Đồng thuận nâng bội chi, phát hành trái phiếu Chính phủ

Ngày 31-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch 2014. Quốc hội cũng đánh giá việc thực hiện kế hoạch 2011-2013.
Đồng thuận nâng bội chi, phát hành trái phiếu Chính phủ

(SGGPO).- Ngày 31-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch 2014. Quốc hội cũng đánh giá việc thực hiện kế hoạch 2011-2013.

Nâng bội chi, phát hành TPCP

Hầu hết các đại biểu Quốc hội khi phát biểu đều cơ bản đồng thuận với việc tăng bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) để đầu tư, bổ sung cho các dự án cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh minh họa: Cao Thăng

Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh minh họa: Cao Thăng

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), phân tích: Sự sụt giảm của tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 là 30,5% GDP, năm 2013 khoảng 29,1%. Trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng thiết yếu rất lớn, nhất là cùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, do quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nên việc tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm... cũng phụ thuộc lớn vào đầu tư.

Tán thành mở rộng đầu tư công trong chừng mực trong giới hạn cho phép, phát hành TPCP, nâng bội chi nhưng đại biểu Yến cho rằng cần phải có biện pháp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chỉ ưu tiên đầu tư các công trình thiết yếu, tạo sự thay đổi trong phát triển kinh tế vùng miền. Bên cạnh đó, có biện pháp tạo môi trường để thu hút các nguồn lực khác trong đầu tư từ đó giảm tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội.

Cũng đồng tình với việc phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP giai đoạn 2014-2016 nhưng đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng cần xem xét lại việc sử dụng vốn TPCP huy động giai đoạn này đầu tư cho dự án luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu vì nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư dự án này hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng đến môi trường. Đại biểu Đáng cũng đề nghị Quốc hội cần xem xét lại cụ thể các dự án được rót vốn trong kế hoạch huy động TPCP để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư.

Đại biểu Phạm Quang Khải (Bà Rịa – Vũng Tàu) nói nâng bội chi lên 5,3% để tăng đầu tư phát triển cũng là cần thiết song đề nghị Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách khắc phục phục bội chi trong những năm tiếp theo, nhất là khắc phục đầu tư dàn trải. Bởi bài học thực tế việc lập quy hoạch, thẩm định các dự án thủy điện vừa qua đã gây lãng phí lớn nguồn lực khi mà nhiều dự án sau khi đánh giá lại thì bị loại bỏ.

Kinh tế vẫn nhiều khó khăn

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng Chính phủ cần đánh giá xác thực hơn về tình hình nền kinh tế hiện nay vì báo cáo khẳng định kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế năm 2014 thì vẫn nhiều khó khăn, áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể tăng trưởng trong 1-2 năm tới. Đặc biệt khi Chính phủ đang phải kiến nghị nâng bội chi, phát hành thêm TPCP thì việc nói "kinh tế phục hồi" là không thuyết phục.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) có ý kiến: Đọc báo cáo của Chính phủ thì yên tâm nhưng thực tiễn lại thể hiện không hoàn toàn như vậy. Do đó, Chính phủ cần đánh giá khách quan hơn, từ đó tìm giải pháp đúng.

Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), kinh tế Việt Nam tuy có phục hồi song còn chậm. Điều quan trọng hiện nay là cần ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục niềm tin thị trường bởi nhiều doanh nghiệp không mặn mà vay để sản xuất kinh doanh dù lãi suất thấp. Ngoài ra, đang có tình trạng doanh nghiệp có thị trường nhưng lâm vào vỡ nợ. Do đó kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp này.

Chiều 31-10, dù ghi nhận những kết quả tích cực của nền kinh tế-xã hội trong năm 2013, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn tỏ ra trăn trở về các vấn đề nổi lên hiện nay. Cụ thể là kinh tế vẫn khó khăn, xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, lần đầu tiên sau mười mấy năm, ngân sách bị hụt thu tới hơn 63.000 tỷ đồng và Chính phủ đã phải đề xuất Quốc hội nâng mức bội chi lên 5,3% GDP.

Ăn gì, uống gì để khỏi mắc bệnh?

ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) mở đầu phiên thảo luận chiều nay: Thực tế xã hội cũng xảy ra nhiều bức xúc, bài học bác sĩ bệnh viện Bệnh Mai vứt xác bệnh nhân vừa qua rất nhức nhối, tuy hy hữu nhưng là một bài học rất lớn đối với quản lý Nhà nước. Cần quan tâm thêm những bất ổn trong mối quan hệ gia đình, thanh niên thất nghiệp nhiều ở thành thị…

ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) cảnh báo: 3 Bộ quản lý nhưng tình hình ngày càng trầm trọng, người tiêu dùng đang phải gồng mình sống chung với thực phẩm bẩn. Dân hoang mang không biết ăn gì, uống gì để không mắc bệnh. Chính phủ cần có các giải pháp cấp bách để bảo đảm cuộc sống sạch cho người dân, giảm bệnh tật, giảm mức chi của người dân cho bệnh viện.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề xuất Chính phủ nên thi tuyển chọn Giám đốc DNNN do Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, ai đủ tài thì làm, không phân biệt, khi ký hợp đồng thì công khai mọi quyền hạn, quyền lợi, nếu để xảy ra sai phạm giám đốc phải chịu trách nhiệm.

