Đồng chí Phạm Hùng sống mãi trong ký ức của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM

LTS: Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam (11-6-1912 – 11-6-2012), Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long” vào ngày 4-6 vừa qua tại Vĩnh Long. Tại hội thảo, với tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, sự ngưỡng mộ và lòng tri ân sâu sắc đối với đồng chí Phạm Hùng, Thường trực Thành ủy TPHCM đã có tham luận “Đồng chí Phạm Hùng sống mãi trong ký ức của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh”. Báo Sài Gòn Giải Phóng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tham luận trên.
Đồng chí Phạm Hùng sống mãi trong ký ức của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM

LTS: Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam (11-6-1912 – 11-6-2012), Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long” vào ngày 4-6 vừa qua tại Vĩnh Long. Tại hội thảo, với tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, sự ngưỡng mộ và lòng tri ân sâu sắc đối với đồng chí Phạm Hùng, Thường trực Thành ủy TPHCM đã có tham luận “Đồng chí Phạm Hùng sống mãi trong ký ức của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh”. Báo Sài Gòn Giải Phóng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tham luận trên.

Đồng chí Phạm Hùng là chiến sĩ tiên phong trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên của Đảng, thuộc lớp người cộng sản đầu tiên của Nam bộ, một người con ưu tú của dân tộc, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí đã lao vào bão táp đấu tranh cách mạng ở tuổi thanh xuân và trở thành một trong những nhân vật lịch sử có sức lan tỏa trên vũ đài chính trị khi Đảng ta mới ra đời.

Đồng chí Phạm Hùng góp ý kiến việc xây dựng Khu lưu niệm Bác Hồ ở Bến Nhà Rồng.
Đồng chí Phạm Hùng góp ý kiến việc xây dựng Khu lưu niệm Bác Hồ ở Bến Nhà Rồng.

Cách đây 81 năm, ở huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho đã xảy ra một sự kiện gây chấn động dư luận vào dịp Đảng ta tổ chức cuộc mít tinh của 3.000 nông dân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5. Tại địa danh lịch sử này, người chiến sĩ cộng sản 19 tuổi Phạm Hùng đã bắn chết tên tay sai khét tiếng gian ác của Pháp là Hương quản Trâu. Đồng chí rơi vào tay giặc và liên tiếp trong hai năm 1932 - 1933 đã bị “kết tội” bằng hai bản án tử hình tại tòa đại hình tỉnh Mỹ Tho và tòa đại hình Sài Gòn.

79 năm trước, tại phiên tòa đại hình mở tại Sài Gòn vào thượng tuần tháng 5-1933 mà thực dân Pháp gọi là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”, xử 121 chiến sĩ cộng sản bị bắt trong cơn lốc “khủng bố trắng” sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, đồng chí Phạm Hùng đã nêu cao khí phách chủ nghĩa anh hùng và tinh thần tiến công cách mạng làm rạng danh Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân ta.

Khi đứng trước “vành móng ngựa”, đồng chí đã dùng tiếng Pháp thẳng tay bác bỏ bản cáo trạng vu khống dày 250 trang của tên chưởng lý phiên tòa. Cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Văn Lương, đồng chí Hà Huy Giáp,... tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng chí Phạm Hùng đã có tác dụng giáo dục, giác ngộ chính trị và góp phần nâng cao dũng khí đấu tranh của các tầng lớp đồng bào ta, nhất là tại thành phố Sài Gòn.

Tiếng vang của vụ án lịch sử này đã vượt ra khỏi bán đảo Đông Dương, gây nên sự phẫn nộ sâu sắc trong Đảng Cộng sản Pháp, làm chấn động lương tri của nhân dân tiến bộ Pháp. Đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế cứu tế đỏ, Ủy ban chống khủng bố và đòi đại xá tù chính trị đã phát động một chiến dịch rầm rộ trên đất Pháp để ủng hộ phong trào cách mạng ở Đông Dương. Một số nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng Cộng sản Pháp và là những người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ như Paul Vaillant Couturier, Gabriel Péri,... đã có mặt tại thành phố Sài Gòn trong thời điểm lịch sử ấy.

