Đón tết trên cánh sóng

Gác lại giây phút giao thừa thiêng liêng bên gia đình, bạn bè và người thân, những ngày tết, lực lượng Cảnh sát biển thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (Núi Thành, Quảng Nam) vẫn ngày đêm dõi mắt canh giữ bình yên biển trời. Với họ, đón tết trên cánh sóng để bảo vệ biển đảo chủ quyền là niềm vinh dự và tự hào.
Đón tết trên cánh sóng

Gác lại giây phút giao thừa thiêng liêng bên gia đình, bạn bè và người thân, những ngày tết, lực lượng Cảnh sát biển thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (Núi Thành, Quảng Nam) vẫn ngày đêm dõi mắt canh giữ bình yên biển trời. Với họ, đón tết trên cánh sóng để bảo vệ biển đảo chủ quyền là niềm vinh dự và tự hào.

Bên anh luôn có em!

Chị Đặng Thị Phương Dung ở xã Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi) là vợ của cảnh sát biển Nguyễn Xuân Coóng, Đội cano của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2. Ngôi nhà luôn vắng bóng anh Coóng bởi quanh năm anh lênh đênh nơi biển cả thực thi nhiệm vụ. Anh thường nói vui với chị Dung là “anh giống như người ở trọ”. “Ở trọ” nhưng nghĩa tình sâu nặng chẳng gì có thể sánh bằng. Tình yêu gia đình, yêu Tổ quốc sánh quyện trong anh. “Em ở nhà cố gắng lo cho gia đình, nuôi dạy con thật tốt. Anh yêu em, yêu các con nhiều. Em cứ yên tâm. Anh quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với Tổ quốc. Bên anh luôn có em”, trước khi tàu rời bến, anh Coóng thường nói với vợ và các con như vậy.

Chị Dung vốn là giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường THPT Ba Gia (ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh). Hàng ngày chị vượt chặng đường gần 20km đến trường dạy học. Một mình chị vừa làm mẹ, vừa làm cha và vừa thực hiện nghĩa vụ đối với sự nghiệp “trồng người”. Nay thì chị đã được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm chuyển công tác về dạy gần nhà chừng 5 phút di chuyển để tiện việc chăm sóc con, vun vén gia đình. Anh Coóng lại càng yên tâm công tác hơn.

Dẫu trong câu nói của chị rất dứt khoát rằng lấy vợ lính là xác định rồi và đã quen với việc xa chồng, quen với những hiểm nguy mà anh đối mặt. Nhưng nỗi lòng của người phụ nữ ấy lại mềm đi những lúc các con đau ốm không có anh bên cạnh… Tuy nhiên, vượt lên trên những vất vả, khó khăn và hạnh phúc riêng tư gia đình vẫn là tình yêu Tổ quốc. Chị Dung chia sẻ đầy tự hào: “Việc bảo vệ Tổ quốc là quan trọng nhất, chứ nếu không có những người như ảnh làm sao mình có thể sống bình yên như thế này được”.

Lực lượng Cảnh sát biển canh trực biển đảo trong những ngày tết. Ảnh: HỮU DANH

Gặp những người phụ nữ là vợ cảnh sát biển, ở họ là nét rắn rỏi, nghị lực và quyết đoán. Chị Đoàn Thị Thanh, là vợ của chiến sĩ Hoàng Mạnh Thắng trên tàu CSB 4033 là một trong những người phụ nữ như vậy. Chị Thanh hiện đang ở khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Vợ chồng anh chị mới cưới nhau được hơn 2 năm và có một con gái gần 7 tháng tuổi. Những ngày chị mang thai đúng vào thời gian Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì anh Thắng lên tàu ra Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ.

Giấu những lo lắng vào trong, chị hay vỗ về đứa con gái đang lớn lên trong bụng mẹ phải mạnh mẽ như bố, an lòng chờ đón bố hoàn thành nhiệm vụ sẽ trở về. Sinh con rồi, vì nhiệm vụ nên anh Thắng lại ít khi về nhà. Những lúc anh về, đứa con gái bé bỏng ham hơi bố. Khi anh Thắng quay về tàu, đứa con luôn nhớ hơi cha nên giấc ngủ chập chờn. Để con ngủ yên, chị Thanh hay lấy chiếc áo lót có hơi của anh Thắng kê dưới gối. Nghĩ đến chồng, chị Thanh gửi nỗi nhớ vào những lời ru đưa cô con gái bé bỏng vào giấc ngủ...!

Lòng mẹ bao la…

Những ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép xâm phạm lãnh hải Việt Nam, thuyền trưởng Lê Trung Thành của tàu CSB 4033 là một trong những cái tên được nhắc nhiều. Bởi đây là chiếc tàu có mặt sớm nhất để thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa và có một thuyền trưởng khôn khéo, mưu trí và cũng không kém độ “lì” trong những tình huống xử lý trước mũi tàu Trung Quốc.

Bà Huỳnh Thị Như Đóa (68 tuổi), mẹ của thuyền trưởng Lê Trung Thành kể: Cận tết, tranh thủ về đất liền mua sắm tết cho anh em trên tàu, Thành ghé về nhà thăm mẹ được vài giờ. Nghe người vợ khoe đã được Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhận vào làm việc, Thành vui lắm. Đây có lẽ là cái tết vui nhất, an tâm nhất trong những cái tết xa gia đình.

Nhắc lại những ngày con trai thực thi nhiệm vụ nơi Hoàng Sa khi đang nằm điều trị trong bệnh viện, bà Đóa bảo mỗi khi thấy hình ảnh tàu Trung Quốc áp sát và đâm vào tàu do Thành chỉ huy, bị thủng nát lại cảm thấy rất lo lắng. Tuy nhiên, bà luôn xác định với chồng mình: Có đứa con trai, khi Tổ quốc cần thì sẵn sàng chấp nhận hy sinh.

Trước tết, khi anh Thành về nhà bà Đóa căn dặn: “Được phân công đi tuần tra trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thì con cố gắng tổ chức tết cho anh em trong tàu vui vẻ, con phải biết giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Vợ con ở nhà con cứ yên tâm. Nếu có điều kiện thì sau tết con về vui với gia đình”.

Niềm an ủi lớn lao của bà Đóa là khi bà nằm viện được lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh viện sử dụng những loại thuốc đặc trị, thiết bị hiện đại nhất điều trị tích cực nên sức khỏe ngày một ổn định. Lãnh đạo Thành ủy TPHCM và Trung ương cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể đến thăm, động viên bà vượt qua bệnh hiểm nghèo đã tiếp thêm sức mạnh và nhân lên niềm tin về người con trai bản lĩnh đang phấn đấu, cống hiến để thực thi tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã chuẩn bị chu đáo về vật chất, tinh thần trên các tàu, tại các điểm trực. Thực phẩm, mai vàng, đào thắm cũng đã được chuyển xuống tàu, mang hương xuân tỏa đi các mũi đóng quân. Chia sẻ những xúc cảm ngày xuân, động viên tinh thần những người thân có chiến sĩ làm nhiệm vụ trực tết, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 Trần Văn Dũng cho biết: “Trong dịp tết này, mặc dù là cán bộ, chiến sĩ không về ăn tết tại gia đình được, thế nhưng, các gia đình cũng hết sức yên tâm bởi công tác tổ chức đều được chuẩn bị và bảo đảm đón một cái tết ở trên biển tương đối chu tất; bảo đảm vừa đón tết vừa sẵn sàng chiến đấu cao, để nhân dân ta vui xuân, trong đó có gia đình các đồng chí”.

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục