Dòng xanh giữa phố…

Dòng xanh giữa phố…

Mùa hè năm 1966, tôi rời Quảng Nam vô Sài Gòn.

Tôi được cha gửi tá túc ở một ngôi nhà trong con hẻm số 62 đường Nguyễn Thông, quận 3. Cái xóm ấy, trừ con hẻm là nằm trên đất, còn toàn bộ những ngôi nhà đều nằm trên kinh Nhiêu Lộc - một dãy nhà sàn dài san sát nối nhau. Chẳng biết trước đó thế nào, chứ vào những năm ấy tôi đã nghe người ta gọi là “con kinh thối” rồi. Mà cũng chỉ vài ba người gọi đó là kinh thôi, chứ phần lớn họ gọi là “sình” - chẳng hạn, khi lỡ đánh rơi vật gì đó, thì người ta nói: “Rồi, rớt xuống sình rồi!”; hoặc: “Hồi chiều có mấy đứa chui từ dưới sình lên, đứa nào đứa nấy đen thùi lùi!”.

Tuy cũng mỗi ngày hai bận nước lớn, nước ròng; nhưng con nước lớn thì cũng chẳng làm cho dòng kinh xanh hơn chút nào. Bởi dòng kinh ấy cơ man là rác - thậm chí rác nhiều đến nỗi, chẳng bao giờ thấy nước, mà chỉ thấy rác từ từ dâng cao. Rác gần như chèn kín mặt con kinh. Còn khi nước đã rút, chỉ còn lại trên rác, dưới sình.

Buổi sáng ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn gần cầu Thị Nghè, quận 1). Ảnh: THÁI BẰNG

Buổi sáng ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn gần cầu Thị Nghè, quận 1). Ảnh: THÁI BẰNG

Cứ mỗi khi nước rút, phía dưới lại xuất hiện những đứa trẻ, mà từ đầu đến chân đều lem luốc sình đen. Mỗi lần nhìn thấy bọn trẻ, không ai mà không nhăn mặt xót xa. Có người thốt lên: “Trời ơi! Cái bọn trẻ này nó làm gì ở dưới đó vậy chớ! Toàn là sình với sình, có gì để mà lượm!”. Vậy mà, ngày nào cũng nghe thấy tiếng bì bõm, ì oạp của bọn trẻ ở bên dưới những căn nhà sàn; thỉnh thoảng lại nghe tiếng chúng í ới gọi nhau, hoặc chửi thề om sòm, ỏm tỏi.

Khi bọn trẻ lên bờ (từ một cái ngách trong con hẻm nhỏ) thì trên vai mỗi đứa đều nặng trĩu một bao to. Cả người và bao đều lem luốc sình đen. Chẳng ai biết trong bao mà bọn trẻ vác đó chứa những thứ gì. Có lần tôi tò mò, đi theo mấy đứa đó ra tận vòi nước công cộng ở ngoài đường Nguyễn Thông, xem chúng nó vừa tắm vừa rửa “chiến lợi phẩm”.

Hóa ra, trong đó là đủ thứ mà người ta ném xuống kinh: con búp bê mất đầu, cái ca nhựa bể, vỏ bình thủy rỗng ruột, cái túi da sờn rách, cái cặp-táp đứt quai… Nhưng cũng có khi tôi thấy bọn trẻ reo mừng, nhảy cẫng lên vì sung sướng - chúng lượm được những thứ mà không phải người ta vứt đi, mà do ai đó lỡ tay làm rơi xuống từ những căn nhà sàn. Khi làm rớt thứ gì đó, tiếc của chắc là có, nhưng chẳng ai dám nghĩ đến chuyện lội xuống cái bãi sình ấy để tìm (mà tìm chưa chắc đã thấy)… nên họ đành bỏ.

