Hội nghị do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức tại TP Thanh Hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước đã có những điều chỉnh theo hướng phân định rõ và minh bạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong bộ máy chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi một số quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa được cụ thể hóa. Chẳng hạn, tuy đã có quy định về chức năng giám sát của Tổ đại biểu HĐND nhưng cơ chế giám sát vẫn chưa rõ.
Tương tự, đại biểu HĐND có thẩm quyền giám sát, nhưng hầu như đại biểu chưa thực hiện được thẩm quyền này. Việc không có quy định HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND quyết định một số dự án, vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội giữa hai kỳ họp HĐND cũng là một vướng mắc, dẫn đến việc nhiều dự án phải chờ đến kỳ họp, bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Cũng chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục giám sát, việc thành lập Đoàn giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh, giám sát của đại biểu HĐND tỉnh...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận những băn khoăn, đề xuất của Thường trực HĐND các địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu của UBTVQH tổng hợp đầy đủ các ý kiến, báo cáo UBTVQH, Chính phủ để xem xét chỉ đạo, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận những băn khoăn, đề xuất của Thường trực HĐND các địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu của UBTVQH tổng hợp đầy đủ các ý kiến, báo cáo UBTVQH, Chính phủ để xem xét chỉ đạo, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH đang giao cho Ban Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, soạn thảo Nghị quyết về Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND.
Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, HĐND các địa phương cần tích cực phối hợp, tham gia ý kiến để hoàn thiện nội dung văn bản đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời cũng lưu ý, những vướng mắc trong tổ chức kỳ họp HĐND còn có cả nguyên nhân do quá trình tổ chức thực hiện, Thường trực HĐND các tỉnh trong khu vực cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan và có các biện pháp để khắc phục.
Các đại biểu HĐND phải nâng cao ý thức trách nhiệm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và đề xuất các giải pháp của mình để đảm bảo các dự thảo được thông qua tại kỳ họp HĐND có chất lượng, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi...