Trước đây, phường 15 là phường nghèo nhất quận Tân Bình, TPHCM với cơ sở vật chất còn nhiều không: nhà không số; phố không tên; không đường sá, điện, nước, trường học, trạm y tế; tệ nạn xã hội lộng hành. Thế nhưng đến nay phường đã đẩy lùi những nghèo nàn lạc hậu, từng bước xây dựng cuộc sống mới.
- Từ căn cứ cách mạng cũ
Trung tá Bành Văn Xám, đảng viên gần 50 tuổi Đảng, là con nhà cách mạng nòi, có anh trai là Anh hùng LLVTND Bành Văn Trân, Bí thư Chi bộ xã Tân Sơn Nhì (nay là phường 15), người chỉ huy một cánh quân đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân. Mẹ ông là bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có tới 3 người con trai hy sinh năm 1968, cha ông hoạt động cách mạng bị giặc Pháp bắt giam và tra tấn cho tới chết.
Là người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này, ông bồi hồi nhớ lại: “Phường 15 trước đây là một xã nông nghiệp, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Toàn phường chỉ có một chi bộ với vài đảng viên nhưng luôn là địa chỉ đỏ của cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến, nơi đây là căn cứ cách mạng ngay sát nách địch, người dân đào hầm nuôi giấu bộ đội, một lòng theo cách mạng. Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, người dân nổi dậy diệt ác, phá đồn, phá ấp chiến lược, đưa bộ đội ta tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất và các cơ sở đầu não của Mỹ ngụy ngay trung tâm Sài Gòn…”.
Là bộ đội chủ lực từng tham gia cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông Bành Văn Xám bồi hồi nhớ lại: “Tôi là chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 2, Sư đoàn Bộ binh 9 được giao nhiệm vụ chỉ huy cánh quân từ Tây Ninh bí mật tiến về Sài Gòn tấn công sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng đêm 30 Tết. Đơn vị tôi được trang bị vũ khí hiện đại với thủ pháo đánh xe tăng, súng B40, B41 và tên lửa mặt đất H12… Cả đoàn ai cũng bừng bừng khí thế ra trận và tự hào được tham gia chiến dịch lớn giải phóng miền Nam. Riêng tôi lúc đó cứ lâng lâng tự hào khi được trực tiếp cầm súng giải phóng chính quê hương mình. Rồi trận đánh nổ ra, chúng tôi đang chuẩn bị tấn công sân bay Tân Sơn Nhất thì được lệnh quay ra tiêu diệt xe tăng địch khi chúng đang bao vây quân ta. Sau 2 đợt tấn công địch, đơn vị tôi đã tiêu diệt 75 xe tăng và hơn 300 tên lính Mỹ, góp phần phá tan lá chắn thép của địch…”.
Sau đó, ông Bành Văn Xám tiếp tục tham gia nhiều chiến dịch khác, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trở về sau cuộc chiến khốc liệt, Trung tá Bành Văn Xám mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh, hiện ông vẫn đang phải sống chung với hai mảnh đạn găm gần tim, phổi và một mảnh đạn gần sống lưng. Dẫu vậy, ông vẫn là người nông dân mặc áo lính lập thành tích chẳng kém gì chiến công trong kháng chiến. Khi phường thực hiện chủ trương đô thị hóa, ông sẵn sàng hiến hơn 900m² đất trị giá hàng tỷ đồng mà không hề đòi bồi thường, bởi ông tâm niệm: “Trong kháng chiến, ngay cả tính mạng hy sinh cho Tổ quốc còn không tiếc, nay huống gì tiếc một chút đất hiến cho lợi ích chung để góp phần xây dựng cuộc sống mới…”.
- Đến cuộc sống mới hôm nay
Ông Lê Văn Hòa, đảng viên hơn 50 tuổi Đảng, ngụ tại số nhà 55 đường Cống Lở, bộc bạch: “Trước đây, con đường Cống Lở này rất nhỏ hẹp, lầy lội, rộng chưa đầy 3m. Nhờ vận động bà con hiến đất mở đường theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay đã có tuyến đường nhựa rộng 12m. Từ đó mọc lên hai dãy phố khang trang, người dân buôn bán tấp nập…”.
Ông Hòa nhớ lại, để vận động bà con hiến đất mở đường, chi bộ đã phát động phong trào “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Ngay sau đó, trong chi bộ có 10 đảng viên xung phong tham gia hiến đất mở đường, riêng ông Hòa là Phó Bí thư chi bộ đã tự nguyện hiến gần 400m² đất mà không đòi hỏi một đồng tiền bồi thường nào. Thấy đảng viên làm gương, bà con trong vùng nhất nhất làm theo, nhờ thế mà chẳng bao lâu con đường rộng đẹp đã hoàn thành, bây giờ thì nhà đã có số, phố đã có tên đàng hoàng, nhiều điểm đen về tệ nạn xã hội đã bị xóa sổ.
Không chỉ đường Cống Lở “đổi đời” mà nhiều con đường khác như: Nguyễn Phúc Chu, Trần Thánh Tông, Nguyễn Sĩ Sách… đã được xây dựng hoành tráng, kéo theo cuộc sống người dân cũng thay đổi. Toàn phường 15 trước đây có hơn 240 hẻm nhỏ lầy lội, đến nay đã được bê tông hóa hơn 90%, chỉ còn 12 hẻm đang chuẩn bị làm.
Ông Lê Việt Hùng, Chủ tịch UBMTTQ phường 15, báo tin vui: “Đến nay đã xây mới 2 trường tiểu học, 1 trường mầm non và đang đề xuất quận và TP xây thêm hai trường cấp 2 và cấp 3. Vui nhất là toàn phường có gần 90% số hộ dân đã có nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Phường đã xây mới trạm y tế khang trang và các chung cư dành cho người có thu nhập thấp. Sắp tới phường vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng với quyết tâm cao, phường sẽ nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ…”.
Tự hào về một cuộc sống mới ở vùng căn cứ cách mạng cũ, đồng chí Phạm Phú Dũng, Bí thư Đảng ủy phường 15, không giấu được niềm vui: “Phường hiện có 648 đảng viên đang sinh hoạt tại 21 chi bộ, mỗi đảng viên đều phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu nên đã huy động được sức dân tham gia xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp…”
MINH NGỌC