Đổi đời làng biển

Xưa nghèo tận đáy cát
Đổi đời làng biển

Mảnh làng không có thước ruộng trồng lúa, không một tấc đất trồng hoa màu nhưng bằng ý chí của người dân, làng đã tiến lên mạnh mẽ để dựng xây cuộc sống và đến nay làng chỉ còn hai hộ nghèo. Ấy là làng biển Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình). Trưởng thôn Nguyễn Thanh Điệu khoát tay nói, sống trên cát dân chỉ biết hướng mặt ra biển để mưu sinh, tưởng chỉ đủ ăn, nhưng không ngờ biển cho dân làng nhiều thứ.

Làng Mỹ Cảnh đã thay da đổi thịt.

Làng Mỹ Cảnh đã thay da đổi thịt.

Xưa nghèo tận đáy cát

Mỹ Cảnh mười năm trước, theo trưởng thôn Nguyễn Thanh Điệu: “Ngày xưa nghèo lắm chú nờ. Chẳng nhà ai mua được xe đạp để đi, làng trần ai trên cát, ngõ trên xóm dưới đi đâu cũng đường cát, cát trắng lóa mắt, cát phủ khắp nơi, cát thiêu nóng chân từ trong nhà ra ngoài biển, đời sống cơ bề tứ khổ. Lối ra làm ăn chẳng hề có”.

Ấy là khung cảnh của mười năm trước, trước đó nữa, trưởng thôn Điệu còn nói khổ hơn, nhà làm bằng cây rười khô trên cát, những mảnh nhà úp lên trảng cát gọi là xóm, nhiều xóm gộp lại thành làng. Đi biển chủ yếu là mua tre về đan thuyền mành, trét phân trâu vào, phơi khô để đánh bắt gần bờ, cố công lắm cũng chỉ đổi được vài ba lon gạo đắp bữa qua ngày. Ông Điệu nói: “Thời đó, làm bữa hôm lo chạy ăn bữa mai, cả làng chạy quýnh trên cát kiếm ăn, nhưng người khổ thì làng cũng khổ, chẳng kiếm đâu ra đủ gạo để ăn, con cái thất học vì tiền bạc không đủ nộp học phí, mua sách vở. Nhà toàn làm từ cỏ rười, trú được hết mùa mưa phải bỏ đi, kiếm lứa cỏ mới về lợp, đời tạm bợ vô cùng, không chi tả hết”.

Hồi ức về thời khổ cực, anh Nguyễn Văn Mến nói: “Các làng làm ruộng có gạo để bán, làng tui không có bờ xôi ruộng mật, chỉ toàn cát, bắt được con cá thì ngược sông Nhật Lệ lên Lệ Thủy, Quảng Ninh bán để mua gạo, mua củi về đun, bắt cá cả ngày ngoài biển cũng chỉ kiếm được ít gạo. Nhường cho bọn trẻ hết, người lớn cầm hơi bằng cháo. Nói thiệt, không có thước đất mô trồng sắn trồng ngô vì toàn cát, vùng cát trắng nên trồng khoai cũng không được, cứ tưới là nước chảy tuột xuống đáy cát, khoai không sống nổi, chỉ có chòm xóm tựa lưng với nhau trong thiếu thốn”.

Trưởng thôn Điệu nói thêm: “Hồi đó sông Nhật Lệ chưa có cầu, Mỹ Cảnh thuộc vùng sâu vùng xa, khổ hơn miền núi. Cứ ước làng mình có ít đất đai trồng được lúa mà giải cái đói cho bà con, nhưng ước là ước thế, chứ chẳng có phép màu mô cả, phận làng cát thì sống nghèo tới đáy cát, chẳng ai tin có ngày thoát nghèo, làm được giàu có. Lúc đó, dân tui nói vui, nghèo tận đáy cát vẫn nghèo”.

Lối ra từ biển

Nhưng cuộc sống đã cho người làng biển Mỹ Cảnh lối ra. Những cuộc họp bàn của thôn làng chong đêm, không có điện cứ thắp đèn dầu lên họp. Ông Điệu kể: “Mấy khóa lãnh đạo làng trước đây cứ có cơ hội là vượt sông đi tìm các làng biển khác học cách làm ăn, làng làm nước mắm, làng chuyên về cá khô, làng thì chuyên thu mua hải sản. Họp hành liên miên, nhưng chưa tìm được cách thích hợp cho dân làng Mỹ Cảnh. Chỉ đến khi cầu Nhật Lệ khánh thành năm 2003, cũng là lúc Mỹ Cảnh mở mày mở mặt. Dân làng được sang phía bên kia sông, ngước mắt nhìn những căn nhà hai ba tầng trầm trồ, về làng nhìn đâu cũng nhà lá thấp tè, họ quyết chí phải vận dụng sức vóc của làng để ra biển đánh bắt”.

Người Mỹ Cảnh vốn có nghề biển hơn 300 năm mở làng, đã có những chiếc thuyền đi xa mấy chục ngày đánh bắt. Cha ông họ đã làm được thế thì nay con cháu phải noi gương. Tìm hiểu từng cá nhân, rồi từ tập thể, họ bắt đầu biết đến khái niệm ngân hàng, vay vốn đóng thuyền máy ra khơi. Từ những mẻ cá đầu tiên, ngư dân Mỹ Cảnh lại dấn thân với biển trước mặt làng, họ mở cả xưởng đóng tàu, ai thích cứ đến đặt vấn đề, ai có nhu cầu được lãnh đạo thôn, xã bảo lãnh vay vốn.

Ngư dân Mai Văn Thu cho biết: “Lần đầu dân Mỹ Cảnh đi vay ngân hàng, cán bộ nhìn bọn tui đen thui, ăn nói bổ bã, chẳng ai tin, nhưng xin mãi, thuyết phục mãi bằng những mẻ lưới bán được cá, ngân hàng cho vay từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng”. Nay thì làng cát Mỹ Cảnh đã lột xác, có hàng chục ngư dân vay tiền đóng tàu cá đi biển xa, trị giá hơn 6 tỷ đồng mỗi chiếc. Điển hình là ngư dân Nguyễn Công Hoan, Mai Văn Đụng, Trần Đình Thủy, Phạm Văn Tuyển, đã đóng thuyền lớn ra vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam) đánh bắt.

Ngư dân Nguyễn Công Hoan nói: “Lúc đầu vay mượn vài chục triệu đồng thấy lo, nhưng biển không phụ lòng dân, trả được mấy chục triệu đồng rồi lại muốn đạp sóng đi xa hơn, lại vay mượn mấy trăm triệu, trả được thì mong đi được biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa của nước non mình mà làm ăn, lại vay tiền mấy tỷ, cũng được tạo điều kiện, cũng mang cá về bán khẳm giá lắm chú ơi”. Việc làm từ biển, thu nhập từ biển và cơm áo, gạo tiền đều từ những con sóng vô biên của biển cả quê hương đưa lại. Đó là cơ hội lớn của người dân làng cát Mỹ Cảnh.

Làng chỉ có 2 hộ nghèo

Nhẩm tính rồi trưởng thôn Điệu khoát tay: “Đội tàu đánh cá của làng nay đã lên 125 tàu, đi biển thường xuyên từ vài ngày đến cả tháng, chuyến nào vô bờ cũng khẳm mạn thuyền. Giàu có rồi chú ơi. Làng tui nay có 413 hộ, gần 2.000 khẩu, nhưng chỉ còn lại 2 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo, chưa tới 20% dân làng có mức trung bình khá, số còn lại là giàu có hơn 55%. Cả làng có 95% dân theo nghề biển, số còn lại ở lại làng làm dịch vụ”. Mỹ Cảnh hôm nay là một phần da thịt của làng biển Mẹ Suốt anh hùng đã đổi thay một trời một vực so với những tháng ngày gieo neo nghèo đói năm xưa. Nhà cửa khang trang san sát mọc, đường sá đi lại được cứng hóa đến tận nhà dân, làng không còn cảnh chân trần lấm cát.

Mùa đánh bắt năm 2013, ông Điệu nói chưa bao giờ người làng trúng đậm như mùa năm nay. Thuyền của anh Nguyễn Công Hoan cứ mỗi tháng đi một chuyến, lúc về bán cá từ 1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng, 30 thuyền viên được trả lương mỗi chuyến 15 - 20 triệu đồng mỗi người, càng làm cho ngư phủ thêm gắng sức dấn thân đánh bắt biển xa.

Không chỉ thuyền anh Hoan, thuyền của những ngư dân khác cũng có thu nhập tương tự. Thuyền anh Tuyển vừa hạ thủy trị giá gần 5 tỷ đồng, đi chuyến đầu cũng mang lại trên dưới 1 tỷ đồng, thắng lớn, bán được mẻ cá ngay trên biển, anh mua xăng dầu, đá lạnh trên biển từ tàu hậu cần nghề cá của Đà Nẵng, ở lại tiếp tục bám biển với thông tin báo về, cũng đang đánh bắt rất được.

Chia tay mảnh làng còn 2 hộ nghèo, ông Điệu nói thêm, họ là hai phụ nữ đơn thân, một hộ làng đã góp tiền làm nhà đại đoàn kết, một hộ đang xin đất để làm nhà tình nghĩa. Hiện tỷ lệ xe máy trong làng trung bình mỗi hộ hơn 1,5 chiếc, đó là thành tựu của mảnh làng không thước đất trồng trọt lương thực.

Rời làng, phía cuối bến gần cửa sông, xưởng đóng tàu của làng đang hoàn thiện chiếc tàu hơn hơn 4 tỷ đồng của ngư dân Phạm Xuân Tích, ông Tích nói: “Anh em đi biển xa đánh được, tui cũng mạnh dạn làm ăn, hơn nữa cũng góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc thì sá gì mà không làm. Phải làm để có được thu nhập nhưng cũng là để trả ơn công tích biển cả của cha ông để lại cho con cháu gánh vác”.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục