Mùa xuân này, người Mày ở rẻo cao Minh Hóa, người Vân Kiều ở Lệ Thủy, người Ma Coong ở Bố Trạch (Quảng Bình) đang kể cho nhau nghe niềm vui của cây lúa nước, của cuộc sống thoát nghèo, ý chí vươn lên từ rừng xa. Câu chuyện được kể bên bếp lửa cho con cháu nghe rằng, nhiều gia đình dân tộc thoát được nghèo, vươn lên làm giàu, có cây lúa nước bền bỉ từ nhiều năm qua đã đem lại dung mạo đổi thay ở miền biên viễn xa xôi.
Lúa nước trên núi cao người Mày
Đã qua vụ mùa thứ hai dưới chân núi Giăng Màn hùng vĩ ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa huyện Minh Hóa. 72 hộ dân với 323 nhân khẩu người Mày lần đầu tiên tiếp cận với lúa nước, phương thức canh tác mới được đưa lên núi cao bởi bàn tay các chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo với 5ha. Ka Ai khi nhắc đến là cái tên xa thăm thẳm, ngày trước muốn lên đây phải mất cả tuần. Ngày nay, con lộ 12A rộng thênh thang đã nối ngắn chưa đến một ngày. Già làng Hồ Cui cầm tay lắc lắc: “Người Mày chỉ quen cái rừng, cái rẫy. Cái lúa nước không có trong trí khôn dân bản, nó không được kể bên bếp lửa, không được cha ông chỉ dạy, không được người xưa truyền lại. Bộ đội biên phòng đưa lên lạ quá, cứ sợ nó là cây ma, đưa vô hỏng đất, hỏng rừng. Nhưng cách giải thích của cán bộ thật rõ ràng, nó là cây lúa nuôi sống người miền xuôi. Bà con ưng, rồi cán bộ bắt tay chỉ việc. Lên lịch từng ngày, cách ủ giống, rải giống ra ruộng”.
Thiếu tá Ngô Thanh Tuấn, Chính trị viên Đồn biên phòng Cha Lo cho biết: “Vụ mùa đầu vào năm 2013 đạt 4 tấn mỗi héc ta, ngoài sức dự đoán của mọi người. Lúa gặt xong chia cho bà con tại chân ruộng. Cả bản vui mừng mở bữa cơm mới ngay khi được chia lúa”. Già Hồ Cui kể thêm: “Chừ sắp làm vụ mới rồi, đất được chia cho dân bản, bộ đội vẫn hướng dẫn bà con, mọi người tin lắm. Rứa là từ nay dân mình có cây lúa nước, nó mới trong trí khôn nhưng rất tốt cho con em. Mình kể sự tích lúa nước trong chuyện Khan của đồng bào mình bên bếp lửa không dùng từ aray (ngày xưa) nữa mà dùng từ ngày nay, bộ đội biên phòng, đã giúp dân mình như thế để biên viễn đất xưa đổi thay…”. Thật ra, dọc biên viễn Quảng Bình dù chưa hết khó khăn, nhưng những cánh đồng lúa nước ở Rục Làn cho người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa), Lâm Ninh, Trung Sơn (Quảng Ninh), Tân Ly (Lệ Thủy)… đang là cú hích tạo đà rất lớn cho đồng bào phát triển cách thức lao động và phương thức canh tác mới. Và mọi người tin rằng, lúa nước đang dần thay đổi mọi thứ, từ cách thức lao động đến tư duy trồng trọt. Có mùa vụ sẽ có bản làng đổi thay.
Bản làng Ma Coong ngày nay.
Đảng viên gương mẫu từ rừng quê hương
Sâu trong bản Cây Bông, xã Kim Thủy huyện Lệ Thủy là tấm gương của vợ chồng đảng viên người Vân Kiều - Hồ Pàn, Hồ Thị Mó nuôi con nên người, làm ăn khấm khá cho dân bản noi theo. Hồ Pàn từng phát biểu: “Ở đây thì muôn lối đi ngắn dài, nhọc nhằn, chông gai nhưng đều chung con đường lớn. Đồng bào có cơm ăn, áo mặc như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ thật sự”.
Hồ Pàn, trước đây làm Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy, bà Hồ Thị Mó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Bây giờ họ nghỉ hưu, trở thành già làng có uy tín bậc nhất tại bản Cây Bông và xã Kim Thủy. Họ sống giữa chốn nghèo, dân bản cũng nghèo. Để tìm cách vượt đói, xóa nghèo, cả gia đình cật lực lao động, trồng cây, chăm rừng. Siêng năng làm việc, thành quả đưa lại khả quan, cũng từ đó, cả hai vợ chồng đảng viên Hồ Pàn cùng động viên bà con làm theo, giúp đỡ mọi thứ. Thành ra vợ chồng Hồ Pàn là điển hình tiên tiến nhiều năm trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện đến cấp tỉnh. Gầy dựng 10ha rừng, ông kêu dân bản đến học cách chăm bón, mọi người ở bản Cây Bông nghe lời nên nhà ai cũng có vài hécta rừng sản xuất. Cái gạo trong nhà không phải lo. Nay phải tính cách chi để làm giàu.
Vợ chồng đảng viên Hồ Pàn có 8 người con, 6 con ruột, 2 con nuôi. Ông không phân biệt con ruột và con nuôi, đứa nào học lên, vợ chồng Hồ Pàn đều thỏa ước vọng của chúng. “Tài sản lớn nhất của vợ chồng là con cái trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn rồi về phục vụ cho bản làng”, Hồ Pàn mừng rỡ. Nay, đứa lớn Hồ Văn Thảo là bộ đội biên phòng đồn Làng Ho; Hồ Thị Hảo, kế toán UBND xã Vĩnh Khê (Vĩnh Linh, Quảng Trị); Hồ Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non Kim Thủy; Hồ Thị Hiệp, cán bộ trạm y tế xã; Hồ Thị Hằng, giáo viên Trường THCS Lâm Thủy và Hồ Văn Thông, đang theo học Trường Sĩ quan Lục quân II tại Đồng Nai. Hai đứa con nuôi: Hồ Văn Hiếu ở nhà chí thú làm ăn, được Hồ Pàn cắt cho 2 sào ruộng nước, mấy hécta đất rừng, làm nhà, chọn vợ cho; Hồ Thị Hương, học xong trường trung cấp mầm non đi dạy ở địa phương. Hồ Pàn nói: “Thế là giàu, giàu đường con cái. Tài sản gia đình chia cho con cái hết, giữ lại 10ha rừng, 20 con bò, 5 sào lúa nước, mấy cái ao thả cá. Thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Đủ an dưỡng tuổi già, cũng là để dành cho các cháu nội ngoại sau này lớn lên muốn ở lại bản Cây Bông trồng rừng, làm nông thì truyền cho chúng”. Nhắc đến vợ chồng Hồ Pàn, Hồ Bạch ở cùng xã nói: “Đó là đảng viên gương mẫu, đi đầu. Người của đảng tận tụy như thế giúp dân bản biết cách đi đúng đường, làm đúng việc mà đuổi cái đói, xóa dần cái nghèo, vươn dần lên làm giàu”.
Người giàu dưới đèo Phu La Nhích
Đèo Phu La Nhích gần cuối cung đường 20-Quyết Thắng. Vùng đèo ở biên viễn Việt-Lào của xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Nơi đó là người Ma Coong sinh sống. Ngày trước, từng đoàn quân vào Nam đều qua ngã này. Hòa bình, con đường về với miền xuôi họp hành phải mất cả tuần. Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã kể: “Hết chiến tranh, đồng bào ở lại quê cha đất tổ. Khó khăn vô cùng. Nhưng có bộ đội Cụ Hồ cùng ở cắm chốt, mọi việc dần dần sáng ra. Đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, đường ô tô về tận cụm xã, nhà cửa dân bản được hỗ trợ khang trang, cuộc sống ổn hơn xưa tuy phía trước còn nhiều gian nan”. Cả xã có hơn 500ha lúa rẫy, nguồn sống giúp người dân giữ đất, giữ làng, vươn lên làm giàu. Ngày nay người Ma Coong có những phát triển riêng ở vùng đất này. Và điển hình là gia đình Đinh Hợp. Ông làm chủ tịch xã, về xuôi nhiều hơn dân bản. Muốn xã phát triển, tự ông phải làm việc, dân bản nhìn vô mới học theo. 10 năm trước, ông đánh liều mua chiếc máy cày, cả vùng Thượng Trạch ngạc nhiên, ông đưa máy về cày rẫy, trồng ngô, sắn, rồi lúa năng suất. Người của bản thuê ông, gia đình chỉ lấy tiền dầu, còn tiền công mấy vụ đầu ông tặng. Năng suất các loại cây trồng hiệu quả hẳn.
Người Ma Coong bên kia mái đèo Phu La Nhích ở Lào biết tin, thuê ông qua cày rẫy. Mỗi mùa như thế, ông thu về những 2.000 USD tiền công. Đinh Hợp kể: “Đó là nghĩa tình, mình chỉ lấy vừa phải thôi, không lấy nhiều, vì bên đó cũng là anh em mà”. Từ Đinh Hợp mà người Ma Coong các bản A Ki, Cu Tồn, Chăm Pu, Cờ Đỏ… theo gương phát triển đàn gia súc đến 1.527 con trâu bò, 1.038 con heo, 467 con dê, đàn gia cầm 2.958 con. Nhắc đến Đinh Hợp, bà con tự hào rằng ông “sở hữu” nhiều cái nhất: dám nghĩ, dám làm nhất, liều nhất, sở hữu đàn trâu bò nhiều nhất, có diện tích cao su rộng nhất với 7ha. Nhìn gương ông, dân Ma Coong cũng theo bước gầy dựng cao su và nay, dưới chân đèo huyền thoại Phu La Nhích là màu xanh của vàng trắng cao su đầy hy vọng.
MINH PHONG