với cô bé bận đồ dân tộc: trên đầu là tấm khăn choàng và chiếc váy chảy dài đến chân, còn cặp mắt to đùng đầy sức sống của văn hóa Slavo.
Văn hóa là linh hồn của một dân tộc. Nếu chúng ta quay lưng với lịch sử văn hóa của mình, quay lưng với bản sắc dân tộc thì rất có thể phải hứng chịu những bi kịch không đáng có. Và ở một nghĩa nào đó, điện ảnh muốn làm mới, muốn phát triển được thì nhất thiết phải dựa vào sức mạnh bệ đỡ của văn hóa truyền thống.
BÍCH AN