Đồng sàng dị mộng

Một trong những vấn đề nóng ở ĐBSCL hiện nay là nhiều mặt hàng nông thủy sản kéo nhau rớt giá khiến người dân lao đao. Không ít hộ gom hết vốn tự có và vốn vay đầu tư vào sản xuất đến khi thu hoạch đem đi “bán lỗ” dẫn đến lâm nợ. Người dân ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng sản xuất, tiêu thụ hàng nông thủy sản rất khó khăn.

Đầu vụ mía 2011 - 2012, giá mía nguyên liệu ở Hậu Giang được thương lái săn lùng tại ruộng lên đến 1.100 đồng/kg. Do giá cao chót vót nên nhiều hộ không ngần ngại bán cả mía còn non. Tuy nhiên, gần đây các nhà máy đường giảm giá mía nguyên liệu xuống 50 - 150 đồng/kg, thương lái mua mía tại ruộng chỉ còn 800 - 820 đồng/kg, giảm trên 300 đồng/kg so với đầu vụ. Nguyên nhân khiến giá mía giảm là do giá đường trên thị trường từ 19.000 - 19.500 đồng/kg xuống còn 16.000 đồng/kg.

Chuyện giá mía giảm, nông dân “kêu trời” đã được dự báo trước bởi năm 2011 giá mía tăng kỷ lục, dân lời nhiều nên diện tích mía ở các tỉnh tăng mạnh; trong khi sự điều tiết thị trường đường chưa hợp lý dẫn đến việc tồn kho khoảng 300.000 tấn đường, đẩy các nhà máy vào cảnh thiếu vốn trầm trọng vì không bán được đường.

Hàng loạt hộ trồng hành tím ở Sóc Trăng, Trà Vinh… cũng đang chết dở vì giá hành rớt không phanh, từ 15.000 - 20.000 đồng/kg xuống còn 2.500 - 3.500 đồng/kg. Với giá này, dân trồng hành tím lỗ 50 - 70 triệu đồng/ha. Theo ngành nông nghiệp, giá hành tím rớt thê thảm và khó tiêu thụ là do diện tích hành năm nay tăng mạnh, ngay cả những địa phương như Trà Vinh, Kiên Giang… lâu nay không trồng hành tím thì nay cũng ùn ùn trồng. Cùng với việc thừa nguyên liệu trong nước thì ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… trúng mùa hành tím, nên giảm mạnh việc nhập khẩu hành.

Nguồn cung hành tím quá lớn trong khi thị trường tiêu thụ thu hẹp khiến hành rớt giá và nông dân là người lãnh đủ. Đồng cảnh ngộ trên, sau thời gian phát triển “nóng” thì nay dân nuôi cá rô đầu vuông ở Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang… đồng loạt bỏ nghề vì thua lỗ. Nguyên nhân cũng do việc tăng sản lượng cá rô đầu vuông vượt quá giới hạn của thị trường tiêu thụ; phát triển mạnh diện tích dẫn đến nguồn giống không đảm bảo, tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng cá giảm nên người tiêu dùng quay lưng.

Ở Bến Tre, dừa khô đang tuột dốc từ 135.000 - 140.000 đồng/chục (12 trái) vào thời điểm quý 4-2011, xuống còn 35.000 - 40.000 đồng/chục, những nơi xa thương lái chỉ mua 20.000 đồng/chục, khiến dân trồng dừa điêu đứng. Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, nguyên nhân khiến dừa rớt giá là do thị trường tiêu thụ sản phẩm cơm dừa nạo sấy trên thế giới giảm mạnh. Thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng dừa khô của Bến Tre cũng giảm lượng thu mua, dẫn đến giá giảm nghiêm trọng. Dừa mất giá - tôm được giá nên nhiều hộ lại phá dừa để đào ao nuôi tôm.

Có thể nói, vòng luẩn quẩn “trồng - chặt” cứ lặp đi - lặp lại bởi chúng ta thiếu định hướng sản xuất, hạn chế về dự báo thị trường; nông dân và doanh nghiệp còn thờ ơ trong việc gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ở nhiều nước trên thế giới khi có thị trường người dân mới sản xuất; trong khi ở nước ta ngược lại, cứ nhắm mắt làm ào ạt, đến khi thu hoạch mới tìm nơi để bán. Lý giải tình trạng ngược đời này, ngành nông nghiệp cho biết với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật chúng ta có thể chủ động sản xuất theo đơn đặt hàng, sản phẩm đảm bảo năng suất và chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP… Tuy nhiên cái khó vẫn là đầu ra, bán ở đâu, ai mua, giá bao nhiêu... Việc này ngành thương mại và doanh nghiệp cần vào cuộc mạnh hơn.

Thế nhưng sự gắn kết lâu nay giữa ngành nông nghiệp và thương mại, nông dân với doanh nghiệp vẫn còn ở trạng thái mạnh ai nấy làm. Bao giờ nông dân hết lâm vào cảnh “trồng - chặt”, bao giờ sản xuất gắn với nhu cầu tiêu thụ vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.

Huỳnh Lợi

Tin cùng chuyên mục