Môi trường quốc tế năm 2014 thực sự biến động với việc xuất hiện nhiều điểm nóng ở các châu lục. Việt Nam cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng chung. Dù vậy, với chính sách đa phương, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước, ngành ngoại giao Việt Nam trong năm qua đã có các bước đi mềm dẻo nhưng cũng rất tự tin, quyết đoán.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN+3 tại thủ đô Nay Pyi Taw, CHLB Myanmar.
Nét nổi bật nhất của ngoại giao Việt Nam trong năm qua có lẽ là cách đối phó với hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
|
Tại Myanmar, tháng 5-2014, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, ASEAN ra một tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông. Mối đe dọa tại vùng đặc quyền kinh tế của VN đã trở thành mối quan ngại chung của toàn khu vực. Năm 2014, thông điệp chủ quyền của Việt Nam về biển Đông đã được phát đi khắp các châu lục, thông qua các chuyến công du của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, qua các kênh đối thoại cũng như các hoạt động giao lưu nhân dân. Không chỉ song phương, những diễn đàn thể chế đa phương cũng trở thành nơi để Việt Nam đảm bảo lợi ích an ninh, phát triển. Các bước đi linh hoạt, vừa kiềm chế vừa kiên nhẫn đấu tranh của Việt Nam đã đem lại những kết quả cụ thể.
Trong bối cảnh đó, ngoài việc nâng cao nội lực về kinh tế, quốc phòng, xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận trong cũng như ngoài nước, giới chuyên gia nhận định Việt Nam đã tận dụng các diễn biến địa chính trị khu vực để nâng cao vị thế chiến lược của mình.
Mối quan hệ Việt - Mỹ trong năm 2014 được đánh giá là tiến triển khá nhanh và tốt. Có thể kể như Hiệp định 123 về hợp tác Mỹ - Việt trong chương trình hạt nhân dân sự cho Việt Nam, việc Mỹ bãi bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương, các chuyến viếng thăm liên tiếp của các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự của hai bên, kể cả chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey.
Một chi tiết khác đáng lưu ý là việc Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức một bữa tiệc chia tay Đại sứ Việt Nam Nguyễn Quốc Cường kết thúc nhiệm kỳ tại Blair House, nhà khách của Tổng thống Mỹ. Đây là vinh dự hiếm có dành cho một đại sứ, đồng thời chứng tỏ sự đánh giá cao của Chính phủ Mỹ đối với quan hệ hai nước.
Với các nước châu Á, Việt Nam là một bên quan trọng trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi. Trong chuyến viếng thăm thứ ba đến Ấn Độ trong vòng bảy năm qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thắt chặt liên minh ngày càng phát triển giữa hai nước bằng việc ký kết các thỏa thuận mới về quốc phòng và năng lượng. Chuyến thăm của Tổng thống Mukherjee tới Việt Nam từ ngày 14 đến 17-9 mang tầm quan trọng chiến lược, đồng thời thể hiện những sáng kiến liên tục của Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn - Việt. Hai nước đã ký kết 7 thỏa thuận quan trọng, trong đó có các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ, an ninh - quốc phòng, thương mại, dịch vụ đường không. Việc kết nối đường bay thẳng trực tiếp giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ tạo điều kiện để mở rộng du lịch và thương mại giữa hai nước.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Dinh Pashtrapati Bhavan, thủ đô New Delhi, sáng 28-10-2014.
Ngoài Ấn Độ còn có Nhật Bản, quốc gia đang ngày càng xem trọng mối quan hệ song phương với Việt Nam. Các chuyến thăm cấp cao hai bên tăng đều trong thời gian qua. Trong tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á, Hội nhập kinh tế ASEAN 2015 hứa hẹn những cơ hội hấp dẫn về thương mại và đầu tư cho Nhật Bản. Việt Nam không chỉ là cầu nối giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á, mà với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động dồi dào và giá nhân công tương đối rẻ, cùng với việc Nhật Bản có tiềm lực lớn về vốn và công nghệ là những yếu tố hai bên có thể bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Không chỉ đạt được những thành quả đáng khích lệ về chính trị, ngoại giao kinh tế của Việt Nam trong năm 2014 cũng được tích cực triển khai. Bên cạnh tiếp tục đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus hay với Hàn Quốc đã được hoàn tất với thời gian kỷ lục. Ngoài ra, 12 nước đã công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam, số lượng cao nhất trong 5 năm qua.
LÊ VÂN