Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?. Bài 3: Hành động để dòng sông được chảy tự do

Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?. Bài 3: Hành động để dòng sông được chảy tự do

Việc các nước ở thượng lưu sông Mekong tiến hành xây dựng các đập thủy điện để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, những tác động từ các con đập đối với sông Mekong nói chung, và đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam nói riêng, đã để lại hậu quả nặng nề và dự báo sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai. Việc ứng phó có kịp thời, hiệu quả hay không còn tùy vào sự hợp tác tích cực của cả cộng đồng.

Phải có sự tham gia của khu vực

Sông Mekong đang bị đe dọa. Đó là thông điệp đầu tiên mà Liên minh cứu trợ sông Mekong (Save the Mekong Coalition - SMC) đưa ra để nói về việc chính phủ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia lên kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông chảy xuyên Đông Nam Á này.

Từ tháng 3-2009, một chiến dịch đã được SMC khởi xướng bằng cách thu thập hàng ngàn chữ ký trên các bưu thiếp mang thông điệp cứu sông Mekong. Tính đến nay, gần 17.000 chữ ký đã được thu thập, trong đó có hơn 4.000 chữ ký trên mạng.

Các nước trong khu vực sông Mekong chảy qua (bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) thu thập được gần 23.110 chữ ký. Tất cả những chữ ký này sẽ được gửi đến chính phủ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, như một kiến nghị thư kêu gọi hãy để dòng Mekong được chảy tự do vì cuộc sống hôm nay và mai sau.

Nếu không hợp tác giải cứu sông Mekong thì những vụ mùa bội thu thế này ở ĐBSCL sẽ không còn nữa. Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Nếu không hợp tác giải cứu sông Mekong thì những vụ mùa bội thu thế này ở ĐBSCL sẽ không còn nữa. Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hiện một “Sáng kiến thích ứng” (CCAI) giữa các nước lưu vực sông Mekong được đề xuất và sẽ triển khai trong ít nhất 15 năm. Sáng kiến CCAI có thể giúp hiểu thêm về tác động của biến đổi khí hậu đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ góc độ tổng thể trên toàn khu vực sông Mekong. Tại Việt Nam, tỉnh Kiên Giang được lựa chọn tham gia chương trình.

Ông Juzhong Zhuang, Trợ lý kinh tế cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đồng tình rằng, hợp tác khu vực là phương thức giải quyết các vấn đề xuyên biên giới một cách hiệu quả. Ông cho biết, hiện nay một số dự án quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu có sự tham gia của ADB đã và sẽ được triển khai.

Trong đó, có những dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai lồng ghép vào các dự án đang được xây dựng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trị giá 2 triệu USD; dự án tăng cường năng lực về dự báo khí hậu và thủy văn cho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với trị giá 3,9 triệu USD...

Các chuyên gia bày tỏ tin tưởng, với các giải pháp hiệu quả vừa ngăn chặn vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL sẽ có sức “đề kháng” tốt hơn trước những tổn thương do các đập thủy điện trên dòng Mekong và biến đổi khí hậu gây ra.

Sự chia sẻ của thế giới

Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong là quyền lợi chung của cả các nước trong khu vực. Vì vậy, vấn đề mang tính toàn cầu này cần phải có sự tham gia của các nước trong khu vực và quốc tế.

Tại cuộc hội thảo quốc tế tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ, ngày 10-12-2009, với sự tham gia của đại diện các nước thuộc lưu vực sông Mekong và Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), kinh nghiệm chống ngập ở Mỹ đã được chia sẻ bằng câu chuyện giải cứu đồng bằng sông Mississippi (bang Louisiana).

Vùng lưu vực sông Mississippi ở Mỹ và vùng lưu vực sông Mekong ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Cũng như sông Mississippi, sông Mekong sẽ bị các đập thủy điện làm thay đổi dòng chảy, gây thiếu nước tưới, lũ lụt...

Chuyên gia của USGS, bà Cindy Thatcher, nêu kinh nghiệm ở đồng bằng Mississippi “sau bão Katrina, người dân di dời nhà vào sâu bên trong đất liền hoặc xây nhà cao hơn mực nước biển... 6m! Một biện pháp rất tốn kém khác cũng được thực hiện là bơm đất bùn phù sa không sử dụng ở những con sông gần đó vào những khu vực bị ngập.

Thư kiến nghị đăng trên website savethemekong.org

Thư kiến nghị đăng trên website savethemekong.org

Theo bà Cindy Thatcher, cách này rất hiệu quả, làm tăng diện tích đất sản xuất, giảm vùng bị ngập. Bởi vì nếu đắp đê bơm nước vùng bị ngập ra thì có khả năng bị tái ngập và phát sinh điểm ngập mới. Ngoài ra, để làm chậm tình trạng ngập nước ở vùng đồng bằng, bà đề nghị chính quyền nên cố gắng phục hồi bờ biển và rừng phòng hộ để giảm thiểu yếu tố tác động làm xói lở, mất đất.

Đồng thời phải tạo điều kiện cho hệ sinh thái tự nhiên phát triển, tăng tỷ lệ bồi đắp hữu cơ cho sông, biển. USGS cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, chia sẻ thông tin với Việt Nam, cũng như hỗ trợ công cụ nghiên cứu, dự báo phục vụ việc chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở ĐBSCL.

Và một thái độ hợp tác rõ ràng

Sông Mekong là sông quốc tế, nên rất cần có tiếng nói chung của các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học để chứng minh cho các lập luận về nguyên tắc chia sẻ nguồn nước. Vấn đề thiết thực nhất là cần cập nhật các thông tin, số liệu cơ bản, tiến hành nghiên cứu tổng hợp đánh giá về tác động của các đập thủy điện và các đập dâng của các nước tại vùng thượng lưu, kể cả của Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng đến ĐBSCL.

Tuy nhiên, tại nhiều nước nằm ở vùng hạ lưu, chiến dịch cứu sông Mekong có vẻ như chưa được tuyên truyền sâu rộng. Con sông Mekong có thể quanh co, nhưng thái độ hợp tác của các nước ven sông phải rõ ràng, minh bạch vì quyền lợi chung của cả lưu vực.

Trong tương lai, thế giới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn nước, không hẳn chỉ vì thiếu lượng nước để dùng, mà còn vì chất lượng nước tồi tệ đến mức không sử dụng được. Nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp thì chẳng bao lâu cuộc khủng hoảng nguồn nước sẽ trở thành hiện thực ở chính vùng Châu thổ sông Mekong.

Đó chính là những gì mà ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy ban sông Mekong tại Vientiane (Lào), muốn đề cập trong thông điệp kêu gọi cứu lấy sông Mekong: “Hiện tượng toàn cầu, cộng tác khu vực, hành động địa phương”. 

VIỆT ANH - THANH HẰNG - XUÂN HẠNH
(Tổng hợp từ Japan Focus, THX, Mekonggroup.net, savethemekong.org)

Tin cùng chuyên mục