Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhằm đánh giá tình hình, kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN, thực trạng tham nhũng hiện nay và hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Thông qua hội nghị lần này sẽ làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, trong đó trọng tâm là việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác PCTN giai đoạn 2016 - 2020.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tích cực, chủ động, sáng tạo trong phòng ngừa và kiên quyết trong đấu tranh, phát hiện xử lý. Thế nhưng, hiệu quả PCTN vẫn chưa thực sự hiệu quả, khiến nhân dân bức xúc, thậm chí làm xói mòn lòng tin. Các đại biểu Quốc hội thì luôn “tuyên chiến” với tệ nạn tham nhũng, coi đó là quốc nạn, đứng đầu danh sách “giặc nội xâm”.
Mới đây nhất, ngày 12-4, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) năm 2015, chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” tiếp tục giảm 3% điểm so với năm 2014. Có tới 51,29% người dân phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan Nhà nước, tăng cao hơn so với năm 2011 là 45,78%. Tham nhũng cũng có xu hướng gia tăng ở các dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, giấy phép xây dựng, cán bộ dùng tiền công quỹ chi cho mục đích riêng.
Người dân bi quan hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, trong cung ứng dịch vụ công, trong tuyển dụng cán bộ, công chức viên chức. Đáng chú ý, có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính là 24% năm 2014… Một cuộc khảo sát về thực trạng PCTN để chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tiến hành mới đây cũng cho thấy, tham nhũng càng ngày càng được nhiều người đánh giá là “phổ biến” và “rất phổ biến”; tỷ lệ người dân trả chi phí ngoài quy định và các nhóm xã hội quan tâm đến tham nhũng là không đổi trong 10 năm gần đây; tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp. Đa số những người được hỏi đều đánh giá tham nhũng không giảm trong 10 năm qua.
Ngày 18-4 vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, như vụ Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam; vụ tại Ngân hàng TMCP Đại Dương; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, phần liên quan đến các quyết định và kiến nghị của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án.
Như vậy, từ vấn nạn “tham nhũng vặt” đến các vụ án tham nhũng lớn vẫn đang là nỗi nhức nhối lớn của người dân. Tại sao quyết tâm PCTN của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng, đã có hẳn một hệ thống pháp luật mà hiệu quả PCTN vẫn chưa cao, tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi, vẫn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ? Điều đáng nói là, hầu hết người dân khi được hỏi đều đánh giá việc thi hành biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn hạn chế, nhất là các biện pháp liên quan đến cá nhân.
Có thể thấy, cơ chế phòng ngừa tham nhũng chưa thực sự hiệu quả là thực tế đòi hỏi tới đây khi sửa luật PCTN phải khắc phục triệt để. Đơn cử như hiện nay việc kê khai tài sản vẫn hình thức, chưa có hiệu quả đối với PCTN, kê nhưng không công khai, không thẩm định, xác minh được, cũng không ai quản lý được tài sản kê khai, tức là kê khai chỉ để đấy chứ không giải quyết được gì.
Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (TTCP) Phạm Trọng Đạt cho rằng: kê khai tài sản nếu không phải bí mật quốc gia thì phải công khai để dân giám sát. Làm quan chức thì phải chấp nhận việc công khai tài sản để nhân dân giám sát, còn nếu sợ thì thôi đừng làm. Cùng với đó, những điều kiện để bảo đảm kê khai tài sản cũng phải được thực hiện triệt để, ví dụ phải tiến đến loại bỏ việc tiêu bằng tiền mặt, thanh toán, trả lương đều phải bằng thẻ. Tương tự, công tác điều tra, giám định vừa qua đã tập trung làm nhưng chưa được như mong muốn, đó là lý do các vụ án tham nhũng lớn chậm được đưa ra xét xử.
Rõ ràng, để PCTN hiệu quả, luật phải có cơ chế đảm bảo thi hành, giám sát, kiểm tra quá trình thi hành, tránh bị tác động bởi các yếu tố chủ quan trong quá trình thực hiện các biện pháp cụ thể về phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Quy định về kê khai tài sản, thu nhập, xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý cũng phải được đổi mới căn bản, cùng với đó áp dụng nhiều biện pháp để minh bạch hóa tài sản.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về bảo vệ người cung cấp thông tin và miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong một số trường hợp. Cân nhắc chính sách khoan hồng phù hợp đối với người đưa hối lộ trong trường hợp bị ép buộc, bất khả kháng hoặc đã chủ động tố giác khi bị phát hiện. Đặc biệt, cần phải tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức PCTN, trong đó bao gồm cả việc cân nhắc đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia về PCTN như nhiều ý kiến đề xuất trong thời gian qua. Cùng với đó là kiện toàn, bổ sung vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan PCTN hiện tại… Chỉ có như vậy chúng ta mới PCTN hiệu quả, không để tham nhũng vặt tràn lan trong mọi mặt của đời sống, không để tồn tại các “con cá to” tham nhũng làm xói mòn lòng tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước.
LÂM NGUYÊN