Ngày 16-8, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Tới dự đại hội có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước, Chủ tịch Danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa IX Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh…
Nhiệm kỳ qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiếp tục đổi mới hoạt động, vận động chính sách, tuyên truyền gắn với vận động nguồn lực xã hội. Tổng trị giá hoạt động toàn hội đạt hơn 9.563 tỷ đồng; trong đó giá trị hoạt động công tác xã hội đạt 56%; giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt 20,8%; tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo đạt 10,6%; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa đạt 4,8%; tuyên truyền giá trị nhân đạo, đào tạo, huấn luyện đạt 7,8%; trợ giúp trên 36 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn (trung bình hơn 7 triệu lượt người nghèo/năm).
Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả các hoạt động, tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề ra.
Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao những nghĩa cử cao cả của các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ nguồn lực, chung tay cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện các hoạt động nhân đạo.
Về định hướng lớn trong 5 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển mạnh mẽ tổ chức, nhất là ở cơ sở, phát huy vai trò cầu nối, điều phối của Hội Chữ thập đỏ trong hoạt động nhân đạo, góp phần làm cho hoạt động nhân đạo được quản lý chặt chẽ, minh bạch, công bằng và đạt hiệu quả cao. Tiếp tục đổi mới hoạt động của hội theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn với người dân, nắm chắc đối tượng khó khăn để vận động trợ giúp trực tiếp, thiết thực, bền vững, đúng đối tượng, theo đúng tinh thần của cuộc vận động mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo.