Giờ chào cờ đầu tuần ở Trường Trung học Thực hành Sài Gòn không nặng nề, khuôn mẫu như tôi từng thấy ở nhiều ngôi trường khác. Không có hình ảnh quen thuộc vị hiệu trưởng đứng dưới cờ “diễn thuyết” dài dòng về phong trào thi đua, nhận xét, răn đe học sinh và yêu cầu các khối lớp làm thế này, thế nọ…
Sau nghi lễ chào cờ, học sinh hát quốc ca, tất cả học trò đều hướng về sân khấu để đón xem hôm nay có chương trình, trò chơi gì hấp dẫn. Khi đại diện Câu lạc bộ “Nhà sử học nhỏ tuổi” công bố chủ đề tìm hiểu di sản văn hóa dân tộc với các câu hỏi đố vui thú vị, học sinh ồ lên thích thú. Hai đội chơi được thành lập nhanh chóng và trả lời những câu hỏi tìm hiểu về văn hóa dân tộc như: “Ngày 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời, lễ vật không thể thiếu là gì?” và những câu hỏi khác liên quan đến văn hóa đồng thau, trống đồng… Chỉ diễn ra trong vòng 15 phút nhưng buổi chào cờ đầu tuần luôn mang lại tinh thần sảng khoái, niềm vui khám phá, sáng tạo cho học trò. Những tiếng cười vô tư, trong sáng đầu tuần sẽ giúp các em cảm thấy việc học nhẹ nhàng hơn. Theo ban giám hiệu, nhà trường muốn đổi mới buổi chào cờ, tránh rập khuôn khiến học sinh có tâm lý tham dự cho có. Vì vậy nhà trường thành lập Ban hoạt động ngoại khóa với câu lạc bộ của các tổ bộ môn. Mỗi tuần, một câu lạc bộ (môn Sử, Văn, tiếng Anh, Hành tinh xanh…) thay nhau thiết kế chương trình, nội dung để giờ sinh hoạt dưới cờ mang lại giá trị giáo dục thực sự. Phần thưởng dành cho học sinh tham gia không lớn, chỉ là những quyển sách, cuốn sổ… nhưng luôn hấp dẫn học trò vì sân chơi này mang lại những điều thú vị, mở mang kiến thức.
Đổi mới giáo dục nên bắt đầu từ những việc rất nhỏ, kể cả thay đổi thói quen, tạo sự bất ngờ, hấp dẫn học trò trong mọi hoạt động, từ giảng dạy chuyên môn đến tiết ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ… Nếu chúng ta luôn hướng tới học sinh, thấu hiểu các em cần gì, muốn gì thì giáo dục mới mang lại hiệu quả. Việc rập khuôn, ngại đổi mới trong hoạt động giáo dục sẽ khiến người học luôn cảm thấy áp lực, học nhiều nhưng không hiệu quả.
HÀ KHÁNH