Vì vậy, hàng ngày người ta vẫn nghe tiếng ì oạp dưới sình và thỉnh thoảng lại nghe bọn trẻ reo mừng bên vòi nước công cộng. Thế mới biết, những thứ mà ai đó thải ra và vài thứ mà ai đó sảy tay làm rớt, lại là những thứ nuôi sống nhiều người khác!

Chẳng hiểu sao, trong cái thành phố rộng thênh này, tôi lại có “duyên” với những con kinh đến thế. Khi không còn ở căn nhà sàn bên trên con kinh thối ở cái xóm nhỏ Nguyễn Thông, thì căn nhà mới mà tôi tá túc lại nằm bên một nhánh của kinh Thị Nghè. Thời ấy, con kinh thứ hai này có khá hơn. Hàng ngày, khi nước lớn con kinh trong xanh, dòng nước mát rượi êm ả trôi.

Người dân tập thể dục buổi sáng dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận 3.

Người dân tập thể dục buổi sáng dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận 3.

Từ bờ bên này sang bờ bên kia đâu chừng mười mét, vậy mà với một đứa học trò lớp năm như tôi, thì đó là một khoảng cách vời vợi. Mỗi lần tắm sông, thì phải một tay níu vào cái tấm vỉ sắt đầu chiếc cầu nhỏ nhô ra kinh, rồi ngụp lặn, chứ nào dám mơ đến chuyện bơi. Nhìn mấy đứa bạn nhảy tùm xuống kinh, rồi bơi qua bờ bên kia - tôi chỉ biết nuốt nước miếng rồi lắc đầu, tự nhủ: “Thôi kệ tụi nó. Mình mà bắt chước là… chết chắc!”.

Lũ bạn, đứa thì khuyến khích: “Bơi dễ òm à. Mày cứ nhảy xuống đi. Bơi đại là được. Nè làm như tụi tao nè…”. Đứa thì… trề môi: “Gì mà nhục vậy mầy! Con trai không biết bơi thì thành con gái mất rồi!...”. Mặc, chúng nói gì thì nói, tôi vẫn không dại gì mà làm cái chuyện ngu ngốc: nhảy đại xuống kinh! Nhục là cái quái gì chớ, chết mới đáng… sợ!

Vậy rồi, bây giờ tôi chẳng nhớ ai trong số những đứa bạn hồi ấy, đã nghĩ ra cái cách, mà nhờ cách đó tôi đã biết bơi: tụi bạn cắm một cái cọc ngay giữa kinh, gần cây cầu nhỏ mà chúng tôi hàng ngày ra tắm - nghĩa là từ bờ ra cái cọc ấy chỉ có 5 mét. Hàng ngày bọn bạn cứ thi nhau hết khuyến khích đến sỉ nhục và nhờ cả hai thứ đó, vào một buổi trưa nọ tôi đã liều mình nhảy “tùm” một phát. Đứng trên cầu lấy trớn, nên sau khi nhảy chẳng cần bơi lội gì mấy, tôi vẫn tới chỗ cây cọc một cách dễ dàng.

Nhưng ra tới đó rồi, cây cọc cứ lắc lư giữa dòng nước như cái răng sắp rụng, thì tôi chỉ biết ôm cây cọc mà… run! Làm sao để trở vô bờ, khi “cái răng sắp rụng” ấy chẳng những không thế nào đủ chắc để tôi đạp lấy trớn, mà còn có nguy cơ nhấn chìm tôi bất cứ lúc nào? Vì sĩ diện, nên tôi đã làm cái chuyện nhảy “tùm” ấy khi chỉ có một mình, nên khi ôm cọc run, tôi cũng chẳng biết kêu cứu ai.

Như người ta thường nói “trong cái khó sẽ ló cái khôn”, chẳng biết lúc ấy tôi có khôn ra chút nào không, nhưng có lẽ vì sợ chết, tôi đã lấy hết sức bình sinh mà quơ tay, múa chân mà trườn, đạp loạn xạ… Cuối cùng tay tôi cũng chạm được vào cái vỉ sắt. Hú vía! Và từ buổi trưa hôm ấy tôi đã biết bơi, dĩ nhiên là bơi kiểu… chó!

