Đôi điều về chính quyền địa phương

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 8 và dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp lần thứ 9 vào giữa năm 2015. Các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM cho rằng, nếu không chọn phương án đổi mới thì sẽ bỏ qua cơ hội làm gọn bộ máy, bớt tầng nấc trung gian, tạo điều kiện cho đô thị như TPHCM phát triển.
Đôi điều về chính quyền địa phương

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 8 và dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp lần thứ 9 vào giữa năm 2015. Các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM cho rằng, nếu không chọn phương án đổi mới thì sẽ bỏ qua cơ hội làm gọn bộ máy, bớt tầng nấc trung gian, tạo điều kiện cho đô thị như TPHCM phát triển.

Nhân viên UBND quận 10 hướng dẫn người dân làm giấy tờ. Ảnh: KIM NGÂN

Còn khá nhiều ý kiến khác nhau về dự án luật này. Có ý kiến cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện - quận, phường là một thí điểm kỳ lạ, ở đâu có UBND thì ở đó phải có HĐND… Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 đã mở đường, có nhiều điểm mới về chính quyền địa phương, như: thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, quy định về tổ chức đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương, quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính… Định hướng của Đảng cũng đã yêu cầu tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt giữa chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo; đẩy mạnh phân cấp giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện - quận, phường từ năm 2009, cùng các đề án chính quyền đô thị của TPHCM, Đà Nẵng… cũng đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu về mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp phù hợp.

Những bất cập từ quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã cho thấy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND và UBND cơ bản giống nhau ở 3 cấp là chưa phù hợp, chưa phân biệt theo đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo… Cùng một vấn đề, cả 3 cấp đều bàn bạc và ra nghị quyết, nhiều vấn đề phải có sự phê duyệt của cơ quan hành chính cấp trên. Một số quy định cho cấp xã cũng không có khả năng thực thi. Thực tế cho thấy, đây là mô hình mang tính rập khuôn, cứng nhắc, không phát huy thế mạnh vùng miền, không phù hợp với đặc trưng của đô thị, nông thôn…

Theo tờ trình của Chính phủ, phương án 1 là đối với địa bàn nông thôn tổ chức 3 cấp chính quyền (có HĐND và UBND) ở các đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã. Còn đối với địa bàn đô thị tổ chức 1 cấp chính quyền (có HĐND và UBND) ở khu vực nội thành, nội thị của các đơn vị hành chính: thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thị xã và thị trấn. Đối với quận và phường thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường thuộc thị xã, phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, phường thuộc thành phố trực thuộc trung ương không tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) mà chỉ tổ chức UBND là chính quyền địa phương của quận, phường.

Phương án 2 là HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp (đặc biệt là ở quận và phường).

Theo phương án 1, ở quận, phường không tổ chức HĐND thì chức năng đại diện, giám sát, quyết định các vấn đề địa phương do HĐND thành phố, thị xã đảm nhiệm. UBND, nơi không tổ chức HĐND được xác định là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, là chính quyền địa phương của quận, phường, có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức việc thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao, không phải là cấp quy hoạch và cũng không phải là cấp ngân sách.

Tại 10 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện - quận, phường cho thấy có sự phù hợp yêu cầu đổi mới. Những điểm tích cực, hợp lý đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân vẫn được bảo đảm thực hiện thông qua đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp trên. Ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân còn được bảo đảm thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Khắc phục được sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan các cấp trong hệ thống cơ quan nhà nước. Không tổ chức HĐND quận, phường, thẩm quyền HĐND cấp tỉnh được tăng thêm, tính tự quản đối với cấp cơ sở được tăng cường, yêu cầu phát huy dân chủ trực tiếp và việc gần dân, sát dân đối với bộ máy chính quyền địa phương là không thể xem nhẹ.

Nếu cơ bản vẫn giữ nguyên các cấp chính quyền như hiện nay sẽ không phù hợp, đặc biệt là địa bàn đô thị đòi hỏi phải tập trung, thống nhất, điều hành một cách nhanh chóng, xuyên suốt, nhất là đối với quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị đảm bảo không bị cắt khúc, phân tán.

Mô hình chung trong bộ máy hành chính địa phương nước ta hiện nay là bộ máy hành chính các cấp được hình thành từ chế độ bầu cử. Cơ chế này đảm bảo tính tập trung, tập thể (về hình thức) của cơ quan đại diện nhân dân trong việc bầu ra cơ quan chấp hành nhưng hạn chế vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Vì vậy, nghiên cứu cách thiết lập bộ máy hành chính địa phương từ bầu cử sang bổ nhiệm cần được xem xét, tạo được sự linh hoạt trong lựa chọn, bố trí cán bộ.

Dự luật lần này cần phân định rõ thẩm quyền, mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa HĐND và UBND để làm rõ trách nhiệm từng cấp chính quyền, từng cơ quan trong bộ máy nhà nước trong điều kiện chính trị của nhà nước đơn nhất, bảo đảm nền hành chính thống nhất, thông suốt từ trung ương tới địa phương theo hướng “Việc nào do cấp nào quản lý và giải quyết sát thực tiễn hơn thì giao nhiệm vụ và thẩm quyền cho cấp đó” và giảm bớt nhiệm vụ của chính quyền cơ sở. Khắc phục sự chồng chéo, cũng như dồn quá nhiều công việc xuống cơ sở, “buộc chân” cán bộ cơ sở vào bàn giấy (kiểu ký sao y, chứng thực cả ngàn chữ ký một ngày, rồi họp hành, báo cáo… có khi còn không đủ người hành xử công việc như hiện nay). Đối với thành phố, việc tăng thẩm quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố sẽ khắc phục tình trạng quản lý cắt khúc.

Có nhiều phương án về mô hình chính quyền địa phương đưa ra để rộng đường xem xét, nhưng phương án chọn tốt nhất là làm sao cho tinh gọn, thiết thực, trách nhiệm rõ ràng nhằm giảm tầng nấc, sự phiền hà, tốn kém và phục vụ dân tốt hơn.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục