
“Đất của Argentina đang được bán một cách tự do!” – hồi chuông báo động do các nhà kinh tế học, các nhà hoạt động môi trường phát đi từ Buenos Aires. Điền chủ lớn nhất Argentina hiện nay là một nhóm các gia đình gốc Italia kinh doanh trong lĩnh vực thời trang. Anh em nhà Benetton đến đây từ những năm 1990, hiện đang làm chủ tới 900.000ha đất, trở thành nhà chăn cừu và sản xuất len lớn nhất nước. Họ cũng đầu tư vào việc trồng rừng, chủ yếu là trồng những loại cây lấy gỗ làm đồ dùng nội thất…
- Nhiều người nước ngoài đổ xô đến

Ngày càng có nhiều người nước ngoài tới Argentina mua những vùng đất đai rộng lớn, như ở vùng hồ Cholila, thuộc Patagonia
Từ 15 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người nước ngoài tới mua những vùng đất mênh mông rộng lớn của Argentina, thay thế những gia đình điền chủ truyền thống của nước này. Trong những năm 1990, Tổng thống Carlos Menem từng phát biểu “Chúng ta có quá nhiều đất”, mời các công ty và người nước ngoài tới đầu tư. Việc thay đổi tỷ giá hối đoái đồng peso năm 2002 (giảm giá) càng thúc đẩy việc bán đất không còn kiểm soát được.
Theo số liệu của Liên đoàn thổ địa Argentina, khoảng 300.000km2, tức gần 10% diện tích lãnh thổ Argentina (2.780.000km2) hiện đang nằm trong tay người nước ngoài. Người ta có thể mua đất ở bất cứ nơi nào người ta muốn, thậm chí ngay cả trong các khu rừng quốc gia, nếu người ta có đủ năng lực tài chính.
Patagonia (ở miền Nam) là vùng đất đáng thèm muốn nhất. Chỉ có khoảng 5% dân số toàn Argentina (37 triệu người) sinh sống ở đây nhưng vùng này chiếm tới 1/3 diện tích cả nước với rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú: 80% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt, tiềm năng thủy điện dồi dào, nguồn dự trữ nước ngọt to lớn… Miền đất này đang trở thành thiên đường của các tỷ phú nước ngoài nhờ “chính sách thông thoáng” của chính quyền liên bang và các địa phương, có thể mua hàng triệu héc-ta đất cùng với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà không bị ràng buộc gì, với một cái giá rất khiêm tốn.
- Có ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia?
Ngoài anh em nhà Benetton, các tỷ phú khác mua đất ở đây vì sự thích thú. Douglas Tompkins, ông chủ Mỹ của các nhãn hiệu quần áo thể thao North Face và Esprit, sở hữu 4.500km2, trong đó 20% được dùng để sản xuất, phần còn lại thuộc dự án bảo tồn thiên nhiên mà ông có kế hoạch xây dựng. Ông này đồng thời cũng còn sở hữu 179.000ha đất ở tỉnh Corrientes và 300.000ha khác ở miền Nam nước Chile láng giềng, tức tương đương với diện tích của cả khu Vườn quốc gia Yosemite bang California, Mỹ. Khi một số người lên án ông có ý định biến thành của riêng một trong những nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất hành tinh, ông đáp trả rằng chính là ông muốn bảo vệ nó.
Người sáng lập CNN Ted Turner cũng có 45.000ha trong vùng, nơi ông ta thường thích đến câu cá hồi. Joseph Lewis, một trong những người giàu nhất nước Anh thì làm chủ 14.000ha vùng quanh hồ Escondido. Ông nhà giàu người Bỉ Huber Grosse lại mua 11.000ha ở tỉnh Rio Negro, nơi các khách du lịch nhà giàu thường đến chơi golf và polo (môn cưỡi ngựa đánh bóng)…
Những người dân bản xứ kết tội các ông chủ đất mới xâm chiếm đất đai của tổ tiên họ. Người dân nơi đây cũng than phiền rằng giờ có nhiều vùng hồ hay miền núi mà họ không thể tới được vì đã trở thành sở hữu tư nhân. Các hãng sản xuất rượu nho của Pháp, Italia, Tây Ban Nha thì thích tới tỉnh Mendoza, dưới chân rặng núi Andes, nơi thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt thích hợp với việc trồng nho làm rượu. Đất trồng nho ở đây rẻ hơn ở California tới 10 lần. Các công ty khoáng sản của Canada lại đến khai thác vàng, bạc tại các tỉnh San Juan, La Rioja và Santa Cruz. Trong số các nhà đầu tư còn có Bill Gates, người giàu nhất hành tinh.
Kết quả cuộc điều tra mới đây của tờ nhật báo Clarin cho thấy, 9 trên 10 người dân Argentina tỏ ý lo ngại khi thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước mình nằm trong tay người nước ngoài; 6 trên 10 cho rằng việc này có ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia...
NGUYỄN VŨ