Cho rằng đang có vấn đề về hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý Nhà nước, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) dẫn giải: Nguyên nhân là do bộ máy chưa nghiêm, hiệu lực quản lý nhiều nơi còn yếu, một bộ phận cán bộ suy thoái làm giảm lòng tin của nhân dân. Đây là một lực cản đối với sự phát triển, cần giải quyết. Cần gắn cương vị quyền hạn với trách nhiệm để xử lý dứt điểm các vi phạm. Ví dụ vừa qua những sai phạm trong y tế, môi trường thì không chỉ doanh nghiệp chịu trách nhiệm mà cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể.

Báo cáo kinh tế-xã hội có “bệnh thành tích”?

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nghi ngờ các con số thống kê trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 2013: Trong các báo cáo, tôi cảm tưởng có bệnh thành tích. Cần thanh tra, xử lý những cơ quan công bố các con số không trung thực, vì nó ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, làm giảm lòng tin của nhân dân. Bên cạnh đó, cần kiểm tra sức khỏe tổng thể các doanh nghiệp để có chính sách gỡ khó cụ thể cho họ. Thu-chi ngân sách còn khó khăn kéo dài, vì vậy cần xác định kế hoạch chi tiêu cụ thể của ngân sách. Ngân sách TƯ chỉ hỗ trợ cho địa phương nghèo, hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, kiểm soát chặt chẽ để không có việc chạy dự án. Phải tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản vì đây đang là vòng luẩn quẩn: Nhà nước nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nợ ngân hàng và bị đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng đặt câu hỏi, phải chăng nợ xấu vẫn còn, tốc độ nợ xấu cao hơn rất nhiều mức độ tăng tín dụng, trong đó nợ xấu ở mức 5 là cao nhất (không có khả năng hoàn vốn). Công ty mua bán nợ xấu được lập ra nhưng đang được nhiều chuyên gia ví von là “bác sĩ quá nhiều bệnh nhân”, mới chỉ chủ yếu để xử lý nợ xấu đầu vào (mua nợ xấu) mà chưa xử lý đầu ra (bán nợ xấu).

“Đó là chưa nói việc tồn tại nhiều tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn cao. Tôi đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải giải thích rõ”, ông Hùng đề xuất.

ĐB Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang), Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Tại sao nông dân bỏ ruộng?

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm thì nông nghiệp-nông thôn-nông dân vẫn chứng minh là “bà đỡ” của nền kinh tế. Nhưng hiện lĩnh vực này đang có quá nhiều khó khăn, bức xúc, thu nhập của nông dân rất thấp, bấp bênh, bà con kiến nghị đã nhiều nhưng giải quyết rất chậm. “Gần đây trong nông nghiệp-nông thôn-nông dân đang xuất  hiện 2 vấn đề. Thứ nhất, trong khi tăng trưởng GDP cả nước đang có dấu hiệu phục hồi, năm 2013 tăng hơn năm 2012 thì tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiếp tục suy giảm nặng: từ 4,5% năm 2000 còn 3,4% năm 2006, nay chỉ còn 2,81%. Đây là mức tăng rất thấp so với giai đoạn trước và so với mục tiêu. Thứ hai, hiện đã xuất hiện một bộ phận nông dân không tha thiết với nông nghiệp, có tỉnh hàng ngàn ha đất sản xuất bị bỏ không. Đây là vấn đề rất đáng nói, vì đâu mà nông dân bỏ ruộng, bỏ nghề vốn gắn bó với họ hàng ngàn đời nay?

Nguyên nhân là sản xuất nông nghiệp hiệu quả quá thấp. Một sào lúa chỉ lãi 100-200 ngàn đồng/vụ, nếu thời tiết không thuận thì còn lỗ. Trong 5 năm gần đây, giá vật tư cho đầu vào tăng từ 3-5 lần trong khi giá nông sản chỉ tăng khoảng 2 lần. Đây là tình trạng rất đáng lo ngại. Nếu như tăng trưởng nông nghiệp tiếp tục suy giảm thì trong tương lai, nông nghiệp có còn là bà đỡ cho nền kinh tế hay không? Nông dân có còn đủ sức là chủ thể của công cuộc xây dựng nông thôn mới hay không

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải chặn đứng đà suy giảm của nông nghiệp, phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp, đến được với nông dân. Đầu tư cho nông nghiệp phải có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.


ĐB Lê Nam (Thanh Hóa): Có chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển

Sau kỳ họp Quốc hội thứ 5, chúng tôi đã ra thăm đảo Trường Sa. Chúng tôi đã chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Chính phủ đã mua thêm tàu ngầm, máy bay, đó là việc phải làm. Bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng tăng cường đối ngoại, tăng sức chiến đấu của quân đội là đúng, nhưng chỉ có thể bảo vệ chủ quyền khi dựa vào nhân dân.

Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ ngư dân và phát triển kinh tế biển nhưng hiệu quả chưa cao. Việc thành lập tổ đoàn kết trên biển rất hay nhưng không thực hiện được. Do còn nhiều khó khăn nên khi tham gia những vùng đánh bắt chung, ngư dân chịu nhiều thiệt thòi. Ngư dân của Việt Nam ngày càng bất lợi trong mưu sinh, khiến họ chưa là trụ cột thực sự của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bảo vệ chủ quyền trên biển Đông đi liền với chính sách đối với ngư dân là việc lớn của Quốc hội, Chính phủ. Cần có chính sách để hỗ trợ ngư dân. Ngân hàng có nên có chương trình tín dụng cho ngư dân? Chúng ta ước mong hàng ngàn tàu đánh bắt của ngư  dân, tức là có hàng chục ngàn ngư dân sẽ có mặt ở Trường Sa để vừa mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo.

P.Thảo

 PHAN THẢO-NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục