Từ hôm nay, 31-5 đến ngày 2-6, tại Singapore diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, diễn đàn an ninh lớn và quan trọng nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giới truyền thông quốc tế cho rằng vấn đề biển Đông sẽ là chủ đề nóng tại diễn đàn.
Nâng cao vị thế Việt Nam
Đối thoại Shangri-La năm nay có sự tham gia của rất nhiều đại biểu quốc phòng, ngoại giao và học giả đến từ 27 quốc gia. Nếu như mọi năm Việt Nam chỉ cử lãnh đạo cấp Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng quốc phòng tới tham dự diễn đàn này, năm nay đặc biệt ghi dấu sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Jakarta Post dẫn lời của TS John Chipman, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu quốc tế (IISS), khẳng định: “Sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc phòng hiện tại cũng như các cơ hội giải quyết xung đột sẽ tăng thêm sức nặng đáng kể cho cuộc thảo luận quan trọng về an ninh khu vực”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu khai mạc tại hội nghị, đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện quan điểm về đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đồng thời đóng góp tiếng nói của Việt Nam trên những vấn đề quan trọng của khu vực, trong đó có vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải ở biển Đông sáng hôm qua 30-5.
Đối thoại Shangri-La 12 sẽ tập trung vào một số chủ đề như tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, phòng ngừa xung đột; hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; vai trò của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; các thể chế khu vực, toàn cầu và an ninh châu Á; thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trải qua 12 năm, Đối thoại Shangri-La đã được giới quan sát quốc tế và chính phủ nhiều nước nhìn nhận là diễn đàn quan trọng trong việc đưa ra những giải pháp hòa bình, an ninh cho khu vực châu Á đang có nhiều chuyển biến.
Theo giới phân tích, đối thoại năm nay hứa hẹn sẽ có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa vì diễn ra trong bối cảnh xảy ra nhiều tranh chấp về lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Ông Christian Le Miere, chuyên gia cấp cao về hải quân và an ninh hàng hải thuộc IISS, cho rằng căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực khá nhạy cảm này đang diễn biến nguy hiểm sau vụ Philippines giết hại ngư dân của lãnh thổ Đài Loan và những vụ va chạm diễn ra trên vùng biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Mỹ tái khẳng định chính sách hướng về châu Á
Theo hãng tin AFP, ngày 30-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã lên đường đến Singapore tham dự hội nghị. Nhiều quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận một trong những mục tiêu quan trọng của ông Chuck Hagel lần này là khẳng định quyết tâm muốn hoàn tất sự chuyển hướng chiến lược qua vùng Thái Bình Dương mà Mỹ từng cam kết. Đó là chiến lược thoạt đầu được gọi là “xoay trục”, sau đó được điều chỉnh thành tái cân bằng lực lượng quân sự Mỹ qua vùng châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, với các quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng đáng kể tại Mỹ, nhiều quốc gia châu Á đã tự hỏi liệu Mỹ có thể tiếp tục chính sách này hay không.
Tại Đối Thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có một loạt những cuộc tiếp xúc song phương với các đồng minh nặng ký. Hãng tin AFP nêu bật các cuộc hội đàm giữa ông Hagel với các đồng nhiệm Philippines, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Indonesia và Malaysia. Đặc biệt nhất là cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Hai cuộc hội đàm ba bên rất được chú ý là cuộc họp Mỹ-Nhật-Hàn mà trọng tâm chắc chắn sẽ là bàn về CHDCND Triều Tiên; cuộc gặp giữa ông Hagel với hai đồng nhiệm Australia và Nhật, hai thành tố quan trọng trong chính sách xoay trục qua châu Á của Mỹ.
| |
THANH HẰNG (tổng hợp)