Đời ngọt trên đất mặn

Đứng chân bên con nước dập dềnh ở bến đò Năm Căn (Cà Mau), anh bạn đi cùng hỏi: Rẽ phải hay rẽ trái? Rẽ phải đến đâu? Đất Mũi. Còn rẽ trái? Tới Nông trường 414 (Cục Hậu cần, Quân khu 9). Có gì hay không? Đó là nông trường ở cực Nam Tổ quốc. Nghe vậy đã đáng đến rồi.
Đời ngọt trên đất mặn

Đứng chân bên con nước dập dềnh ở bến đò Năm Căn (Cà Mau), anh bạn đi cùng hỏi: Rẽ phải hay rẽ trái? Rẽ phải đến đâu? Đất Mũi. Còn rẽ trái? Tới Nông trường 414 (Cục Hậu cần, Quân khu 9). Có gì hay không? Đó là nông trường ở cực Nam Tổ quốc. Nghe vậy đã đáng đến rồi.

Nhớ thời mở đất

Từ bến đò Năm Căn, chiếc ca nô 85 mã lực lướt như bay trên mặt sông, như siêu xe Ferrari trên đường đua công thức 1, chốc lát đã đưa chúng tôi tới Nông trường 414. Hơn 30 năm trước, nơi đây được xem là chốn khỉ ho cò gáy của Cà Mau, muốn xin chút lửa, xị rượu, người dân phải chèo xuồng cả giờ, nhưng bây giờ, đời sống của người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày.

Thành lập năm 1982, đứng chân trên địa bàn 2 xã Tân An Tây và Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), Nông trường 414 có diện tích hơn 2.000ha, trong đó gần 1.000ha rừng đước ngập mặn nằm trong vùng bán đảo Cà Mau.

Vợ chồng chú Tám (giữa) cùng lãnh đạo Nông trường 414 bàn kế hoạch nuôi trồng thủy sản.

Vợ chồng chú Tám (giữa) cùng lãnh đạo Nông trường 414 bàn kế hoạch nuôi trồng thủy sản.

Những ngày đầu mở đất thật sự gian truân, vất vả đối với cán bộ, chiến sĩ Nông trường 414. Trăn, rắn, heo rừng, ong vò vẽ, bò cạp… thấy sự xuất hiện của con người, cũng trở nên hung dữ hơn. Chuyện xưa kể rằng, có lần giám đốc Năm Nhường cùng người dân nằm nghỉ trưa, một con rắn hổ chúa nặng gần 20kg, dài tới 4m, bò qua thân mọi người. Ai nấy mặt cắt không còn giọt máu. Hổ chúa đủng đỉnh bò qua, quay đầu lại “khè khè” như muốn ra “thông cáo báo chí”: Đất có thổ công, sông có hà bá. Nhưng đã vô đến nơi tận cùng này lập nghiệp, ai cũng xác định một xanh cỏ, hai đỏ ngực. Sự cố gắng cải tạo thiên nhiên, nỗ lực vượt khó trong lao động sản xuất là quyết tâm có thừa nơi người lính nhưng vẫn có những giai đoạn làm ăn thua lỗ. Bù lại, bộ đội, người dân ở nông trường dần thu được kinh nghiệm từ thực tế, hiểu thiên nhiên, con vật ở vùng đất này hơn. Đến nay, việc sản xuất, nuôi trồng ở Nông trường 414 đã đi vào ổn định, lợi nhuận mang về hàng năm từ rừng đước và các diện tích nuôi tôm, cua, cá đều vượt chỉ tiêu quân khu giao.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu chuyện mưu sinh ở nông trường, trên dòng kênh 9, trung úy Trần Văn Hiến, Phó Giám đốc Nông trường 414, vào thẳng vấn đề: “Trăm nghe không bằng một thấy. Mời các anh đến gặp dân, nghe họ kể chuyện làm ăn sinh sống ở nông trường”. Chiếc ca nô vun vút lao đi giữa rừng ngập mặn rồi dừng lại ở một con kênh nhỏ, Phó Giám đốc Trần Văn Hiến gọi to: “Chú Tám ơi, có khách này”. “Mời các anh vào nhà uống nước”, chú Tám phấn khởi, lật đật chạy từ trên nhà xuống bãi đất đón khách.

Qua vài tuần trà, chúng tôi được biết chú Tám, tên thật Nguyễn Văn Lợi cùng vợ Đỗ Thị Đầy, từ huyện Đầm Dơi (Cà Mau) vào Nông trường 414 lập nghiệp từ năm 1990. Nhớ lại ngày đầu đi mở đất nuôi tôm ở nông trường, cô chú Tám nói như muốn khóc: “Cực, vất vả ghê người, con cái nheo nhóc, khóc như ri lúc đói ăn nhưng các anh lãnh đạo nông trường ngày ấy, nhất là giám đốc Năm Nhường luôn biết cách động viên, cùng người dân trồng rừng, làm vuông nuôi tôm. Sau vài ba năm đầu khó khăn, dần dần gia đình đã ổn định cuộc sống”.

Đất rừng trả ơn

Vợ chồng chú Tám một phần tư thế kỷ trước cho 5 con nhỏ vào thúng gồng gánh, rồi lên xuồng tìm đường đến Nông trường 414 lập nghiệp. Bây giờ, các con của cô chú đều đã trưởng thành. Ba người con đầu đang kinh doanh ở huyện Năm Căn. Con thứ tư đang học Đại học Môi trường TPHCM. Út nữ thì học y sĩ ở thành phố Cần Thơ.

Nghe chuyện vợ chồng chú Tám nuôi tôm, cua, tích lũy trong một phần tư thế kỷ qua, để dành tiền mua đất, xây nhà, chắc nhiều người dân ở thành phố phải khát khao, ao ước. Vợ chú Tám khoe: “Cách đây không lâu, gia đình mua một nền đất trị giá 600 triệu đồng ở thị trấn Năm Căn. Năm 1998, gia đình bỏ ra 300 triệu đồng mua một lô đất to ở thị trấn Năm Căn”. Trời ơi, thời điểm 1998, giá vàng chắc dao động 7 - 8 triệu đồng/lượng. Nhẩm tính, 300 triệu đồng đúng là cả một gia tài ngày đó.

Đưa chúng tôi ra ca nô, chú Tám nói nhỏ: “Nhờ có Nông trường 414 mà con chúng tôi trưởng thành nên người. Các anh không ở lại ăn cơm cùng gia đình thì phải nhận túi ba khía này, trưa về ăn cho vợ chồng tôi vui lòng”.

“Chăm một chút, hên một chút là đổi vận ngay”

Ca nô chạy len lỏi trong các kênh rạch chằng chịt, hai bên ngút ngàn màu xanh của rừng. Đến nhà anh Phan Văn Biên, chủ nhà mời khách một chén rượu làm quen. Bé gái trong nhà anh Biên thấy có khách đến chơi vui lắm, chạy vội vào buồng thay bộ quần áo màu xanh nõn chuối thật nổi bật. Tôi hỏi: “Con anh được bao tuổi rồi?”. Hai vợ chồng anh Biên cười tít mắt nói: “Đâu có, cháu nội, hắn tên Khánh Vân đó, được 6 tuổi. Con trai tôi đang ở Rạch Gốc. Vợ chồng tôi những lúc hết việc cũng buồn, nên đưa cháu ra đây nuôi cho vui cửa vui nhà. Sang năm cháu vào lớp 1 rồi”.

Trong bữa cơm tối, chúng tôi được biết anh Biên trước ở Bến Tre. Năm 1997, gia đình anh quyết định vào Nông trường 414 lập nghiệp, chỉ với mơ ước có cái ăn cái mặc. Nhớ lại những ngày đầu chân lấm tay bùn, đổ bao mồ hôi nước mắt, anh Biên nhìn bà xã đắm đuối, chứa chan tình cảm. Anh Biên nhẩm tính năm qua, sau khi trừ hết chi phí nuôi thủy sản trên diện tích hơn 8ha, thì anh chị để ra được 130 triệu đồng. Anh Biên khẳng định: “Nuôi trồng thủy sản ở đây khá nhàn. Mua con giống, rồi về thả vào vuông. Để tôm, cua lớn tự nhiên, không phải tốn tiền thức ăn. Định kỳ, Nông trường 414 cử kỹ sư xuống kiểm tra chất lượng nước, cũng như tôm, cua nuôi trong vuông. Đến thời điểm thu hoạch thì xổ tôm thôi”.

…Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, khi chiếc ca nô đưa chúng tôi rời Nông trường 414 ra bến đò Năm Căn, chúng tôi có chung suy nghĩ: Khó ngờ giữa bạt ngàn những cánh rừng đước ngập mặn quanh năm, quân và dân ở Nông trường 414 đã cùng nhau làm nên sức sống mãnh liệt cho vùng đất này.

Nông trường 414 có 216 hộ dân hợp đồng nhận khoán rừng kết hợp nuôi tôm. Hết năm, hai bên thanh lý hợp đồng, rồi ký kết lại. Nông trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để bà con an cư lạc nghiệp. Năm 2013, nông trường trích quỹ đơn vị, xây dựng 5 “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa” trị giá 150 triệu đồng. Vận động và ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng quà gia đình chính sách… với tổng số tiền 138 triệu đồng. Khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn được 108 lượt, qua đó tạo được mối đoàn kết quân dân càng thêm gắn bó…”.

MINH MINH

Tin cùng chuyên mục