Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn:

Đổi mới và đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

Phần 2 (Tiếp theo phần 1 số ra ngày 2-10-2012)
Đổi mới và đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

Phần 2 (Tiếp theo phần 1 số ra ngày 2-10-2012)

Thạc sĩ Trần Ngọc Trình – Hiệu trưởng Trường TC KT&NV Nam Sài Gòn

Thạc sĩ Trần Ngọc Trình – Hiệu trưởng Trường TC KT&NV Nam Sài Gòn

Bước sang năm học mới 2012-2013 với nhiều khó khăn và thử thách do có nhiều biến động của nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng và triển khai chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Trước những đòi hỏi rất cấp bách để đổi mới việc dạy và học, rất cần những nhà quản lý giáo dục vạch ra những chiến lược cụ thể để góp phần đưa nền giáo dục nước nhà ngày một phát triển và đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội. Chuyên trang “Giáo dục-đào tạo & Hướng nghiệp” Báo Sài Gòn Giải Phóng xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của  Thạc sĩ Trần Ngọc Trình – Hiệu trưởng Trường trung cấp KT&NV Nam Sài Gòn (ảnh bên) về vấn đề trên.

Để thực hiện triết lý giáo dục (TLGD), nhà trường phải thay đổi cơ bản mọi hoạt động liên quan đến quá trình GD, từ thay đổi mục tiêu, nội dung, chương trình đến phương pháp và tổ chức quá trình GD.

Ở góc độ trường trung cấp chuyên nghiệp, nhà trường đã thực hiện một số biện pháp quản lý đổi mới như sau:

°Về thay đổi mục tiêu, nội dung, chương trình: Phòng Nghiên cứu – Phát triển của trường đã và đang kết hợp với Trung tâm Dự báo và cung ứng nguồn nhân lực của TPHCM để khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các tổ chức sử dụng lao động. Đồng thời trường đã thành lập Hội Cựu học sinh, Ban Đại diện Cha mẹ học sinh để thăm dò nhu cầu học tập và bồi dưỡng của người học hiện nay. Qua đó nhà trường xây dựng các chương trình đào tạo và bồi dưỡng phù hợp. Tiêu biểu là các ngành trung cấp y – dược (điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ trung cấp, hộ sinh…), ngành sư phạm mầm non, ngành cơ điện tử… Đối với các ngành đào tạo hiện hữu, hàng năm, trường tổ chức hội nghị khách hàng (bao gồm đại diện các tổ chức sử dụng lao động do trường đào tạo) nhằm thăm dò nhu cầu sử dụng trình độ kiến thức, kỹ năng, thái độ lao động của người học, người tốt nghiệp hoặc của thực tập sinh, để điều chỉnh, cập nhật bổ sung mục tiêu, nội dung chương trình hiện hữu.

Đối với một số ngành nghề chỉ yêu cầu đào tạo ngắn hạn, trường xây dựng hệ thống các module hoặc học phần ngắn hạn từ các chương trình đào tạo dài hạn. Như vậy, tạo cơ hội cho người học có thể học tập theo yêu cầu, đồng thời cũng có thể tích lũy các chứng chỉ ngắn hạn để có thể thi lấy bằng tốt nghiệp hệ dài hạn (ví dụ như chương trình đào tạo ngành kỹ thuật may, ngành thẩm mỹ sắc đẹp…). Hiện nay, trường có 30 ngành đào tạo TCCN, 8 ngành đào tạo trung cấp nghề (TCN) và trên 70 ngành đào tạo sơ cấp nghề (SCN) và bồi dưỡng nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu học tập của người học và nhu cầu sử dụng lao động của XH.

° Về tuyển sinh: Trường đã thực hiện chỉ đạo của Bộ GD theo hướng từ tuyển sinh mỗi năm một đợt sang tuyển sinh cả năm theo định kỳ mỗi năm 3 đợt (tháng 3, 6, 9) với hình thức xét tuyển cho thí sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và tốt nghiệp trung học phổ thông.

