TPHCM hiện có khoảng trên 250.000 công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN). Vậy sau giờ làm việc, số công nhân này được chăm lo đời sống văn hóa tinh thần như thế nào?
Có gì vui chơi, giải trí?
Đến với người lao động ở KCN Vĩnh Lộc, Tân Tạo hoặc KCX Tân Thuận… chúng ta mới thấu hiểu và chia sẻ về đời sống văn hóa tinh thần của họ hiện rất thiếu thốn. Hầu hết công nhân sau giờ tan ca mạnh ai nấy về nhà hoặc nhà trọ nghỉ ngơi, một số xem tivi, tám chuyện, thậm chí nhậu nhẹt.
Anh Thành làm ở KCN Tân Tạo chia sẻ, sau một ngày làm việc mệt mỏi, hầu hết công nhân đều chỉ muốn ngủ lấy sức, cuối tuần mới đi cà phê gặp gỡ bạn bè hoặc tìm sân chơi thư giãn. Hiện thỉnh thoảng cũng có một số hoạt động văn nghệ, chiếu phim phục vụ công nhân nhưng nhìn chung chưa hấp dẫn.
Đến nay, trong tổng số các KCX-KCN ở TPHCM chỉ có 3 KCX-KCN xây dựng xong trung tâm hoạt động công nhân, đó là: KCX Tân Thuận, Linh Trung 1 và KCN Hiệp Phước. Các trung tâm này được trang bị phòng học, phòng internet, phòng tập đa năng, sân khấu… để phục vụ việc học tập, giải trí của công nhân. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đa phần chỉ diễn ra vào những dịp cuối năm, lễ tết, còn những ngày cuối tuần thỉnh thoảng mới diễn ra một lần.
Theo ông Nguyễn Tùng, Giám đốc Trung tâm hoạt động công nhân của KCX Tân Thuận cho biết, trung tâm không có đủ nhân lực, nguồn kinh phí, cũng như chức năng để có thể tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ công nhân. Cho nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan đoàn thể.
Dịp lễ vừa qua, với sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, tại sân khấu của trung tâm đã diễn ra 2 đêm văn nghệ với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ, phục vụ trên 4.000 lượt công nhân. Gần đây có thêm sân chơi giờ thứ 9 do công đoàn phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức. Còn tủ sách của trung tâm đã chuyển về khu lưu trú, khu nhà trọ để công nhân dễ mượn đọc.
Trong lúc văn hóa tinh thần của công nhân còn khó khăn, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM), trong năm 2012 tổ chức luân phiên 24 đêm văn nghệ phục vụ công nhân vào thứ sáu hàng tuần tại các KCX-KCN.
Bên cạnh đó là chương trình “Bảo tàng lưu động” nhằm tăng cường tuyên truyền giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho công nhân KCX-KCN, góp phần giúp người lao động sống có mục đích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động này so với nhu cầu giải trí của công nhân vẫn chưa đáp ứng được.
Cần sự chung sức...
Trước thực trạng đó, gần đây, một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể của thành phố cũng đã quan tâm xây dựng những sân chơi, chương trình nghệ thuật, chiếu phim lưu động phục vụ công nhân. Tuy nhiên, theo anh Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, sau đợt hoạt động này, chưa biết sẽ tổ chức thêm hoạt động nào khác để phục vụ công nhân. Bởi cái khó nhất hiện nay là rất hiếm doanh nghiệp chịu tài trợ kinh phí để tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ công nhân.
Không ít doanh nghiệp chấp nhận tài trợ thì đòi hỏi tên đơn vị tài trợ phải được xuất hiện cùng với chương trình trên truyền hình hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác… Vì vậy trong tương lai, nếu muốn có nhiều hoạt động phục vụ công nhân, đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng cùng nhau thực hiện của nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có một nghịch lý cần điều chỉnh để phù hợp hơn là ngay từ đầu khi xây dựng các KCX-KCN phải tính đến việc đầu tư những khu giải trí dành cho công nhân. Vì thế đối với 7 KCX-KCN sẽ được hình thành trong nay mai, cần thiết quy hoạch các khu vui chơi, giải trí dành cho công nhân... Bởi việc đầu tư xây dựng các khu sinh hoạt tập thể dành cho công nhân không chỉ thể hiện sự quan tâm đến người lao động mà còn giúp cho họ có điều kiện tốt giải trí, tái tạo sức lao động nhanh chóng và làm việc càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các công nhân cũng cần sự “tiếp sức” nhiều hơn nữa từ những đơn vị nghệ thuật, ca sĩ, nghệ sĩ, nhóm hài của TPHCM để nỗi buồn thiếu thốn văn hóa tinh thần sau giờ làm được chia sẻ.
Vân An