Tôi lớn lên ở đất Sài Gòn, nên cũng chứng kiến bao sự thay đổi của thành phố này. Những năm tháng chiến tranh, Sài Gòn vẫn bình yên. Những ngày đầu khi miền Nam giải phóng, chỉ rộn ràng ngoài phố thôi, chứ trong các ngỏ hẻm hầu như chẳng thấy sự thay đổi nào.

Năm 1976, tôi đăng ký đi Thanh niên xung phong. Hồi đó chẳng biết vì lý do gì mà tôi lại dự tính: đi là đi luôn. Chẳng hề nghĩ tới chuyện sẽ về lại Sài Gòn. Tôi đi, bỏ lại tất cả phía sau - kể cả những con kinh mà tôi đã nhiều năm gắn bó. Có lần về phép, chợt thấy Sài Gòn trở nên xa lạ, chưa hết phép đã trở lên đơn vị. Bạn bè đứa nào cũng ngạc nhiên. Khi biết lý do, có đứa trề môi: “Mầy là thằng khùng! Tụi tao muốn về không được. Còn mầy…!”.

Ừ, quả là khùng thiệt, Sài Gòn bao giờ mà không hấp dẫn người ta chứ! Sáu năm thanh niên xung phong, tôi đã học được nhiều thứ, mà một trong những thứ đó là tôi đã biết thêm nhiều kiểu bơi khác, đúng kỹ thuật và đẹp hơn, nhờ đơn vị đóng quân cạnh những con sông lớn…

Nào có chuyện “đi là đi luôn”, vậy rồi cũng như bao đồng đội, tôi về lại thành phố.

Công việc của người làm báo khiến tôi thường xuyên qua lại các con kinh trong thành phố. Không chỉ là đi - ngang - qua mà nhiều lần tôi đã “thâm nhập thực tế” rồi phỏng vấn, chụp hình… nhiều người liên quan đến sự xuống cấp nghiêm trọng của những con kinh trong thành phố.

Một thời, khi nhắc đến những con kinh trong thành phố, là đồng nghĩa nhắc đến những mãnh đời cơ cực sống ven theo những con kinh thối. Ma túy, mại dâm, cướp giật, đâm chém…! Nghe đến là lạnh gáy. Những cái tên chỉ địa danh như bến Trần Văn Kiểu, kinh nước đen Phú Lâm, kinh đen Cầu Sạn, xóm sình Nguyễn Thông, cống Bà Xếp… khiến không ít người sởn gai ốc vì sự ngang ngược của dân giang hồ và vì cảnh sống nhớp nháp, tạm bợ, rách nát trăm bề trên dòng kinh đen tăm tối!

Vậy rồi, đây đó dọc theo hầu hết những nhánh kinh trong thành phố, những khu nhà ổ chuột trên các bờ kinh được giải tỏa. Dân rủ nhau ra phường đi nhận tiền đền bù. Những chiếc xáng cạp, máy hút bùn nổ máy suốt ngày đêm. Trên hai bờ, hai con đường dần hình thành ngày càng rõ nét. Những cây cầu nối hai bờ; những hàng rào sắt, những bồn hoa, cây xanh… mọc lên ven hai bên bờ con kinh. Và, điều không thể ngờ - chợt một ngày dân thành phố trố mắt réo nhau: “Ôi, xem kìa…” - họ nói về một dòng nước xanh trong đang lượn lờ chảy vào thành phố, lăn tăn những đàn cá nhỏ.

Một thời. Những con kinh nước đen làm nên một Sài Gòn chẳng lẫn vào đâu!

Và bây giờ. Cũng có một Sài Gòn - TPHCM chẳng lẫn vào đâu với những dòng kinh xanh…

BÙI NGUYỄN TRƯỜNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục