Các dự án này được giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM làm chủ đầu tư.
Giải ngân dưới 50%, phải tổ chức kiểm điểm
Qua ghi nhận thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm kênh rạch trên địa bàn TPHCM hiện đang rất nghiêm trọng. Các kênh rạch như Trần Quang Cơ, rạch Cầu Sa, rạch Cung, rạch Lồng Đèn (quận 8); rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), rạch Trâu (quận 6), kênh Ba Bò (Thủ Đức), kênh Nước Đen (Bình Tân), kênh Hy Vọng, Tân Trụ (Tân Bình) và nhiều tuyến kênh ở khu vực quận 9, Bình Chánh, Hóc Môn… luôn trong tình trạng đầy rác, bốc mùi hôi khó chịu và dòng nước lúc nào cũng đen ngòm khiến người dân rất bức xúc.
Nhiều năm qua, những người dân sống ven các kênh này luôn phải sống chung với ô nhiễm, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh luôn rình rập.
Trước thực trạng này, UBND TPHCM đã đầu tư khoản kinh phí lớn để thực hiện cải tạo, nạo vét nhằm giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng ô nhiễm. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nạo vét, khơi thông các tuyến kênh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như kênh Ba Bò, rạch Trần Quang Cơ, cống ngăn triều rạch Ông Đụng... Xây dựng mép bờ cao kênh rạch các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn. Cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Sơn Nhì (từ đường Trương Vĩnh Ký đến kênh Nước Đen); cải tạo hệ thống thoát nước khu vực quốc lộ 13 - đường Đinh Bộ Lĩnh - đường Nguyễn Xí - đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) và nhiều tuyến kênh rạch khác.
Để triển khai kế hoạch có hiệu quả, nhanh chóng cải thiện môi trường sống cho người dân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu các sở ban ngành, cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan phải tập trung cao độ, quyết tâm và nỗ lực nhất. Không dừng lại ở đó, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu giám đốc các sở, chủ tịch UBND các quận, huyện và chủ đầu tư trực tiếp ký văn bản cam kết giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đợt 1 năm 2018 (kể cả nguồn vốn ngân sách Trung ương) đến ngày 31-7 phải đạt ít nhất 50%. Đến ngày trên nhưng các đơn vị có kết quả giải ngân dưới 50% phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện và chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước không được yêu cầu nhà thầu ứng trước vốn thực hiện khi dự án chưa được bố trí kế hoạch, gây nợ đọng.
Triển khai nhiều công trình mới
Ngoài việc triển khai nạo vét, cải tạo các tuyến kênh rạch đang bị ô nhiễm tồn tại nhiều năm nay, đồng thời, để khơi thông dòng chảy, giúp giảm ngập, chấm dứt tình trạng ô nhiễm kênh rạch, hệ thống thoát nước, UBND TPHCM cũng yêu cầu Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM lên kế hoạch, lập dự án nạo vét, kiên cố hóa hệ thống thoát nước, ô nhiễm tại một số tuyến kênh rạch huyết mạch trên địa bàn thành phố, như dọc tuyến kênh Trung Ương trên địa bàn huyện Hóc Môn, Bình Chánh; lập dự án thí điểm quản lý và giám sát hệ thống thoát nước lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm; lập dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Ba Vân (từ đường Nguyễn Hồng Đào đến đường Âu Cơ, quận Tân Phú); lập dự án nâng cấp và mở rộng, nạo vét kênh trục tiêu thoát nước rạch Láng The, huyện Củ Chi.
Triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm các tuyến kênh rạch ở huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận 8 và cấp bách nâng cấp, gia cố hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn, đoạn từ rạch Tra đến sông Vàm Thuật trên địa bàn huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Gò Vấp.
Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ tiến hành triển khai các công trình mới như nạo vét, khơi thông dòng chảy, kiên cố hóa rạch Cung, rạch Lồng Đèn; sửa chữa hệ thống cống vòm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến Bến Chương Dương); cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền, quận 2) và cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ đường Tạ Uyên đến đường Lý Thường Kiệt).
Kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy, nguồn nước tại hệ thống kênh rạch ở thành phố đang trong tình trạng ô nhiễm rất nặng. Các thành phần như BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh (coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng... đều vượt tiêu chuẩn cho phép và tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng hơn khi thủy triều xuống thấp. Tình trạng này đã làm suy giảm chất lượng nguồn nước kênh rạch nội thành và nước sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt của người dân thành phố.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại TPHCM được xác định là một trong 7 khâu đột phá của thành phố. Trong đó, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm mặt nước, nguồn nước đối với hệ thống kênh rạch là một trong những vấn đề hết sức cấp bách, mang tính sống còn với hơn chục triệu người dân thành phố hiện nay.
Với những nỗ lực và quyết tâm của UBND TPHCM, mọi người dân có quyền hy vọng vào sự đổi thay, hồi sinh của nhiều tuyến kênh rạch mà trước đây từng được đặt cho biệt danh “những dòng kênh chết”.