Đồng chí Phạm Hùng trò chuyện với các thầy, cô giáo và học sinh dự thi quốc tế các môn Nga văn, toán và vật lý ngày 17-9-1987.

Đồng chí Phạm Hùng trò chuyện với các thầy, cô giáo và học sinh dự thi quốc tế các môn Nga văn, toán và vật lý ngày 17-9-1987.

Thời gian đã trôi qua gần 80 năm, giờ đây trong dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, với tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ và nhân dân TPHCM xin bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng tri ân sâu sắc đối với đồng chí Phạm Hùng - một chiến sĩ cộng sản kiên cường, ngay trong lứa tuổi thiếu thời đã góp phần làm rạng danh thành phố thân thương của chúng ta.

Chính vì sự đấu tranh trực diện quyết liệt ấy, cùng với sự ủng hộ tích cực của Đảng Cộng sản Pháp và các tổ chức chính trị - xã hội của Quốc tế Cộng sản, từ chỗ bị “kết tội” hai bản án tử hình, đồng chí Phạm Hùng đã bị đày ra Côn Đảo để chịu án chung thân khổ sai.

Trong 12 năm tù khổ sai, đồng chí đã biến nhà tù đế quốc Pháp thành trường học cách mạng để giáo dục những người yêu nước trở thành các chiến sĩ cộng sản Việt Nam, đồng chí Phạm Hùng trở về đất liền giữa lúc tiếng súng của cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam bộ đang bùng nổ vào ngày 23-9-1945. Đồng chí đã tới ngay vùng Chợ Đệm, Bình Điền (nay thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM), nơi đặt Sở Chỉ huy của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ.

Với trọng trách là một trong những người lãnh đạo của Xứ ủy lâm thời, cùng với đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Tôn Đức Thắng... đồng chí Phạm Hùng đã ra sức tiến hành củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng kháng chiến. Những chiến khu nổi tiếng ở Đồng Tháp Mười, U Minh, An Phú Đông, Rừng Sác, Bình Mỹ, Vườn Thơm... lần lượt ra đời.

Khi được sự phân công phụ trách một nhiệm vụ công tác vô cùng quan trọng trên chiến trường Nam bộ là Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc, đồng chí Phạm Hùng luôn quan tâm chỉ đạo Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh của tổ chức này.

Đồng chí thường căn dặn: Đảng phải trực tiếp lãnh đạo Quốc gia Tự vệ Cuộc. Quốc gia Tự vệ Cuộc chẳng những phải làm công tác bảo vệ cách mạng, bảo vệ Việt Minh, trấn áp bọn tình báo, gián điệp, nội gián, mà còn phải xây dựng lực lượng cách mạng và phát triển Đảng.

Quốc gia Tự vệ Cuộc phải dựa vào dân, giúp đỡ dân, phải biết làm công tác quần chúng, tuyên truyền giáo dục và động viên nhân dân tham gia kháng chiến, trấn áp phản cách mạng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Tư duy chính trị đúng đắn đó của đồng chí Phạm Hùng là cống hiến quý báu vào việc xây dựng, củng cố lực lượng công an trung thành với Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, đồng thời loại trừ các phần tử mật thám, tình báo địch, đã gây bao đau khổ cho nhân dân và nhiều tổn thất cho Đảng; xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân theo đường lối quân sự của Đảng, phù hợp với đặc điểm tình hình của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và trên chiến trường Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến.