° Về tổ chức quá trình đào tạo: Trường tiến hành theo phương thức đào tạo khá linh hoạt đối với quá trình học tập của người học. Cụ thể người học có thể bảo lưu, chuyển điểm đối với các môn đã học của ngành này sang ngành học khác (tương đương số lượng tiết học) theo yêu cầu. Trường đã nghiên cứu so sánh chương trình đào tạo các môn văn hóa hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) với các môn văn hóa tương đồng của hình thức bổ túc văn hóa (vì trường có cả chức năng đào tạo bổ túc trung học - BTTH). Các môn văn hóa hệ TCCN trùng lắp với các môn văn hóa thuộc hệ BTTH trường chủ động dạy bổ sung thêm số tiết chênh lệch.

Qua đó, trường đã tạo điều kiện cho người học hệ TCCN có thể dự thi tốt nghiệp THPT hệ BT. Đây cũng xuất phát từ  nhu cầu thực tế tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề tìm việc làm khi người học TCCN tốt nghiệp. Đối với trường hợp người học đã dự thi tốt nghiệp THPT nhưng không đạt, trường vẫn tổ chức đào tạo TCCN theo chỉ đạo của Bộ GD theo hình thức học bổ sung kiến thức các môn văn hóa không đạt ngay từ khi nhập học trong thời gian một học kỳ. Do vậy người học sẽ được đào tạo trong 2,5 năm (thay vì 2 năm). Ngoài ra, hình thức học theo hình thức tích lũy học phần (như phần trên đã nêu) và đào tạo theo nhu cầu người học, theo đơn đặt hàng của đơn vị sử dụng lao động cũng đã mềm hóa quá trình đào tạo mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra.

Ngoài ra, nhằm tạo cơ hội cho người học cập nhật và nâng cấp trình độ chuyên môn, trường đã và đang liên kết với các trường Đại học để tổ chức các lớp liên thông từ TCCN lên Đại học với hình thức hệ vừa làm vừa học, hệ đào tạo từ xa…

Theo yêu cầu của chính quyền địa phương và tổ chức quốc tế (Tầm nhìn thế giới – World Vision, Trẻ em cơ nhỡ, đào tạo nghề nông thôn…) trường đã và đang tổ chức các lớp nghề ngắn hạn, dài hạn phục vụ các đối tượng đa dạng này (nghề may, cắt tóc, điện dân dụng, sửa chữa xe gắn máy, nấu ăn nhà hàng, phục vụ buồng, trang điểm…).

Tóm lại, với TLGD cho mọi người, nhà trường đã và đang vận dụng đúng hướng qua việc phát triển nhiều hình thức, nhiều loại hình, nhiều mục tiêu, nhiều chương trình, nhiều chuẩn, mềm dẻo linh hoạt, đa dạng và liên thông để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi cương vị công tác, mọi hoàn cảnh khác nhau đều có thể học, học cái mà họ cần, học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào mà họ có thể và điều quan trọng là có thể áp dụng việc học để kiếm sống và lao động ở một XH đang biến đổi nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dưới tác động của khoa học công nghệ, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và kinh tế tri thức.

Về đổi mới mô hình hoạt động của nhà trường

Để có thể thực hiện mục tiêu và TLGD mới cũng như để có đủ nội lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, một xu thế quan trọng trong quản lý nhà trường là thay đổi mô hình hoạt động của nhà trường theo định hướng:

- Phát triển nhà trường thành tổ chức biết học hỏi.

- Xây dựng nhà trường thành một cộng đồng tự quản.

- Tin học hóa nhà trường.

Với 3 định hướng trên, trường đã và đang thực hiện và đạt một số kết quả cũng như còn một số mặt hạn chế như sau:

Về phát triển nhà trường thành tổ chức biết học hỏi, tuy không khẳng định theo hướng 4 H (học, hỏi, hiểu, hành) nhưng trường đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành viên trong công việc, học tập và rèn luyện. Cụ thể như sau:

+ Đối với công việc: Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ từng bộ phận, xây dựng qui chế phối hợp công tác, qui trình xử lý công việc và xây dựng các biểu mẫu mô hình đảm bảo chất lượng theo hướng ISO.

+ Đối với học tập chuyên môn, nghiệp vụ: Căn cứ vào nhu cầu học tập của CB, GV, NV, trường lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm (ngắn hạn và dài hạn). Qua đó đã nâng cấp trình độ của đội ngũ dang học và đạt trình độ sau đại học trên 40% cán bộ, giáo viên, trình độ tin học A đạt 82%, ngoại ngữ A đạt 66%, trình độ sư phạm đạt 100%. Ngoài ra, trường chủ động tổ chức Câu lạc bộ Sau đại học nhằm phổ biến các thông tin khoa học giáo dục, các thành tựu khoa học trong và ngoài nước, các kinh nghiệm nghiên cứu và học tập sau đại học, các chuyên đề và đánh giá chất lượng, mô hình chất lượng đào tạo…

+ Đối với rèn luyện phẩm chất, đạo đức: Triển khai sâu rộng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” qua sinh hoạt về những mẫu chuyện về cuộc đời Bác Hồ (định kỳ hàng tháng), đã xây dựng cụ thể hóa các tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất đạo đức của CB, GV, NV, bình xét thi đua hàng tháng và bình chọn các gương điển hình để biểu dương, khen thưởng trước hội đồng nhà trường. Tổ chức bồi dưỡng nhận thức và trình độ chính trị cho CB, GV qua hoạt động của tổ trung kiên với các chuyên đề gắn với thời sự, các sự kiện trong và ngoài nước, vấn đề dân chủ hóa trong nhà trường, GD trong cơ chế thị trường… đồng thời tiếp thu những vấn đề cần phải định hướng giải quyết trong nội bộ trường…

Bên cạnh các hoạt động thường xuyên trên, trường còn tổ chức bồi dưỡng kỹ năng sống cho đội ngũ CB, GV, NV vào các dịp hè với định hướng rèn luyện và truyền tải kiến thức và kỹ năng sống không chỉ cho chính bản thân mà còn phục vụ quá trình đào tạo phẩm chất đạo đức và thái độ cho người học.

Để thực hiện các nội dung trên, trường cũng đã triển khai chiến lược (đề án) phát triển trường từ năm 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, sử dụng ICT trong công tác quản lý điều hành, trao đổi thông tin và phục vụ học tập cho CB, GV và HS, thực hiện 3 công khai (học phí, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra), ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học (xây dựng và thống nhất giáo trình điện tử, phát triển thư viện điện tử như “trái tim của nhà trường”, triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng (phiên bản 1) và đang xây dựng các tiêu chuẩn văn hóa tổ chức làm nền tảng cho việc xây dựng mô hình quản lý chất lượng toàn diện hoạt động đào tạo của nhà trường.

Tóm lại, trong bối cảnh mới và trước yêu cầu mới, Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn đã có nhiều nỗ lực tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu xã hội, có chiến lược tập trung đầu tư căn bản và toàn diện GD nghề nghiệp đúng hướng, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu nhà trường. Đây chính là điều tâm đắc nhất của đội ngũ cán bộ quản lý trong quá trình lèo lái sự nghiệp của một trường TCCN đi đúng hướng trong thời gian hơn một thập niên. Tuy nhiên, đổi mới cơ chế quản lý nhà trường không thể nóng vội nhưng cũng không thể trì trệ; Khó khăn, lâu dài và gian khổ vẫn còn trước mắt.

Điều này đòi hỏi của đội ngũ làm công tác GD cần có quyết tâm cao và có phương pháp đúng đắn theo định hướng của Chiến lược phát triển GD 2011 – 2020. Có vậy, nhà trường mới thật sự phát triển bền vững trong cơ chế thị trường và trong tiến trình hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020

2. Nguyễn Minh Đường – Phan Văn Kha (2006) Đào tạo nhân lực đáp ứng yên cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong cơ chế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước, Đề tài KX-05-10, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội.

3. Nguyễn Minh Đường (2004), Triết lý giáo dục của một xã hội học tập. Thông tin khoa học GD số 112.

4. Nguyễn Minh Đường (2012), Bài giảng Quản lý chất lượng cơ sở giáo dục, Tài liệu bồi dưỡng NCS

5. Vũ Ngọc Hải (2005), Giáo dục Việt Nam và những tác động của WTO. Tạp chí KHGD số 2 năm 2005.

>> Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn: Đổi mới và đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
                              

Tin cùng chuyên mục