Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang đổi thay

(Phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Quốc hội Nhật Bản, Tô-ky-ô, ngày 18-3-2014)

Kôn-ni-chi-oa (chào bằng tiếng Nhật)
Thưa Ngài Ma-sa-a-ki I-a-ma-da-ki, Chủ tịch Thượng nghị viện,
Thưa Ngài Bưn-mây I-bư-ki, Chủ tịch Hạ nghị viện,
Thưa Ngài Sin-dô A-bê, Thủ tướng Nhật Bản,
Thưa các vị Bộ trưởng,
Thưa quý vị đại biểu lưỡng viện,

Hôm nay, tôi rất vinh dự được phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản - cơ quan lập pháp có lịch sử lâu đời nhất ở Châu Á và đóng vai trò rất quan trọng trong suốt 125 năm lịch sử của đất nước Mặt trời mọc. Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi tới quý vị và nhân dân Nhật Bản những tình cảm hữu nghị và lời chúc tốt đẹp nhất.  

Trở lại Nhật Bản vào dịp mùa hoa anh đào chuẩn bị nở rộ, tôi rất vui mừng trước sự hồi sinh mạnh mẽ của Nhật Bản 3 năm sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011. Trong chuyến thăm tháng 6-2011, tôi đã cảm nhận rõ ý chí quật cường và quyết tâm xây dựng lại quê hương của mỗi người dân Nhật Bản mà tôi đã gặp. Bản lĩnh, tính kỷ luật và tinh thần tương trợ lẫn nhau của nhân dân Nhật Bản đã khiến cả thế giới cảm phục. Khi nhắc đến Nhật Bản, mỗi người dân Việt Nam chúng tôi đều hình dung ngay đến một dân tộc luôn đứng dậy mạnh mẽ sau mỗi thử thách nghiệt ngã, luôn kiên cường vượt qua mọi khó khăn đi lên phía trước. Khi các bạn đối mặt với thảm họa động đất sóng thần, nhân dân Việt Nam chúng tôi đã luôn sát cánh bên các bạn và coi những mất mát của người dân Nhật Bản như mất mát của chính bản thân mình. 

Năm 2013, chúng ta đã long trọng kỷ niệm 40 Năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Nhưng, mối liên hệ lịch sử giữa hai dân tộc chúng ta không phải chỉ mới có 40 năm mà còn lâu hơn thế nhiều. Ngay từ thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết từ miền Trung Việt Nam đã sang Nhật Bản truyền đạo và dạy nhạc Lâm Ấp, được người dân địa phương thờ tại Chùa Đại An thành phố Na-ra. Hơn 400 năm trước, các thương nhân Nhật Bản đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng khu phố Nhật Bản ở Hội An và đến giao thương tại Phố Hiến. Đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Hoàng đã gửi tới tướng quân Tô-ku-ga-oa I-ê-ya-su (Mạc phủ Tokugawa Ieyasu) nhiều văn thư bày tỏ mong muốn giao thương. Thành công của cuộc Duy tân Minh Trị tại Nhật Bản cuối thế kỷ 19 đã là nguồn cảm hứng cho phong trào Đông Du của một số chí sỹ yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20, trong đó tình bạn chân thành giữa Phan Bội Châu và Sa-ki-ta-rô A-sa-ba là một biểu tượng đẹp.

Dẫu không cận kề về địa lý, nhưng sự tương đồng về văn hóa và những liên hệ lịch sử là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc, là nền tảng vững bền cho sự phát triển của quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Thưa quý vị, 

Thế giới và khu vực của chúng ta đang chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc. Toàn cầu hóa và xu thế liên kết kinh tế đa tầng nấc đang mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn cho Châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm quyền lực mới của thế giới trong thế kỷ 21. Sau khủng hoảng toàn cầu 2008-2009, khu vực chúng ta vẫn tiếp tục là động lực của phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy cả trên thế giới cũng như ở khu vực, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trên nền tảng tri thức và công nghệ cao đang trở thành xu thế lớn. Do vậy, “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi” là sự lựa chọn tất yếu của mọi quốc gia, dân tộc. Nhật Bản và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đó cũng là những suy nghĩ mà tôi muốn chia sẻ với quý vị hôm nay.

Chúng tôi rất quan tâm theo dõi những cải cách quan trọng của Chính phủ Nhật Bản và vui mừng nhận thấy chính sách Abenomics của Thủ tướng Sin-dô A-bê đã mang lại những thành công đáng khích lệ, góp phần giúp Nhật Bản hồi phục mạnh mẽ sau tác động của động đất sóng thần. Những quyết sách quan trọng này không chỉ thể hiện khả năng thích ứng và đổi mới vốn đã trở thành truyền thống  đặc trưng rất đáng quý của đất nước và nhân dân các bạn, mà còn khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản. Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự phục hồi của Nhật Bản gắn liền với sự thịnh vượng chung của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam chúng tôi hết sức hoan nghênh và tiếp tục đặt niềm tin vào thành công của Nhật Bản. Thành công của các bạn cũng là nguồn kinh nghiệm quý báu để Việt Nam tham khảo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của mình. 
 
Thưa quý vị,

Công cuộc Đổi mới toàn diện trong gần 30 năm qua đã đưa Việt Nam từ một nước thu nhập rất thấp, trở thành một nền kinh tế đang phát triển năng động và là điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư. 
 
 Để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ, tăng cường cải cách nền hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới lập pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đi đôi với việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, ưu đãi khuyến khích đầu tư. Trong năm 2013 vừa qua, mặc dù tiếp tục chịu tác động của những khó khăn kinh tế thế giới, song Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,42%, đồng thời ổn định được kinh tế vĩ mô và đang có triển vọng tăng trưởng dần cao hơn trong những năm kế tiếp.  

Thưa quý vị,

Quan hệ giữa hai nước chúng ta đã không ngừng đổi mới và phát triển toàn diện trong suốt 40 năm qua. Việt Nam và Nhật Bản đã xác lập khuôn khổ “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009. Thành quả của mối quan hệ đó không chỉ mang lại những lợi ích to lớn, thiết thực cho nhân dân hai nước, mà còn khẳng định một chân lý rằng, tinh thần khoan dung, đối thoại thay cho đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi là sự lựa chọn tốt nhất đối với các quốc gia, dân tộc.

Nhật Bản đã trở thành đối tác hàng đầu và quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Với những lợi thế so sánh quan trọng như vị trí địa - chiến lược thuận lợi, chính trị - xã hội ổn định, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số “vàng” và giá nhân công hợp lý, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng, lâu dài của các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Honda, Toyota, Sony, Hitachi và nhiều công ty Nhật Bản khác đã trở nên quen thuộc, gắn chặt với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam. 

Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) quý báu của Nhật Bản đã được Việt Nam sử dụng rất hiệu quả. Nhiều công trình quan trọng, phục vụ thiết thực đời sống của người dân Việt Nam như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, nhà máy, các cảng biển và hàng không… đã trở thành biểu tượng đẹp của sự hợp tác, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước chúng ta. Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản về tấm lòng và cử chỉ hào hiệp ngay cả trong những lúc Nhật Bản phải khắc phục hậu quả của động đất sóng thần vẫn duy trì và gia tăng viện trợ ODA cho Việt Nam.

Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, chúng tôi mong đợi sự hợp tác hiệu quả và trợ giúp tích cực của Nhật Bản qua việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ODA và lựa chọn Việt Nam như một điểm đến ưu tiên trong làn sóng đầu tư mới, nhất là đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ sau thu hoạch đối với những sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút đầu tư mới của Nhật Bản. Việc Nhật Bản là nước đầu tiên trong nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu (G-7) công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường là sự ghi nhận cụ thể kết quả rất đáng khích lệ của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Chúng tôi mong rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành, giúp Việt Nam vững bước tiến lên, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Con số trên 600.000 lượt khách Nhật Bản đến Việt Nam và gần 80.000 lượt khách Việt Nam đến Nhật Bản hàng năm cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của giao lưu nhân dân, của hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, chứng tỏ bên cạnh quan hệ Nhà nước, giao lưu nhân dân và doanh nghiệp là nhân tố quan trọng tạo nên sức sống mạnh mẽ, nền tảng cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta. Hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo là điểm sáng trong hợp tác hai nước. Sự trợ giúp của Nhật Bản trong việc xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, phóng vệ tinh nghiên cứu khoa học… đã tạo tiền đề quan trọng để chúng tôi tiến gần hơn nữa tới nền kinh tế tri thức. Việt Nam luôn coi nâng cao chất lượng giáo dục là quốc sách hàng đầu và đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Nhật Bản cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi cho rằng các dự án chương trình hợp tác phát triển các trường đại học xuất sắc  và nâng cấp một số trường đại học trọng điểm và trường dạy nghề của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế là bước đi cơ bản, chiến lược và còn rất nhiều tiềm năng và dư địa cho  lĩnh vực hợp tác này. Tôi đánh giá cao nỗ lực của các đối tác hai bên trong việc hiện thực hóa sáng kiến xây dựng Đại học Việt-Nhật.

Hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất hai nước trong nhiều năm qua góp phần củng cố và tạo dựng những nền tảng pháp lý quan trọng để quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đi đúng hướng và không ngừng phát triển. Những phát triển quan trọng trong quan hệ hai nước đều mang dấu ấn và được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội hai nước, trong đó có đóng góp to lớn của Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt. Quan hệ tốt đẹp giữa hai Quốc hội luôn được vun đắp như chính những đóa sen Việt Nam, và sen Oga Nhật Bản mà các nghị sĩ hai nước đã trân trọng gửi tặng cho nhau.

Thưa quý vị,

Thế giới chúng ta đang đứng trước các thách thức phức tạp, đa chiều, ngày càng gay gắt, từ các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, an ninh hạt nhân, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia cho tới những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh nguồn nước… Để vượt qua những  thách thức trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau ngày càng cao, cần đổi mới tư duy và cách nhìn nhận đánh giá môi trường chiến lược cũng như phương thức hợp tác và quan hệ giữa các nước. Việt Nam tin rằng, các mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế của mỗi quốc gia chỉ đạt được khi mỗi quốc gia gắn vận mệnh của mình với vận mệnh chung của khu vực và thế giới.

Trên tinh thần đó, đối với những vấn đề tranh chấp trên biển, Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng độc lập, chủ quyền và  lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. 

Bên cạnh thúc đẩy hợp tác song phương, hai nước chúng ta còn hợp tác tích cực trên nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình dương (APEC), Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+),... Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có vai trò và vị thế xứng đáng trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam đánh giá cao những sáng kiến quan trọng của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác chung duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có sáng kiến về Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF).

Việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - ASEAN có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng vào năm 2015 và phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản cùng hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định và phồn vinh.

Thưa quý vị,

Trong một thế giới không ngừng vận động, cả Việt Nam và Nhật Bản đã và đang không ngừng đổi mới về đối nội và đối ngoại để thích ứng với môi trường chiến lược mới. Tôi cho rằng sự tin cậy về chính trị, sự tương đồng và gắn kết về văn hóa giữa hai dân tộc cũng như những thành quả đầy ấn tượng của hợp tác bền bỉ trong suốt 40 năm qua là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ để đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, hướng tới tương lai tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Nhân dân Việt Nam chúng tôi có một niềm tin sâu sắc rằng quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ ngày càng được củng cố, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Điều này sẽ không chỉ phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, mà còn là đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tôi tin tưởng rằng trong cuộc hội đàm chiều nay giữa tôi và Ngài Thủ tướng Sin-dô A-bê, chúng tôi sẽ thống nhất được về những định hướng lớn và biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới, thiết thực phục vụ sự phát triển của mỗi nước cũng như thắt chặt, làm sâu sắc, bền vững hơn nữa mối quan hệ gắn kết giữa hai dân tộc chúng ta.

Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội Nhật Bản đã luôn dành mối quan tâm sâu sắc và ủng hộ Việt Nam và xin trân trọng kêu gọi quý vị nghị sĩ tiếp tục tích cực ủng hộ các biện pháp triển khai quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác ở tầm cao mới.

Xin chúc nhân dân và đất nước Nhật Bản phồn vinh, hạnh phúc. Chúc tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng như giữa Quốc hội hai nước không ngừng củng cố và phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn các quý vị!

A-ri-ga-tô Gô-da-i-ma-si-ta (cảm ơn bằng tiếng Nhật) !

Tin cùng chuyên mục