Đầu năm 1946, sau khi đồng chí Lê Duẩn ra chiến khu Việt Bắc để báo cáo tình hình với Bác Hồ và Trung ương, trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam bộ, đồng chí Phạm Hùng luôn luôn quan tâm theo dõi các mặt hoạt động ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo sát sao các mặt công tác dân vận, binh vận, Hoa vận, trí thức vận, tôn giáo vận, phong trào công nhân, thanh niên, học sinh, sinh viên trong nội thành; đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố sự vững mạnh của các tổ chức Đảng, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, xây dựng phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan chính quyền kháng chiến và Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Đồng chí đã cùng với Xứ ủy chỉ đạo việc tổ chức thống nhất các lực lượng vũ trang Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, lấy tên là Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa đứng chân trên địa bàn Đông Bắc Sài Gòn.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, lúc mới tập kết ra miền Bắc, đồng chí Phạm Hùng được Trung ương cử làm Trưởng Phái đoàn đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát ở Việt Nam tại thành phố Sài Gòn; tháng 5-1955, đồng chí Phạm Hùng rời thủ đô Hà Nội lên đường vào sào huyệt địch giữa lòng Sài Gòn nhận nhiệm vụ công tác tại trụ sở Phái đoàn ta “ngọn cờ cách mạng giương cao trong lòng địch, như cây đinh đâm vào mắt chúng” (nay là nhà số 87A đường Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận).

Đến giữa năm 1955, Trung ương nhận định không còn khả năng thực hiện việc tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà, nên Bộ Chính trị quyết định rút đồng chí Phạm Hùng ra Hà Nội tham gia vào việc lãnh đạo công tác miền Nam của Trung ương, vì lúc bấy giờ đồng chí Lê Duẩn đang làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ hoạt động bí mật ở khu vực Cà Mau và vùng Nam sông Hậu.

Thượng tuần tháng 7-1967, đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời tại Hà Nội trước ngày trở lại chiến trường sau khi ra Bắc báo cáo tình hình với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Bốn tháng sau, vào giữa tháng 11-1967, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục và Chính ủy các lực lượng vũ trang quân Giải phóng.

Sau khi vào chiến khu Bắc Tây Ninh, năm 1968, đồng chí Phạm Hùng và Thường vụ Trung ương Cục đã ra những chỉ thị cấp bách nhằm thực hiện “chủ trương đẩy mạnh phong trào tấn công chính trị công khai ở các thành phố, thị xã”, “thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị”, ra nghị quyết quân sự “đối với các khu trọng điểm ở nội thành Sài Gòn”, nghị quyết “về tổ chức chỉ đạo kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa khu Sài Gòn, Chợ Lớn”.

Trong vòng 7 năm - từ cuối năm 1968 đến hạ tuần tháng 4-1975, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, Trung ương Cục đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, công văn, công điện nhằm chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng trong đô thị, xác định rõ thành thị là một trong ba vùng chiến lược của cách mạng miền Nam và có vị trí quyết định về chiến lược để giành thắng lợi cuối cùng.

Nhiều cuộc hội nghị chuyên đề quan trọng của Trung ương Cục miền Nam tổ chức do đồng chí Phạm Hùng chủ trì để “Định hướng đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm vào các mục tiêu bức xúc: đòi quyền sống, đấu tranh dân chủ, đấu tranh chống tệ nạn xã hội, đòi Mỹ rút quân, đòi hòa bình” (1970), “Bàn về công tác lãnh đạo của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định” (1972), “Đánh giá việc bình định của địch ở vùng trọng điểm ven khu Sài Gòn - Gia Định” (1974) v.v... Các cuộc hội nghị trên đây đã tổng kết được những bài học kinh nghiệm thực tiễn trên chiến trường vô cùng quý giá.

Mùa xuân năm 1975, sau khi Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc thắng lợi, thời cơ giải phóng toàn miền Nam đã tới. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị nhận định thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.

Do vị trí và tính chất đặc biệt của chiến dịch lịch sử này, Bộ Chính trị đã cử ba đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Phạm Hùng và tập thể Bộ Chỉ huy chiến dịch đã nhất trí đề xuất với Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị chấp thuận đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã động viên, khích lệ tinh thần hết sức mạnh mẽ, sâu sắc cho quân dân cả nước, đặc biệt cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh quyết định cuối cùng vào Sài Gòn.

Đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam được Bộ Chính trị cử làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Vào lúc 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu khai hỏa. Bốn ngày sau, 5 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, quân ta từ bốn hướng đồng loạt như triều dâng thác đổ tiến vào nội thành Sài Gòn. Khoảng 9 giờ ngày hôm ấy, khi tiếp nhận được tin Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố trên đài phát thanh đề nghị với phía cách mạng ngừng bắn để thương lượng, Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã cho phát ngay bức điện hỏa tốc gởi cho thủ trưởng các đơn vị đang cầm quân trên chiến trường: “Địch đang dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc Lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao, chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!”. Ký tên: PHẠM HÙNG

Bức điện lịch sử này đã tạo ra một xung lực lớn có sức dời núi chuyển sông trên chiến trường. Khoảng hai giờ sau đó, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 lá cờ chiến thắng phất phới bay trên Phủ Tổng thống ngụy quyền. Quân dân ta đã lập nên chiến công hiển hách, giành thắng lợi tuyệt vời nội dung bức điện lịch sử của đồng chí Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh - Phạm Hùng: “Đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc Lập ngụy”.

Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, với trọng trách là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Phạm Hùng luôn luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân TPHCM tình cảm ưu ái và sự quan tâm sâu sắc. Đảng bộ và nhân dân thành phố không bao giờ quên sau ngày giải phóng, đồng chí đã giải quyết cho TPHCM hàng ngàn mẫu đất để thành lập nông trường trồng điều xuất khẩu đầu tiên ở miền Nam.

Việc thành phố tiến hành xây dựng công trình thủy điện đầu tiên ở Trị An với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, cũng đã được đồng chí hết lòng ủng hộ. Nhiều công trình kinh tế và văn hóa rất có ý nghĩa ở TPHCM như: Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, Nhà hát Hòa Bình, khu Hội chợ Quang Trung nay là Công viên Phần mềm Quang Trung, khu vui chơi giải trí Đầm Sen... đều có phần tâm trí, sức lực của đồng chí Phạm Hùng.

Đối với các cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền thành phố, mỗi lần từ thủ đô Hà Nội vào, đồng chí dành nhiều thời gian để làm việc nhằm theo dõi sát sao mọi lĩnh vực hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là đôn đốc việc tổ chức triển khai Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị.

Đối với các tầng lớp nhân dân, nhiều đêm giao thừa, trong giờ phút thiêng liêng Tết truyền thống của dân tộc, đồng chí Phạm Hùng đã có mặt bên cạnh cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta tại những ngôi “nhà tình nghĩa” mới được xây dựng hoặc ở các tổ dân phố, trong những cơ quan công an phường, tại những hộ thuộc diện gia đình chính sách.

Liên tiếp trong những cái Tết Giáp Tý và Ất Sửu, đồng chí Phạm Hùng đã đích thân đi chúc tết cán bộ và đồng bào ở các quận 1, 3, 8, 10, 11, Bình Thạnh... Đồng chí đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các “lớp học tình thương” cho trẻ em nghèo thất học, việc xây dựng và sửa chữa nhà ở cho những hộ thuộc diện túng thiếu, neo đơn và gia đình bộ đội...

Đồng chí dành thời gian gặp gỡ, tiếp xúc các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ và những cán bộ làm công tác trong ngành văn hóa, nghệ thuật, hoạt động trong các cơ quan thông tin đại chúng.

Được cử làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào lúc công cuộc đổi mới vừa mới bắt đầu sau Đại hội VI của Đảng. Ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, đồng chí Phạm Hùng đã vắt kiệt sức mình để giải quyết trăm bề khó khăn trong tình trạng đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, giá cả leo thang từng ngày, lòng dân xao xuyến.

Giữa ngày mùng 4 Tết năm 1988, đồng chí Phạm Hùng hết sức nóng lòng vào TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để trực tiếp đôn đốc việc tổ chức vận chuyển lúa gạo từ Nam ra Bắc cung cấp lương thực cho nhân dân, cán bộ. Thật không ngờ, ngay trong thời điểm ấy, đồng chí Phạm Hùng đã đột ngột vĩnh biệt đất nước và nhân dân trong khi đang xả thân để hoàn thành nhiệm vụ công tác vào ngày 10-3-1988 tại TPHCM, như một vị lão tướng cầm quân xông pha trận mạc ngã xuống trên chiến trường.

Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Phạm Hùng muôn đời sống mãi với non sông đất nước, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh.

THƯỜNG TRỰC THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tin cùng chuyên mục