Ngân hàng Xây dựng Việt Nam:
Thị trường công nghiệp và xây dựng, theo thống kê có vị trí thứ 2 trong việc đóng góp tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong 2013 và giữ vững vị thế quan trọng ngay thời điểm tháng 3 năm 2014. Tuy nhiên trong nhiều cuộc phỏng vấn và trao đổi các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với việc không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhất là các khoản vay mới. Việc các ngân hàng thương mại trực tiếp liên minh với nhau, dành một tỷ lệ vốn trong tăng trưởng tín dụng cho thị trường ngành xây dựng thông qua chương trình tín dụng chuỗi khép kín 4 nhà, là một bước đi quan trọng nhằm hỗ trợ thị trường Ngành Xây dựng và Bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
50.000 tỷ đồng – Mục tiêu tổ chức phát triển thị trường Ngành Xây dựng chuyên nghiệp
Thực hiện theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ và các Nghị quyết 01, 02/NQ-CP năm 2013 của Chính phủ, trong đó hướng đến tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh VLXD - Bất động sản, ngày 25-03-2014, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB phối hợp cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức chương trình “Hội nghị khách hàng – Tổ chức phát triển thị trường Ngành Xây dựng chuyên nghiệp”.
Trong bối cảnh thị trường ngành xây dựng nói chung và thị trường BĐS nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn, như khó tiếp cận nguồn vốn vay cho dù lãi suất cho vay giảm tương ứng lãi suất trần huy động ngắn hạn đang tiếp tục giảm, việc khơi thông để kích cầu cũng như giải phóng hàng tồn kho nhiều loại vật liệu xây dựng vẫn còn là thách thức lớn, tồn tại thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng giữa ngân hàng với chủ đầu tư, khách hàng với chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng sản xuất VLXD với nhà thầu, chủ đầu tư v.v.
Vì vậy chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng này ra đời nhằm lưu thông hàng hóa VLXD, giảm tồn kho VLXD và bất động sản, khơi thông dòng vốn vào thị trường xây dựng và tháo gỡ khó khăn cho các dự án dở dang, hàng hóa VLXD được tổ chức lưu thông qua hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay tại các ngân hàng khác… với bản chất là gói sản phẩm tín dụng khép kín 4 nhà: Ngân hàng người mua - Chủ đầu tư, nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng SXVLXD - Ngân hàng người bán, qua đó tất cả cùng ký kết trên 1 hợp đồng, thống nhất việc đối trừ trực tiếp theo giá trị hợp đồng mà không bắt buộc chuyển dòng tiền qua chủ đầu tư. Tại hội nghị chương trình tín dụng này còn đưa ra mô hình sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp, nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng v.v.
Theo đó, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị/doanh nghiệp trong ngành xây dựng - Vật liệu xây dựng - Bất động sản. Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng VLXD, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh VLXD - TTBTN đầu tiên trên cả nước nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu VLXD là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất VLXD trên cả nước. Mô hình sàn kinh doanh VLXD-TTBNT sẽ là giải pháp chuyên nghiệp cho việc khơi thông hàng hóa và kích cầu sản xuất ngành xây dựng, là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu.
Khi so sánh gói 30 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội và chương trình 50 nghìn tỷ đồng này, theo ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, cho biết: “Đối tượng và mục đích của hai gói tín dụng này hoàn toàn khác biệt. 50.000 tỷ chỉ là chương trình tín dụng thương mại và sản xuất bình thường, không phải là ngân sách hỗ trợ cho thị trường. Số tiền này tập trung vào chuỗi cung ứng và giải quyết phần nào cho các doanh nghiệp trong các dự án còn dở dang. Tốc độ giải ngân gói 50.000 tỷ đồng phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: quá trình thẩm định của ngân hàng và tính khả thi của các dự án được giải ngân”. Trong khi đó gói 30.000 tỷ là gói vay ưu đãi (được ngân hàng nhà nước cho tái cấp vốn 100% với lãi suất ưu đãi) dành cho người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà xã hội với mục tiêu trung và dài hạn, đã tạo nên mặt bằng giá nhà ở thấp hơn nhiều so với trước đây và đưa lại sản phẩm nhà ở đúng nhu cầu và khả năng chi trả của đại bộ phận người dân.
Liên kết hợp tác thông qua chương trình tín dụng chuỗi khép kín 4 nhà
Các ngân hàng tham gia chuỗi liên kết này, trong đó có 4 Ngân hàng TMCP Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank đăng ký trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, đây cũng là 4 ngân hàng được chỉ đạo cho vay hỗ trợ nhà ở từ gói 30 nghìn tỷ đồng nhà ở xã hội. 4 ngân hàng này được gọi là “Ngân hàng người mua” trong chuỗi liên kết.
Bên cạnh đó, có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác đang cùng thống nhất với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam để hợp tác tham gia chuỗi liên kết này. Nhóm ngân hàng này được gọi là “ngân hàng người bán”.
Đồng thời với sự kết nối liên kết giữa các ngân hàng, doanh nghiệp trong nước, với quyết tâm hiện thực hóa các giải pháp và áp dụng kinh nghiệm tổ chức hiệu quả mô hình chuỗi liên kết 4 nhà đã được các ngân hàng thương mại triển khai thành công tại một số thị trường quốc tế, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 2 trên thế giới, chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó có cùng chung phát triển các sản phẩm liên quan ngành xây dựng.