“Dọn dẹp” quỹ tài chính ngoài ngân sách

Một trong những nội dung quan trọng được hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận tuần qua về Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi là nội dung về quỹ tài chính nhà nước. Hiện phần lớn các quỹ có quy mô vốn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, có mối quan hệ chặt chẽ với NSNN, song Luật NSNN chưa quy định mối quan hệ để điều chỉnh, dẫn đến có xu hướng thành lập nhiều quỹ nhưng nguồn thu của các quỹ lại chủ yếu từ NSNN làm phân tán nguồn lực của NSNN. Xung quanh câu chuyện này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Đức Thụ (ảnh), Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
“Dọn dẹp” quỹ tài chính ngoài ngân sách

Một trong những nội dung quan trọng được hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận tuần qua về Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi là nội dung về quỹ tài chính nhà nước. Hiện phần lớn các quỹ có quy mô vốn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, có mối quan hệ chặt chẽ với NSNN, song Luật NSNN chưa quy định mối quan hệ để điều chỉnh, dẫn đến có xu hướng thành lập nhiều quỹ nhưng nguồn thu của các quỹ lại chủ yếu từ NSNN làm phân tán nguồn lực của NSNN. Xung quanh câu chuyện này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Đức Thụ (ảnh), Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách. 

°Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, hiện có quá nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khiến việc sử dụng tiền thuế của dân kém hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

°Ông BÙI ĐỨC THỤ: Đúng là hiện nay chúng ta có quá nhiều quỹ tài chính nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật NSNN mà chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành và điều lệ của quỹ. Chính điều này không chỉ làm phân tán nguồn lực quốc gia mà một số quỹ có số dư lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng như: Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm xã hội… Trong khi đó, NSNN năm nào cũng thiếu hụt, phải đi vay để bù đắp bội chi khiến nợ công gia tăng và bội chi không đạt mục tiêu đặt ra. Ngoài ra, còn chưa kể đến việc do không chịu sự điều chỉnh của Luật NSNN nên không ít quỹ sử dụng nguồn vốn không đúng mục tiêu, không hiệu quả.

Do đó, việc sửa đổi Luật NSNN lần này phải làm sao thu hẹp một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để sử dụng tiền thuế của dân có hiệu quả nhất.

°Dù không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật NSNN nhưng nguồn vốn, tài sản của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách vẫn là tài sản quốc gia, nhưng hầu như Kiểm toán Nhà nước không bao giờ “đụng” đến?

°Theo quy định thì quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách vẫn thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, hàng năm do phải thực hiện kiểm toán quá nhiều đầu mối, tập đoàn, tổng công ty nhà nước nên Kiểm toán Nhà nước chưa có điều kiện để kiểm toán với đối tượng này. Theo tôi được biết, đến nay Kiểm toán Nhà nước mới chỉ kiểm toán một vài quỹ như Quỹ Bình ổn xăng dầu và năm nay kiểm toán một số quỹ như Quỹ Môi trường than - khoáng sản, Quỹ Thăm dò, Quỹ Bảo vệ môi trường.

Hiện nay có nhiều quỹ quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước đạt hiệu quả thấp. Chính vì vậy, từ năm 2016 trở đi, theo tôi, Kiểm toán Nhà nước phải tăng cường kiểm toán quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đối với những quỹ đang quản lý số tiền rất lớn, hoạt động của quỹ ảnh hưởng, tác động vô cùng lớn tới hoạt động đầu tư, an sinh xã hội trên diện rộng như Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm xã hội… cần phải kiểm toán hàng năm hoặc 2-3 năm một lần.

°Nhưng vấn đề là cần phải thu hẹp số lượng quỹ tài chính ngoài ngân sách, vì như ông nói, nhiều quỹ hoạt động kém hiệu quả?

°Không chỉ “dọn dẹp” đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động kém hiệu quả mà cũng cần nghiên cứu loại bỏ ngay cả đối với quỹ hoạt động có hiệu quả nhưng nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi hàng năm của NSNN. Ví dụ như Quỹ Bảo trì đường bộ. Nguồn thu từ phí đường bộ đánh vào phương tiện giao thông chính là nguồn thu của NSNN; nhiệm vụ chi là duy tu, bảo dưỡng và đầu tư một phần cho hệ thống giao thông đường bộ chính là nhiệm vụ chi hàng năm của NSNN. Nhiều quỹ khác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, bảo vệ người tiêu dùng… như Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá; Quỹ Phòng chống thiên tai; Quỹ Phòng chống tội phạm… cũng trùng giẫm với nguồn thu và nhiệm vụ chi của NSNN nên cần phải xem xét lại có nên để các quỹ này tồn tại hay không.

°Vậy trong trường hợp “dọn dẹp” các quỹ nêu trên thì lấy nguồn đâu để xử lý các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ mà các quỹ này đang thực hiện, thưa ông?

°NSNN thu toàn bộ các khoản đóng góp là phí, lệ phí vào quỹ và hàng năm, trên cơ sở cân đối nhiệm vụ, NSNN sẽ lập dự toán chi để bảo đảm các công việc này.

°Việc dọn dẹp các quỹ kể trên không hề đơn giản bởi rất nhiều quỹ đã được luật hóa trong các luật chuyên ngành nên muốn bỏ thì phải sửa hàng loạt luật?

°Đúng là gần đây có tình trạng khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, rất nhiều luật đều “cài” một điều khoản là thành lập quỹ nào đó để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và NSNN có trách nhiệm cấp nguồn cho quỹ hoạt động. Tình trạng này nếu tiếp diễn thì NSNN bị chia cắt, phân tán, khó quản lý, sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả và NSNN không thể chịu đựng nổi vì phải chi quá nhiều.

Vì vậy, tôi đã nhiều lần đề nghị, các luật chuyên ngành nếu có gì liên quan đến tài chính, ngân sách như miễn, giảm thuế; ưu đãi tài chính; ưu đãi đầu tư thì chỉ quy định về nguyên tắc, còn tất cả những gì liên quan đến tài chính, ngân sách phải được quy định chi tiết, cụ thể trong luật về tài chính, ngân sách.

°Bao giờ thì quan điểm trên mới có thể thành hiện thực?

°Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chính thức kiến nghị sửa đổi Luật NSNN trên tinh thần NSNN không cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp NSNN cấp hỗ trợ vốn điều lệ cho thì phải phù hợp với khả năng của NSNN và chỉ thực hiện khi quỹ được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN. Do đó, dự thảo luật sẽ trình Quốc hội chỉ quy định nguồn thu nào thuộc phạm vi ngân sách thì phải nộp NSNN và điều kiện để NSNN hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ nhằm hạn chế việc thành lập mới các quỹ ngoài ngân sách.

Nếu Quốc hội đồng ý với đề xuất này thì kể từ năm 2017 trở đi - khi Luật NSNN sửa đổi có hiệu lực, về cơ bản sẽ “dọn dẹp” được các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách không cần thiết.

°Xin cảm ơn ông!


MINH ĐỨC (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục