Ngày 22-9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn đã công bố kế hoạch bán vé tàu Tết Bính Thân 2016. Theo đó Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dành 20% trên tổng số vé để bán cho các tập thể đã đăng ký (bán từ ngày 25 đến 30-9), sau đó sẽ đưa tất cả số vé còn lại lên hệ thống bán vé điện tử để bán cho hành khách.
Bắt đầu bán vé tàu Tết Bính Thân 2016 từ 1-10
Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn Trần Minh Đức cho biết: Từ 8 giờ ngày 1-10, ngành đường sắt sẽ tổ chức bán vé cho hành khách cá nhân trên mạng và các điểm bán vé. Hành khách có thể mua vé qua các website www.dsvn.vn, vietnamrailway.vn và vetau.com.vn và các điểm bán vé khác. Hành khách lưu ý khi đặt vé cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác khi mua vé như: Họ và tên, số chứng minh nhân dân (hoặc số giấy tờ tùy thân được pháp luật công nhận), hành khách chỉ được coi là có vé tàu hợp lệ để đi tàu khi thông tin trên thẻ trùng khớp với thông tin trên giấy tờ tùy thân (hành khách xuất trình khi soát vé). Mặt khác, mỗi vé lại có một mã (code) riêng để thiết bị kiểm soát “quét” và hệ thống ghi nhận là thanh toán hợp lệ nhằm tránh nạn vé giả.
Hành khách đặt vé qua mạng, sau khi thanh toán bằng internet banking hoặc thẻ tín dụng thành công, sẽ tự in “Thẻ lên tàu” tại nhà; phương thức tương tự như đặt vé máy bay qua mạng. Hành khách đặt chỗ, thanh toán tại các điểm giao dịch của bưu điện, ngân hàng sẽ được in luôn thẻ lên tàu mà không phải ra ga in vé. Ngoài ra, tại Ga Sài Gòn, sẽ mở 9 cửa vé để phục vụ hành khách và 5 cửa vé ngoài khu vực Ga Sài Gòn. Bên cạnh đó, hành khách có thể nhắn tin SMS đặt chỗ với khoảng 1.500 - 2.000 số thứ tự/ngày để tránh chồng chéo giữa hai dạng khách, nghĩa là hành khách đã có mã đặt chỗ, đến ga thanh toán, in vé và hành khách đến ga mua vé trực tiếp. Mỗi hành khách được đặt 4 vé cho chiều đi.
Liệu năm nay có tái diễn tình trạng quá tải, sập mạng? Nạn vé chợ đen có còn không? Ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, khẳng định: Chắn chắn là không sập mạng, tuy nhiên, việc đặt vé có thể có thời điểm hành khách sẽ không đặt được, vì cùng một lúc có quá nhiều người vào chọn mua cùng một ghế. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc quy định chặt chẽ hành khách cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác khi mua vé và xuất trình giấy tờ tùy thân khi soát vé, không chỉ là cơ sở chứng minh hành khách là chủ sở hữu vé tàu, mà còn ngăn chặn, giảm thiểu được nạn đầu cơ vé, “cò” vé. Hành khách chỉ được coi là có vé tàu hợp lệ để lên tàu khi thông tin trên thẻ trùng khớp với thông tin trên giấy tờ tùy thân (hành khách xuất trình khi soát vé). Để hạn chế tối đa vé giả, mỗi vé lại có một mã (code) riêng để thiết bị kiểm soát “quét”, (mỗi vé chỉ được hệ thống cung cấp một mã), nên nếu hành khách mua vé từ cò mà không đúng thông tin hành khách đã cung cấp khi đặt chỗ, mua vé qua mạng, vé đó không hợp lệ. Do vậy, nếu mua vé chợ đen mà gặp phải vé giả sẽ rơi vào tình trạng mất tiền mà không đi được. Ngoài ra, không bán vé bổ sung nối chặng cho hành khách, nhằm tránh hiện tượng hành khách lợi dụng mua vé đi tàu chặng ngắn để lên tàu đi chặng đường dài, nếu phát hiện hành khách có vé không hợp lệ, sẽ kiên quyết mời hành khách đó xuống tàu”- ông Đinh Văn Sang cho biết thêm.
Trong đợt cao điểm phục vụ tết, mỗi ngày có khoảng 15.000 chỗ/ ngày, khoảng 135.000 vé trong 9 ngày kể từ ngày 20 đến ngày 29 âm lịch; 14,5 đôi tàu/ngày, trong đó, khoảng 11,5 đôi tàu chạy suốt Sài Gòn - Hà Nội. Ngoài ra, các mác tàu khu đoạn tuyến Thống Nhất, các tàu địa phương, tùy theo nhu cầu thực tế của hành khách sẽ tổ chức tăng tàu, nối toa xe. Phí đổi vé 10.000 đồng/vé, trả vé khấu trừ từ 5-20%.
QUỐC HÙNG