Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - Cần tránh vết xe đổ

Bộ GD-ĐT đang tích cực chuẩn bị đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 với mục tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, góp phần đào tạo học sinh trở thành người có kiến thức, kỹ năng cơ bản làm nền tảng học tập suốt đời… Tuy vậy, mọi công việc đều đang rất bộn bề, thậm chí là mông lung.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - Cần tránh vết xe đổ

Bộ GD-ĐT đang tích cực chuẩn bị đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 với mục tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, góp phần đào tạo học sinh trở thành người có kiến thức, kỹ năng cơ bản làm nền tảng học tập suốt đời… Tuy vậy, mọi công việc đều đang rất bộn bề, thậm chí là mông lung.

Kêu đâu chữa đó

Đã có quá nhiều cuộc hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá về chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện nay được đưa ra, trong đó đều xác định rất nhiều bất cập, đòi hỏi phải đổi mới một cách toàn diện. Ngay cả đánh giá bước đầu của đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhận định, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay vẫn chú trọng việc dạy chữ, chưa coi trọng đúng mức việc dạy người.


Trong khi đó, SGK có nội dung nặng đối với phần đông học sinh, nhiều thuật ngữ trừu tượng, tình huống gượng ép. Một số SGK có sự trùng lặp, có những sự kiện, số liệu thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học và giữa một số môn học. Kiến thức ở một số cuốn SGK chưa cập nhật, thậm chí bị phân khúc, tách rời, ngắt quãng, thiếu liên thông. Đó là chưa kể những sai sót về kiến thức.


Cần giảm tải chương trình học để học sinh có thời gian vui chơi và đọc sách. Ảnh: MAI HẢI

Cần giảm tải chương trình học để học sinh có thời gian vui chơi và đọc sách. Ảnh: MAI HẢI


Điều đáng nói, với một chương trình, SGK như vậy, khi bị dư luận phản ứng, Bộ GD-ĐT đã có giải pháp tình thế để giảm tải thông qua việc bỏ bớt một số mục, bài trong SGK. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này lại bị đánh giá làm ảnh hưởng tới tính thống nhất, chặt chẽ, logic của SGK, gây ra sự lúng túng cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học.


Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Bộ GD-ĐT thiếu quyết tâm trong việc chỉ đạo tích hợp những nội dung giáo dục gần gũi, tạo ra con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để phát triển năng lực người học. Số môn học còn quá nhiều: tiểu học 14, THCS 17, THPT 18. “Đây là một trong những nguyên nhân gây quá tải cho học sinh, mặc dù có thể nội dung từng môn học nói chung không quá tải. Bộ GD-ĐT thường bị động trước dư luận, xử lý theo kiểu “kêu đâu chữa đó”, càng làm cho dư luận cảm thấy bất an”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét.


“Tôi chỉ lấy ví dụ này thôi, yêu cầu tích hợp các môn học đã được đặt ra ngay từ khi bắt đầu xây dựng chương trình 2002, nhưng vì giáo sinh ở các trường sư phạm được đào tạo theo từng môn học nên chỉ có thể thực hiện dạy học tích hợp đối với môn Văn. Đáng tiếc sau 15 năm triển khai chương trình (tính từ thời gian thử nghiệm), hạn chế này vẫn chưa được khắc phục. Và bây giờ, khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, yêu cầu tích hợp vẫn là nhiệm vụ bất khả thi”, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm.

Thiếu chuẩn bị, đổi mới sẽ thất bại


Nhiều chuyên gia giáo dục, cho rằng nhìn vào thực tế hiện nay cho thấy, ở thành thị trường lớp khang trang nhưng lại thiếu, dẫn đến tình trạng quá tải sĩ số lớp học, không thể nào áp dụng phương pháp dạy tích cực cũng như nâng cao yêu cầu thực nghiệm các môn học tự nhiên. Trong khi đó, ở nông thôn cả giáo viên và học sinh ngoài dạy - học còn phải mưu sinh kiếm sống. Ở miền núi, vùng khó khăn thì trường lớp thiếu thốn, tạm bợ, rất khó để tập trung vào việc dạy và học. Bởi thế, dù Chính phủ, ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhưng vì đi sau việc triển khai chương trình, SGK mới đến 3 năm, nên hiệu quả không cao. “Dạy và học trong điều kiện khó khăn chắc chắn không thể có chất lượng, chứ đừng nói đến chất lượng cao. Trong khi các trường sư phạm gần như đứng ngoài cuộc nên nguồn nhân lực ra đời không đáp ứng được yêu cầu của đổi mới là tất yếu”, GS Nguyễn Minh Thuyết bức xúc.


Hầu hết các chuyên gia giáo dục đều cho rằng, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là 2 yếu tố cơ bản để bảo đảm sự thành công của đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Các trường phổ thông bắt buộc phải được chuẩn bị sẵn sàng 2 điều kiện này khi thực hiện đổi mới. Vừa qua đổi mới không thành công do chuẩn bị chưa đồng bộ, vì thế lần đổi mới tới đây phải tránh được vết xe đổ này.


Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 Nguyễn Văn Tuyến cũng cho rằng, trước khi triển khai đề án, bộ cần giải quyết được các vấn đề cốt yếu. Việc đổi mới lần này sẽ hướng tới dạy tích hợp (là dạy theo kiểu tư vấn, theo hướng cá thể hóa) nên yêu cầu lớp học phải có sĩ số thấp. Đặc biệt, lần đổi mới này các trường sư phạm cần phải được định hướng đi trước một bước, tránh tình trạng sinh viên ra trường phải đào tạo lại cho phù hợp thực tế. Ông Tuyến cũng cho rằng, để Đề án đổi mới thành công, phải có sự tham gia của các trường sư phạm vì đó là cái nôi đào tạo ra đội ngũ giáo viên phục vụ đổi mới. Nếu cái nôi này không được quan tâm thì tất yếu kéo theo tất cả sản phẩm giáo dục sẽ khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện.


PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục