Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Ổn định giá cả, tạo đà phát triển kinh tế

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Ổn định giá cả, tạo đà phát triển kinh tế

Năm 2010, mặc dù nền kinh tế nước ta bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố bất lợi nhưng hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế – xã hội của TPHCM vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. TPHCM sẽ làm gì để giữ vững tốc độ phát triển và duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước? PV Báo SGGP đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM về  những vấn đề trên.

Chương trình bình ổn giá của TPHCM góp phần hạn chế tình trạng tăng giá. Ảnh: CAO THĂNG

Chương trình bình ổn giá của TPHCM góp phần hạn chế tình trạng tăng giá. Ảnh: CAO THĂNG

- PV: Đồng chí có thể phân tích về kết quả kinh tế - xã hội TPHCM đạt được trong năm 2010? 

- Đồng chí Nguyễn Thị Hồng: Năm 2010 khép lại giai đoạn 5 năm (2006 - 2010) với nhiều biến động. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến các mặt đời sống kinh tế xã hội thành phố. Tuy nhiên, phát huy truyền thống của một thành phố Anh hùng, năng động, sáng tạo, chủ động, linh hoạt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã sát cánh vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt nhiều thành tựu khá lớn và quan trọng. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm của thành phố đạt trên 11%/năm; quy mô của nền kinh tế gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội thành phố còn bộc lộ một số hạn chế như tình trạng kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm môi trường kéo dài, hiện tượng lún, sụt mặt đường xuất hiện đã gây bức xúc trong nhân dân. Những vấn đề trên sẽ được lãnh đạo thành phố quan tâm khắc phục trong năm 2011 và các năm tiếp theo để đưa kinh tế thành phố ngày càng phát triển nhanh và bền vững, chăm lo tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân.

- Năm 2010 CPI của cả nước tăng đến 2 con số, trong khi TPHCM CPI dừng ở mức 9,58%. Vậy điều gì đã làm nên thành công trong việc kiềm chế CPI và năm 2011 TPHCM sẽ triển khai ra sao?

- Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TPHCM dừng ở con số 9,58%, thấp hơn so với CPI của cả nước (11,75%) nhưng vẫn cao hơn 0,58% so với kế hoạch thành phố đặt ra. Đạt được thành công bước đầu như trên là nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy, sự quyết tâm của UBND TP, sự tập trung, nỗ lực của các ngành các cấp, đặc biệt sự chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngoài ra, chương trình bình ổn thị trường cũng được thành phố chủ động thực hiện trong nhiều năm nên rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo tổ chức, thực hiện. Ngay từ đầu năm 2010, thành phố đã có nhiều biện pháp ổn định sản xuất kinh doanh, kiềm chế tốc độ tăng giá, góp phần kiềm chế lạm phát theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, điểm mới trong năm 2010, thành phố đã triển khai chương trình bình ổn xuyên suốt cả năm với 8 mặt hàng thiết yếu, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân (gạo - nếp, đường RE, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến và rau củ quả) và triển khai thêm chương trình bình ổn thị trường dịp khai giảng năm học mới với 3 mặt hàng (đồng phục học sinh, cặp - ba lô - túi xách học sinh, tập học sinh), bổ sung thêm mặt hàng thủy hải sản vào danh mục các mặt hàng bình ổn. Tất cả các giải pháp trên đã góp phần đáng kể hạn chế tình trạng tăng giá trên địa bàn thành phố.

Năm 2011, trước dự báo sẽ có nhiều biến động dẫn đến chi phí đầu vào của sản phẩm và dịch vụ có thể tăng cao, nên việc kiềm chế lạm phát, kiềm giữ giá cả hàng hóa theo kế hoạch đề ra không phải dễ. Từ nhận thức đó, ngay từ tháng 9-2010, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá trong năm 2011 và sẽ được triển khai ngay sau Tết Tân Mão cho đến hết năm. Tôi tin rằng với sự đồng lòng của người tiêu dùng, sự năng động của doanh nghiệp, sự phối hợp của các cơ quan truyền thông; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nhạy bén, linh hoạt của các cấp, các ngành, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình trong việc ổn định thị trường, bình ổn giá cả, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo an sinh xã hội cho người dân thành phố ngày càng tốt hơn.

- Theo Phó Chủ tịch, để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, thành phố sẽ làm những gì?

- Tôi cho rằng, để kinh tế thành phố phát triển nhanh và bền vững phải có một đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thành phố hiện đang triển khai mạnh mẽ Chương trình kích cầu thông qua đầu tư theo Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND đến các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chủ động tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp lấy ý kiến doanh nghiệp và tổ chức cuộc họp để doanh nghiệp gặp gỡ, phản ánh trực tiếp với các bộ ngành trung ương, Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cao để hỗ trợ các doanh nghiệp; tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á, đồng thời chú trọng khai thác các thị trường tiềm năng khác. Qua những hỗ trợ trên, nếu biết nắm bắt tốt cơ hội, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn mạnh, có bước phát triển nhanh và bền vững.

- Xin cảm ơn đồng chí.

Thúy Hải (thực hiện)

"Về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tôi cho rằng, để chiếm lĩnh và giữ được thị trường, mỗi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện chất lượng sản phẩm và nâng cấp dịch vụ.

Về phía thành phố, để chương trình hành động đi vào cuộc sống, UBND TP sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ thông qua mở rộng hệ thống phân phối và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ, huấn luyện, đào tạo và xây dựng thương hiệu; xây dựng chương trình hành động khuyến khích sử dụng hàng Việt đối với tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng nhà nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam qua việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường.

Những giải pháp trên sẽ được thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt với sự phối hợp giữa các cấp, các ngành."

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng
(Phó Chủ tịch UBND TPHCM)

Tin cùng chuyên mục